Nhớ GS-TS Nguyễn Vân Nam, người trí thức tài hoa

(PLO)-  Mới đó mà đã tròn một năm ngày GS-TS Nguyễn Vân Nam rời cõi tạm. GS-TS Nguyễn Vân Nam là một chuyên gia về luật cạnh tranh, luật sở hữu trí tuệ và là một trí thức tài hoa, có trách nhiệm với đời.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cuối tuần rồi, một nhóm bạn thời Học sinh miền Nam từ các nơi tụ về TP.HCM rồi bắt xe xuống nhà GS-TS Nguyễn Vân Nam bên sông Đồng Nai dự đám giỗ đầu.

Ngồi trên xe, họ ríu rít kể chuyện xưa – những câu chuyện “nhất quỷ, nhì ma…” của cái thời học ở Trường Học sinh miền Nam tận Vĩnh Yên, Vĩnh Phú. Họ gọi nhau mày, tao và giành kể những trò “láu cá” mang hơi thở của thời khó khăn đêm bụng đói “sôi kinh” nhưng ngày vẫn lạc quan “nấu sử”. Hễ những trò tinh nghịch nào có dính đến GS-TS Nguyễn Vân Nam, họ lại “chốt” câu “thằng Vân Nam nó thế!”. Sau câu nói ấy, không khí trên xe chùng xuống...

Những người bạn Học sinh miền Nam tề tựu tại nhà của GS-TS Nguyễn Vân Nam trong ngày giỗ đầu của ông. Ảnh: TB
Những người bạn Học sinh miền Nam tề tựu tại nhà của GS-TS Nguyễn Vân Nam trong ngày giỗ đầu của ông. Ảnh: TB

1.

Nhà của GS-TS Nguyễn Vân Nam tọa lạc cạnh bờ sông ở ngôi làng cổ có tên Bến Gỗ, nay thuộc phường An Hòa, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Nhà xây theo kiểu biệt thự, quanh vườn trồng nhiều cây cảnh và hoa hồng. Mỗi một loài cây, TS Vân Nam thường trồng cặp đôi, đối xứng. Trong tiếng nhạc cổ điển dịu êm, bên những cặp đôi cây cảnh đối xứng, thiếu phụ mắt đỏ hoe bồng con nghe những mái đầu bạc kể chuyện xưa - nay và tầm vóc của người đã khuất.

GS-TS Nguyễn Vân Nam là người không dễ gần, nhưng một khi đã bắt chuyện đúng chủ đề, ông có thể nói say sưa quên cả thời gian. Đó là những câu chuyện về nhà nước pháp quyền, về luật sở hữu trí tuệ, luật cạnh tranh… và đặc biệt là các vấn đề về toàn cầu hóa.

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (giữa) cùng bạn bè thắp hương tưởng nhớ GS-TS Nguyễn Vân Nam. Ảnh: TB
Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh (giữa) cùng bạn bè thắp hương tưởng nhớ GS-TS Nguyễn Vân Nam. Ảnh: TB

Hồi xảy ra vụ Vedan xả thải gây ô nhiễm sông Thị Vải, với tư cách là một luật sư, GS-TS Nguyễn Vân Nam là người đầu tiên nhận bảo trợ pháp lý miễn phí cho nông dân Nguyễn Lam Sơn phát pháo kiện công ty này. Sau đó, hàng loạt người dân cùng khởi kiện. Và, trước sức ép của người tiêu dùng cùng áp lực của cổ đông khi chứng khoán sụt giảm, Vedan buộc phải xuống nước, đồng ý bồi thường thiệt hại cho người dân mà không cần phải chờ tòa xét xử.

Lúc ấy, GS Nguyễn Vân Nam nói: “Cần phải trang bị cho người dân công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ mình. Đó cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền – nơi các chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật”.

Nhà nước pháp quyền là chủ đề xuyên suốt mà ông theo đuổi nghiên cứu và xiển dương. Ông thường chia sẻ với báo chí rằng “Thượng tôn pháp luật phải là tinh thần hàng đầu trong một nhà nước pháp quyền. Pháp luật phải là khuôn mẫu để ràng buộc tất cả mọi chủ thể, không ai và không điều gì có thể đứng trên pháp luật”.

