Nhìn từ nghi án hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt của Asanzo

Mấy ngày qua, dư luận bức xúc trước thông tin Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo Việt Nam (VN) nhập hàng Trung Quốc nhưng lại ghi xuất xứ tại VN và quảng bá là “đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”, hàng VN chất lượng cao. Bên cạnh đó, tập đoàn này còn bị cáo buộc lập các công ty ma để nhập hàng từ Trung Quốc rồi đưa về các nhà máy của Asanzo tại VN nhằm trốn thuế.

Liên quan đến vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với các cơ quan chức năng, chuyên gia.

Có tình trạng lập công ty ma để trốn thuế

Liên quan đến thông tin cho rằng nhiều công ty nhập khẩu linh kiện, bán hàng cho Asanzo VN là công ty ma vì các địa chỉ đều không có thật, ông Lê Duy Minh, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết: Sau khi báo chí thông tin về vụ việc của Asanzo VN, phía Cục Thuế phối hợp với Cục Hải quan TP.HCM để kiểm tra về vấn đề thuế.

“Về việc Asanzo có lập các công ty ma để nhập khẩu linh kiện hay không và việc đơn vị này chấp hành quy định nộp thuế ra sao, chúng tôi phải qua quá trình thanh tra, kiểm tra mới có thể phát hiện cũng như đưa ra kết luận được. Còn theo quy định của Luật Quản lý thuế thì cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm giữ bí mật thông tin của người nộp thuế” - ông Minh khẳng định.

Cũng theo Cục phó Cục Thuế TP.HCM Lê Duy Minh, nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) làm ăn nên hiện nay thủ tục đăng ký kinh doanh rất dễ dàng, có thể đăng ký kinh doanh online. Tuy nhiên, thông tin về địa chỉ mà DN đăng ký kinh doanh thì Sở KH&ĐT hay Cục Thuế TP.HCM cũng không có đầy đủ để kiểm tra ngay.

“Để kiểm tra tính xác thực của các địa chỉ mà công ty đăng ký là thật hay ma thì chỉ có cơ quan công an và chính quyền như UBND phường… phối hợp mới làm được. Vì vậy, DN cứ thế thành lập và đăng ký địa chỉ, thật hay giả đều không thể kiểm tra ngay” - ông Minh giải thích thêm.

Cũng theo ông Minh, nhiều trường hợp DN không nộp tờ khai thuế, đến lúc cơ quan thuế kiểm tra mới lòi ra địa chỉ không thật. Thậm chí có địa chỉ theo như đăng ký của DN nhưng không có bảng hiệu, thông tin gì. Những DN có địa chỉ ma này đều lợi dụng quy định trên rồi bỏ trốn, trốn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN…

Chuyên gia thuế Trần Xoa cũng cho rằng đối với trường hợp của Asanzo, cơ quan hải quan và cơ quan thuế cần kiểm tra về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN. Cụ thể, kiểm tra xem công ty ma nhập khẩu có nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) 10% hay không. Nếu những công ty này không nộp thuế VAT mà bỏ trốn thì phía Asanzo VN không được khấu trừ loại thuế này.

Vấn đề cần làm rõ nữa, theo ông Xoa, là thuế thu nhập DN, cơ quan chức năng cần kiểm tra việc khai giá của các công ty nhập khẩu linh kiện. Ví dụ, kiểm tra làm rõ họ có lập ra những công ty con, thậm chí những công ty ma nhập khẩu linh kiện điện tử vào VN hay không. Bởi các công ty nhập khẩu này sẽ khai giá nhập khẩu thấp để chịu thuế ít.

Những ngày qua, lùm xùm vụ Asanzo nhập linh kiện rồi xé nhãn Trung Quốc, lột tem và dán tem nhãn “Made in Vietnam” vào để bán khiến dư luận bức xúc. Trong ảnh: Ông Phạm Văn Tam, Tổng giám đốc Asanzo, nói về quy trình lắp ráp tivi. Ảnh: TÚ UYÊN

Khái niệm “Made in Vietnam” còn mơ hồ

Từ nghi án Asanzo thay nhãn “Made in China” bằng “Made in Vietnam”, nhiều chuyên gia cho rằng hành lang pháp lý để xác định xuất xứ hàng hóa của VN vẫn còn thiếu chặt chẽ.

Theo luật sư Phạm Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, hiện nay Ban chỉ đạo cuộc vận động người VN ưu tiên dùng hàng VN định nghĩa hàng VN là sản phẩm hàng hóa được sản xuất, lắp ráp và các dịch vụ được thực hiện trên lãnh thổ VN, tuân thủ pháp luật của Nhà nước VN; không phải hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từ nước ngoài. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định đối với hàng hóa được sản xuất tại VN ghi ra sao. Nói cách khác là chưa có định nghĩa thế nào là hàng VN.

