Nhìn lại 10 sự kiện nổi bật của ngành GD&ĐT năm 2022

Nhìn lại 10 sự kiện nổi bật của ngành GD&ĐT năm 2022

(PLO)- Ngành giáo dục năm 2022 tiếp tục đổi mới chương trình và tìm cách giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Ngành giáo dục năm 2022 nỗ lực vượt khó để tiếp tục thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Dù vẫn còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng ngành vẫn có những điểm sáng. Cùng PLO nhìn lại 10 sự kiện nổi bật của ngành GD-ĐT năm 2022:

1. Tiếp tục thực hiện chương trình mới

Năm học này, chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 tiếp tục triển khai với lớp 3, 7 và lớp 10. Trong đó, chương trình học ở lớp 10, bậc THPT có sự khác biệt hơn.

Ban đầu, so với chương trình hiện hành, học sinh (HS) phải học 17 môn và hoạt động giáo dục (tính cả môn tự chọn là 18). Còn với chương trình mới sẽ phải học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc cùng một số môn và chuyên đề lựa chọn.

Sau khi dư luận phản ánh, Bộ GD&ĐT điều chỉnh chương trình, do đó HS phải học 8 môn bắt buộc và một số môn, chuyên đề lựa chọn.

10 sự kiện nổi bật

Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Bình Tân trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Việc HS lớp 10 phải chọn lựa các tổ hợp môn theo định hướng nghề nghiệp cũng khiến các em, gia đình và các trường gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều HS suy nghĩ chưa chín chắn đã có ý định đổi môn sau khi kết thúc một học kỳ. Vấn đề này đã được các lãnh đạo Sở GD&ĐT đề cập tại hội nghị đánh giá việc thực hiện đổi mới chương trình GDPT 2018 do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tại đây, lãnh đạo Bộ cũng đã hướng dẫn các sở thực hiện ra sao trong trường hợp đặc biệt học sinh phải đổi môn, phải chuyển trường.

2. Môn lịch sử từ tự chọn chuyển sang bắt buộc

Nếu sách giáo khoa lớp 1 gây tranh cãi ngay năm đầu tiên thực hiện chương trình mới thì môn lịch sử là môn lựa chọn hay bắt buộc trở thành tâm điểm của năm nay. Ban đầu lịch sử là môn lựa chọn và được Quốc hội thông qua từ 5 năm trước.

Tuy nhiên vào cuối tháng 4, đầu tháng 5 dư luận xã hội trong đó có giáo viên (GV), HS, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội... bày tỏ lo ngại khi môn lịch sử là môn tự chọn. Trước tình hình trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 63, trong đó yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu quốc hội, thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT, bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý và khoa học.

Ngày 3-8, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 13 sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong chương trình mới, trong đó có những điều chỉnh liên quan đến chương trình tổng thể và môn lịch sử. Môn lịch sử trở thành môn bắt buộc với 52 tiết/năm, đồng nghĩa số môn bắt buộc tăng lên 8.

Thay đổi này đã tác động đến hơn 1 triệu HS lớp 10, thay đổi số môn và tổ hợp môn lựa chọn.

10 sự kiện nổi bật

Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn trong một giờ học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

3. Đổi mới dạy và học môn Văn

Ngành GD&ĐT năm nay có điểm sáng khi Bộ GD&ĐT có công văn gửi các Sở GD&ĐT về việc hướng dẫn đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Văn ở trường phổ thông. Thực hiện điều này sẽ khắc phục được tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu.

Để đổi mới dạy và học bộ môn này, cần phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, dành nhiều thời gian cho hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn kỹ năng đọc, viết, nói, nghe và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học.

Trường THPT Ten Lơ Man, quận 1 đổi mới việc dạy và học văn qua hình thức sân khấu hóa. Ảnh: NTC

Trường THPT Ten Lơ Man, quận 1 đổi mới việc dạy và học văn qua hình thức sân khấu hóa. Ảnh: NTC

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT còn nhấn mạnh việc đổi mới cách kiểm tra, đánh giá môn học. Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học cần tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu; GV phải xây dựng và sử dụng các đề mở.

4. Tăng học phí các cấp học

Năm 2022 bắt đầu áp dụng khung học phí mới theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ. Theo đó, học phí các bậc học đều tăng, ảnh hưởng rất lớn đến HS các cấp.

Trong hai năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đa phần địa phương đều không tăng học phí để hỗ trợ người dân. Do đó, khi áp dụng theo mức thu của Nghị định 81, học phí năm 2022 ở một số địa phương tăng vọt như Hà Nội, TP.HCM.

Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu, huyện Hóc Môn trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ở bậc đại học, mức trần học phí các khối ngành cũng tăng.

Nhằm hỗ trợ HS đồng thời giảm bớt gánh nặng tài chính cho người dân, một số tỉnh, thành quyết định chi ngân sách để cấp bù chênh lệch giữa học phí mới và cũ, nghĩa là số tiền thực đóng của phụ huynh vẫn không thay đổi so với năm 2021. Cụ thể: TP.HCM dự chi hơn 1.500 tỷ đồng, Hà Nội hơn 1.300 tỷ đồng…

Trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội ngày 2-11, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết về vấn đề trên để trình Chính phủ (đã xin ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ). Dự kiến năm học 2022-2023, mức học phí của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập được giữ ổn định.

Hôm 20-12, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết yêu cầu các địa phương, Bộ, ngành giữ mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học trước ở tất cả các cấp học. Trong trường học địa phương tăng học phí thì ngân sách phải đảm bảo phần chênh lệch tăng thêm so với số thu học phí năm học 2021-2022. Với bậc đại học, nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021-2022 đã quy định tại Nghị định 81/2021 của Chính phủ.

5. Nhiều điểm mới trong xét tuyển đại học

Thí sinh muốn xét tuyển ĐH bằng điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ có thời gian đăng ký/điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển riêng, sau khi thi tốt nghiệp THPT và qua trực tuyến. Bên cạnh đó, năm nay, các cơ sở đào tạo vẫn được xét tuyển sớm hoặc sơ tuyển trước nhưng không được yêu cầu thí sinh nhập học trước. Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện lọc ảo chung ở đợt 1 với tất cả các nguyện vọng xét tuyển, các phương thức, các ngành và cơ sở đào tạo. Việc này sẽ giúp thí sinh trúng tuyển vào một nguyện vọng ưu tiên nhất.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2022-2023. Ảnh: HOÀNG GIANG

Mùa tuyển sinh năm này còn chứng kiến việc bùng nổ các phương thức xét tuyển với hơn 20 phương thức. Chỉ tiêu từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, vốn là phương thức chủ đạo, giảm mạnh. Phương thức xét tuyển dùng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có xu hướng tăng và được nhiều trường đại học trên cả nước áp dụng.

6. Thành tích ấn tượng của học sinh Việt Nam tại các đấu trường quốc tế

Năm 2022, Bộ GD&ĐT cử 7 đoàn HS giỏi Việt Nam với 38 lượt HS tham gia Olympic quốc tế. Kết quả, 100% HS Việt Nam dự thi đều đoạt giải, gồm 13 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 8 Huy chương Đồng và 5 Bằng khen (giải Khuyến khích).

Các đoàn Việt Nam tiếp tục nằm trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất với nhiều HS đạt điểm số cao.

10 sự kiện nổi bật

Sở GD&ĐT TP.HCM tặng thưởng cho học sinh đạt Huy chương Vàng Olympic hóa học quốc tế. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Việt Nam có 7 dự án tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2022 (ISEF 2022), trong đó, 2 dự án đoạt giải đặc biệt do các tổ chức khoa học - công nghệ và doanh nghiệp trao tặng

Trong 2 ngày 25 và 26-12, Bộ GD&ĐT gặp mặt, tuyên dương HS đoạt giải Olympic và ISEF năm 2022.

7. Hoãn thi IELTS

Chiều 9-11, nhiều thí sinh đăng ký thi IELTS nhận được thư điện tử của Hội đồng Anh (British Council) thông báo hoãn kỳ thi từ ngày 10-11 đến khi có thông báo mới.

Nội dung thư nêu: "Chúng tôi rất tiếc phải thông báo tất cả kỳ thi IELTS của Hội đồng Anh tại Việt Nam sẽ tạm hoãn cho đến khi có thông báo mới. Vì vậy, kỳ thi của bạn vào ngày 10-11-2022 sẽ bị hủy".

Sau Hội đồng Anh, vào trưa 10-11, IDP cũng thông báo hoãn tổ chức thi. Theo IDP đây là tình huống bất khả kháng và tất cả các tổ chức cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ đều phải tuân thủ.

Bộ GD&ĐT sau đó cho biết lý do là các đơn vị chưa hoàn thiện hồ sơ theo những yêu cầu của Thông tư số 11 hồi tháng 7 nhằm cụ thể hoá Nghị định số 86 năm 2018 của Chính phủ. Cạnh đó, thừa nhận việc tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn tràn lan, không được kiểm soát chất lượng.

Các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh khác như Cambridge, kỳ thi chứng chỉ tiếng Trung (HSK, HSKK), Nhật (Nat-test) và tiếng Hàn (TOPIK) cũng tạm hoãn. Hiện nhiều đơn vị tổ chức thi chứng chỉ đã được cấp phép trở lại.

8. Thiếu trầm trọng GV thực hiện chương trình mới

Đến hết năm học 2020-2021, cả nước thiếu hơn 94.700 GV, chủ yếu là GV các môn học mới cấp tiểu học, THPT theo chương trình GDPT mới và GV mầm non ở vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số.

10 sự kiện nổi bật

Thiếu giáo viên, Trường Tiểu học Thạnh An, huyện Cần Giờ tổ chức lớp học ảo. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Năm học 2022-2023 là năm đầu tiên môn Tin học và Ngoại ngữ trở thành môn học bắt buộc từ năm lớp 3, nhưng lại thiếu GV trầm trọng.

Theo Bộ GD&ĐT, nguyên nhân của tình trạng này là việc tuyển dụng không sát với nhu cầu và quy mô phát triển trường lớp, HS. Việc bố trí, điều động, phân công GV cũng chưa phù hợp; phần khác do tình trạng di dân cơ học tại một số khu công nghiệp, đô thị lớn.

Đặc biệt chế độ đãi ngộ, lương thưởng chưa tương xứng trong khi công việc áp lực khiến nhiều người không mặn mà với nghề sư phạm.

Để giữ chân 1,6 triệu GV hiện có, đồng thời thu hút thêm, ngày 9-11 Bộ GD&ĐT đã có dự thảo tờ trình gửi Chính phủ đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi cho GV. Cụ thể mức phụ cấp ưu đãi 100% với GV mầm non làm việc tại xã khu vực III, thuộc các vùng dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, biên giới; còn lại hưởng 70% - gấp đôi mức 50 và 35% hiện hành.

Cô trò Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Bình Tân trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Cô trò Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận Bình Tân trong 1 tiết học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

9. Báo động tình trạng bạo lực học đường

Năm học 2022, nhiều sự việc bạo lực xảy ra trong môi trường học đường khiến dư luận xôn xao.

Cụ thể, vào tháng 10, sự việc một nam GV bẻ tay đồng nghiệp nữ trước mặt hàng chục HS tại trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế gây bức xúc trong dư luận.

Ngày 31-10, phụ huynh mang dao vào Trường Tiểu học Sơn Lâm, tỉnh Hà Tĩnh, chửi bới, đe doạ GV và ép hiệu trưởng phải quỳ vì bất bình việc mua bảo hiểm y tế cho HS.

Bên cạnh đó, còn nhiều sự việc học sinh bị đánh hội đồng, tung clip trên mạng.

Ngay sau khi sự việc xảy ra, các ban ngành đều có những chỉ đạo, xử lý rốt ráo. Tuy nhiên, trước nhiều sự việc không hay xảy ra dồn dập khiến nhiều người lo lắng liệu trường học có còn an toàn?

10. Kiểm soát bữa ăn bán trú

Trưa 17-11 Trường Ischool Nha Trang tổ chức bữa ăn trưa cho 930 học sinh. Sau ăn khoảng 5 tiếng đồng hồ, một số HS xuất hiện các triệu chứng đau bụng, khó chịu, tiêu chảy. Sau đó tiếp tục xuất hiện thêm triệu chứng sốt, nôn, buồn nôn.

Đến 22 giờ 30 cùng ngày, nhiều HS được phụ huynh đưa đi nhập viện tại các bệnh viện ở TP Nha Trang. Thống kế có 600 HS và GV bị ngộ độc, trong đó 1 HS tử vong

Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6 tiếp phẩm cho học sinh trong bữa ăn bán trú. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông, quận 6 tiếp phẩm cho học sinh trong bữa ăn bán trú. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sau khi sự việc trên xảy ra, các địa phương trong đó có có TP.HCM đều rà soát và thực hiện nhiều giải pháp để kiểm soát cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm đối với bữa ăn bán trú tại trường học.

Sau đó, Bộ GD&ĐT cũng đã có chỉ đạo đề nghị UBND các tỉnh, thành phố kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện an toàn thực phẩm trong các bếp ăn bán trú tại cơ sở giáo dục.

Đọc thêm