Với sở học của mình, bằng nhiều kênh khác nhau, ông đã đóng góp cho nhà nước trong quá trình xây dựng Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Cạnh tranh. Không chỉ vậy, ông còn tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hai lĩnh vực này thông qua nhiều diễn đàn và cả bằng “trực quan sinh động” từ vụ kiện về bản quyền sở hữu trí tuệ mà ông là luật sư của một bên. Vụ kiện “Thần đồng đất Việt” là một ví dụ. Dù phía ông bảo vệ là bên thua kiện, song qua đó người ta hiểu biết thêm pháp luật về lĩnh vực này, nhất là những khái niệm tương cận của pháp luật nước ngoài, của Công ước Berne mà quy định trong nước còn chưa tiệm cận triệt để.

Những người bạn Học sinh miền Nam của GS-TS Nguyễn Vân Nam. Ảnh: TB

Những người bạn Học sinh miền Nam của GS-TS Nguyễn Vân Nam. Ảnh: TB

2.

GS-TS Nguyễn Vân Nam đặc biệt quan tâm đến chủ đề trí thức. Trong một bài viết mang tính “bàn tròn” về chủ đề này cũng như khi trò chuyện với người đối diện, ông hay nói trí thức là người luôn vận động, dấn thân và trăn trở với vận mệnh của quốc gia, dân tộc… Trí thức phải là người đi trước thời đại, luôn mường tượng về tương lai và hình dung làm thế nào để công chúng “chuyển mình”, sẵn sàng cho tương lai tốt đẹp đó.

Điều đó lý giải vì sao từ thập niên 90 của thế kỷ trước, ông đã bắt tay nghiên cứu vấn đề toàn cầu hóa và thường xuyên đề cập đến chủ đề này trên nhiều diễn đàn ở châu Âu. Không phải ngẫu nhiên mà Ủy ban châu Âu đã đặt hàng ông nghiên cứu và năm 2002 ông đã công bố công trình khoa học mang tên Vai trò nhà nước trong thời đại toàn cầu hóa. Công trình này, về sau ông bổ sung, chỉnh lý và xuất bản ở Việt Nam với tên sách tiếng Việt là Toàn cầu hóa và sự tồn vong của nhà nước.

Luật sư Nguyễn Vân Nam (phải) tại phiên tòa xử vụ "Thần đồng đất Việt" mà ông là người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phía bị đơn. Ảnh: YẾN CHÂU
Luật sư Nguyễn Vân Nam (phải) tại phiên tòa xử vụ "Thần đồng đất Việt" mà ông là người bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho phía bị đơn. Ảnh: YẾN CHÂU

Không chỉ tích hợp kết quả nghiên cứu vào một công trình khoa học hay một cuốn sách, mỗi lần trò chuyện với giới trẻ hay trả lời báo chí, GS-TS Nguyễn Vân Nam luôn đau đáu về chủ đề rộng lớn này. Toàn cầu hóa không chỉ là câu chuyện hợp tác, làm ăn, lợi nhuận… giữa các công ty đa quốc gia; là việc tranh thủ thị trường vốn, sử dụng hợp lý tài nguyên, nhân công, lao động nước ngoài; là sự ứng biến linh hoạt của nhà nước (gồm cả biết và dám chấp nhận hy sinh, đánh đổi) nhằm tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh để gia tăng nguồn lực cho quốc gia mình. Toàn cầu hóa còn là việc xác lập vai trò, vị trí và tư thế của từng chủ thể - bao gồm cả chủ thể nhà nước – trong “thế giới phẳng” nhiều cơ hội nhưng cũng đầy rủi ro, thách thức này.

