Sáng 30-6, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp cùng Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang và TikTok Việt Nam, tổ chức buổi livestream bán các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) An Giang.
Buổi livestream diễn ra trong 4 tiếng với sự tham gia của nhiều nhà sáng tạo nội dung nổi tiếng như: Hằng du mục, Thiện Nhân, Huyền Phi.... Sản phẩm là nhiều mặt hàng đặc sản An Giang như: đường thốt nốt, mắm cá linh chưng, cá linh kho mía...
Trao đổi với PLO, ông Lê Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư An Giang cho hay, toàn tỉnh có 120 sản phẩm OCOP. Thời gian qua tỉnh cũng tổ chức nhiều sự kiện quảng bá sản phẩm đến người dùng trong cả nước. Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thiết kế, xây dựng thương hiệu, kênh bán hàng.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã thành công trong việc bán hàng trên sàn thương mại điện tử, được người tiêu dùng biết đến, tăng doanh thu, lợi nhuận.
Tuy nhiên, đặc thù các mặt hàng OCOP này sinh ra từ làng và do chính tay người nông dân làm ra. Do dựa theo kinh nghiệm gia đình nên nhìn chung còn hạn chế về quy mô cũng như việc kinh doanh qua mạng.
Chính vì thế, thông qua chương trình này, ông Hiếu kỳ vọng sẽ giúp các chủ thể, doanh nghiệp OCOP tự tin lan tỏa sản phẩm cũng như vượt qua khó khăn ban đầu để tận dụng nền tảng số trong kinh doanh. Từ đó phát triển lâu dài, bền vững với kinh tế địa phương, giảm tình trạng tha hương tìm kiếm việc làm, ổn định nguồn lao động địa phương.
Chia sẻ với PLO, ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam cho biết, bước đầu ghi nhận qua các phiên livestream bán sản phẩm OCOP vào sáng 30-6 đã tiếp cận được 31 triệu người. Trong đó có 1,6 triệu người vào xem trực tiếp thông qua các kênh livestream.
Chỉ trong 4 tiếng livestream, bán ra 21.000 đơn hàng (khách hàng lẻ), đáng chú ý, có 22 tấn gạo được bán ra chỉ trong vài tiếng buổi sáng. Tổng doanh thu các mặt hàng ước tính đạt 3 tỉ đồng.
Ông Thanh cũng thông tin thêm, hiện chương trình hỗ trợ các sản phẩm OCOP đã đi qua được 30 tỉnh thành. Trong thời gian tới, sẽ tiếp tục phát triển theo chiều sâu, để lan tỏa đặc sản địa phương của Việt Nam tới người dùng trong và ngoài nước.
"Trong tương lai gần, chương trình có kế hoạch hỗ trợ thêm nhóm sản phẩm từ làng nghề và hướng đến xuất khẩu ở các thị trường có sự hiện diện của TikTok Shop, trước hết là các nước ASEAN"- đại diện TikTok Việt Nam chia sẻ.