Phó chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM Phạm Ngọc Hưng cũng khẳng định theo luật hiện hành, hiện nay DN nhập linh kiện của máy quạt từ các nước về VN lắp ráp cuối cùng thì ghi “Made in Vietnam”. Hay quần áo, giày dép của VN phần lớn nhập nguyên phụ liệu từ nước ngoài nhưng công đoạn cuối cùng khi ra sản phẩm hoàn thiện xuất khẩu ra nước ngoài vẫn ghi “Made in Vietnam”. Tương tự, giày Adidas, Nike… được gia công ở VN rồi xuất khẩu bán ra nước ngoài, sản phẩm ghi “Made in Vietnam”.

“Như vậy, hiện nay hàng hóa ghi “Made in Vietnam” được hiểu chung chung là hàng hóa sản xuất tại VN” - ông Hưng nhấn mạnh.

Chuyên gia thuế Trần Xoa dẫn chứng: Nghị định 19/2016 trước đây nêu rõ sản phẩm có xuất xứ không thuần túy là sản phẩm có tỉ lệ % giá trị nguyên liệu không có xuất xứ từ VN lớn hơn hoặc bằng 30% tổng giá trị của hàng hóa được sản xuất ra thì vẫn được coi là xuất xứ VN.

Thủ tướng yêu cầu xác minh thông tin vụ Asanzo

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo VN nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác, gắn nhãn xuất xứ VN để bán ra thị trường VN; làm rõ các vi phạm để xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính và Bộ Công Thương chỉ đạo các cơ quan chức năng (hải quan, quản lý thị trường…) rà soát việc thực hiện quản lý nhà nước và chức trách, nhiệm vụ được giao trong vụ việc này; kiểm điểm làm rõ trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật.

Thủ tướng yêu cầu các cơ quan trên khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 30-7-2019.

VIẾT THỊNH 

Đến Nghị định 31/2018 lại không còn giữ lại tỉ lệ 30% này nữa và có một quy định đáng chú ý là chỉ cần sản phẩm có “nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa” trong trường hợp hàng được phối hợp sản xuất ở nhiều quốc gia là được tính xuất xứ VN.

“Chính điều này dẫn đến tình trạng nhiều DN, sản phẩm mượn xuất xứ VN để hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu. Do đó, cần quy định chặt chẽ về xuất xứ hàng hóa, “Made in Vietnam”” - ông Xoa nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, một số chuyên gia cho rằng do chưa có quy định rõ ràng về tỉ lệ sản xuất, chế biến, lắp ráp… ở VN như thế nào, chiếm bao nhiêu % trong giá trị sản phẩm nên hiện nay không biết phân định một sản phẩm có phải là “hàng VN” hay “sản xuất tại VN”. Và những DN gian dối có thể lợi dụng sự chưa rõ ràng này để tự khoác lên mình chiếc áo hàng Việt để trục lợi.

Hoàn thiện thể chế pháp lý về “Made in Vietnam”

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương VN) khẳng định chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN. Do đó, người tiêu dùng trong nước chưa có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng hóa “sản xuất tại VN/Made in Vietnam” và họ đang sử dụng hàng “Made in Vietnam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.

“Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật VN chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN. Các quy định hiện hành phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu. Về cách ghi nhãn, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017 về nhãn hàng hóa. Nghị định này quy định về cách ghi nhãn hàng hóa lưu thông tại VN và hàng hóa nhập khẩu nhưng chưa quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN…” - Cục Xuất nhập khẩu giải thích.

Nhìn từ nghi án hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt của Asanzo ảnh 2
Ngày 11-6, Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Lạng Sơn phát hiện 500 cái áo nam cộc tay có gắn mác “Made in Vietnam” nhưng toàn bộ số hàng hóa đều do Trung Quốc sản xuất. Ảnh: T.U 

Do chưa có quy định về tiêu chí ghi nhãn nước sản xuất hàng hóa, khái niệm “hàng hóa VN” có thể được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Đó là hàng hóa có xuất xứ VN để hưởng ưu đãi thuế quan theo cam kết hội nhập kinh tế quốc tế, hoặc hàng hóa có công đoạn sản xuất tại VN, hoặc hàng hóa có thương hiệu của VN. Các khái niệm này tuy khác nhau nhưng thường bị nhầm lẫn.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết xuất phát từ thực tiễn trong nước và thế giới nêu trên, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại VN là cần thiết và cấp bách nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng, chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm