Nhiều đại biểu cho rằng không nên quá cứng nhắc trong xây dựng dự luật, từ tên gọi đến các quy định chế tài vì trên thực tế một số nước đã thất bại khi cố cấm người dân sử dụng rượu bia.
Cấm bán trên Internet - đi ngược xu thế
Phát biểu tại buổi thảo luận, bà Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) bày tỏ băn khoăn về quy định cấm bán rượu bia trên Internet. Theo bà Lan, quy định này chưa tương thích với các luật khác, phải thay đổi nhận thức và cần quá trình thẩm thấu dần dần.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho rằng quy định này đi ngược xu thế 4.0. "Giờ mở mạng ra là mua được mọi thứ. Vậy cấm bán rượu bia có phù hợp không?" - ông Mai nói.
Bà Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, nêu vấn đề: "Vì sao ngành sản xuất rượu bia là hợp pháp nhưng khi kinh doanh lại không cho bán trên mạng - nơi phát triển thị trường rất tốt. Hơn nữa cấm trên Internet không ổn vì bước chân ra đường người ta có thể mua được rượu bia ở bất cứ đâu".
Ý kiến của các đại biểu cũng cho rằng nhiều quy định trong dự án luật không bảo đảm tính khả thi. Nêu ví dụ về các điều khoản cấm trong dự án luật đối với người dưới 18 tuổi, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Văn Nọ (Long An) đặt câu hỏi: Làm thế nào để xác định được người mua, tiêu thụ rượu bia đã đủ 18 tuổi hay chưa?
ĐBQH Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng đặt câu hỏi: Quy định về cấm quảng cáo rượu bia để phòng ngừa giới trẻ tiếp xúc sớm với rượu bia như dự án luật có khả thi hay không.
Cần tính đến yếu tố văn hóa
Đại biểu Dương Trung Quốc ủng hộ xây dựng luật kiểm soát rượu bia nhưng cho rằng cần tính đến yếu tố văn hóa và có lộ trình thích hợp.
Ở góc độ khác, đại biểu Dương Trung Quốc ủng hộ xây dựng luật kiểm soát rượu bia nhưng cho rằng cần tính đến yếu tố văn hóa và có lộ trình thích hợp.
“Nếu gọi như tên dự luật “Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia” là chưa toàn diện, chỉ nói đến tác hại của rượu bia và điều đó là quay lưng lại với văn hóa thức uống không chỉ của Việt Nam mà cả nhân loại” - ông Quốc nói.
Ông cho hay có một số nước dùng khái niệm mà Việt Nam nên dùng là kiểm soát rượu bia. Nhà nước kiểm soát khâu sản xuất, lưu thông, người uống tự kiểm soát uống thế nào là đủ, uống ở đâu là đúng lúc.
“Có lúc cần say đấy là một nhu cầu xã hội. Nếu tôi say ở góc nhà tôi và không ảnh hưởng tới ai thì đó là điều bình thường. Chưa nói văn nghệ sĩ thì có thể họ còn coi đó như để thăng hoa nghệ thuật” - ông Quốc bày tỏ.
Ông Quốc cũng cho biết dự luật do Chính phủ trình nhưng “có hơi hướng của ngành y tế”. Chia sẻ với ngành y tế những yếu tố tác hại liên quan đến rượu bia gây ra nhưng theo ông muốn kiểm soát cần phải rất khoa học.
Nhà sử học cho rằng cần nhìn vấn đề một cách toàn diện, không phải cứ đưa ra luận điểm góp ý cho dự luật là đứng về phía các nhà sản xuất. Trong khi đó, sản xuất rượu đang mang lại một nguồn lực khá cho các địa phương. Ông Quốc dẫn chứng nhiều nước như Mỹ, Nga nhiều lúc cũng tưởng cấm được nhưng không thành công. Cần có luật nhưng phải điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để mọi người có thể điều chỉnh dần chứ không thể bằng ý chí và nhất là không thể đi ngược lại những ý niệm về văn hóa trong lĩnh vực này.
Đồng tình với quan điểm không nên dùng tên gọi hay quy định cứng nhắc trong dự luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị dự luật cần xây dựng được bước đi hợp lý, có lộ trình để hướng tới “uống rượu có văn hóa, văn minh”.
Cùng quan điểm với đại biểu Dương Trung Quốc, đại biểu Vũ Trọng Kim cho biết “uống rượu bia đã thành tập quán, văn hóa nên nếu làm cực đoan quá sẽ không thành công”.