Ngoài chủ đề mang tính vĩ mô này, TS Nguyễn Vân Nam còn viết nhiều cuốn sách mang tính thực dụng liên quan đến luật sở hữu trí tuệ và luật cạnh tranh, góp phần giúp công chúng, doanh nghiệp có thêm công cụ bảo vệ mình trong cuộc chơi toàn cầu hóa. Điển hình là tác phẩm Tác động của bảo hộ sáng chế đối với các nước đang phát triển (xuất bản ở Đức), Quyền tác giả - đường hội nhập không trải hoa hồng (xuất bản ở Việt Nam). Cùng với đó, cuốn sách Nhìn lại, thấy xa hơn (NXB Tổng hợp TP.HCM, in năm 2018) đã kéo bạn đọc gần hơn với chủ đề toàn cầu hóa.

Cần phải trang bị cho người dân công cụ pháp lý hữu hiệu để bảo vệ mình. Đó cũng là tiền đề quan trọng để xây dựng Nhà nước pháp quyền – nơi các chủ thể đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai và không điều gì có thể đứng trên pháp luật.

GS-TS Nguyễn Vân Nam

Mộ phần của GS-TS Nguyễn Vân Nam ở Nghĩa trang Thanh Tước, Hà Nội. Ảnh: CAO TỰ THANH

Mộ phần của GS-TS Nguyễn Vân Nam ở Nghĩa trang Thanh Tước, Hà Nội. Ảnh: CAO TỰ THANH

3.

Buổi trưa, bên vườn nhà GS-TS Nguyễn Vân Nam, sau khi thắp nhang, những người bạn Học sinh miền Nam của GS rôm rả chuyện trò. Vắng bàn tay chăm sóc của chủ nhân, vườn hồng ven sông không còn mượt mà, sum suê như trước, nhưng những bông hoa lác đác vẫn tỏa hương thơm dịu nhẹ, hòa quyện với mùi nguyệt quế nồng nàn.

Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, người bạn thân thiết và tin cậy của GS-TS Nguyễn Vân Nam, luôn tỏ ra tự hào khi kể về bạn mình. “Y (cách ông Cao Tự Thanh gọi GS Nam hay bất cứ người nào ở ngôi thứ ba số ít) là một người tài hoa, tinh tế. Y chơi đàn classic rất được. Ngoài sách ra, y luôn gìn giữ cây đàn guitare và dàn âm thanh như báu vật. Tiếng nhạc cổ điển đang nghe không chừng là từ dàn âm thanh xịn đó của y...”.

Ông Nguyễn Chí Cường, một người bạn của GS từ Hà Nội vào, dù ít nói nhưng thỉnh thoảng chen lời khen “Thằng Nam là vậy đó” khi ai đó kể chuyện hào hoa, lãng tử của bạn mình. Nghe những điều này, ông Đào Thanh Hùng bất giác thở dài: “Không ngờ “Nhìn lại, để thấy xa hơn” là cuốn sách cuối cùng của Nam được xuất bản. Thằng Nam vẫn còn nhiều dự định dở dang…”.

Một trong những dự định lớn lao mà GS Nguyễn Vân Nam đang đeo đuổi là tiến hành một dự án mang tính bài bản, khoa học, lâu dài liên quan đến chủ quyền biển đảo. Nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh nói ông rất tin tưởng vào dự tính của bạn mình. “Khi nghe y trình bày ý tưởng có tính lớp lang, tôi rất tin vào dự án này. Giờ thì tất cả thành dang dở… Không phải y thì không ai đủ sức cầm trịch vụ này!”- nói xong, ông Thanh quay mặt ra phía sông Đồng Nai, ngó những dề lục bình trôi như chiêm nghiệm phận người.

“Thôi, về! Để cho thằng Nam nó nghỉ!”. Ai đó lên tiếng. Mọi người lên xe ra về, không quên ngoái đầu nhìn lại, không phải để thấy xa hơn như tên cuốn sách cuối cùng của GS Nguyễn Vân Nam, mà để một lần nữa khắc ghi hình ảnh yêu thương và tầm vóc của bạn mình.

Vài nét về GS-TS Nguyễn Vân Nam

Sinh năm 1956 ở Cần Thơ, trước 1975 Nguyễn Vân Nam theo học Trường Học sinh miền Nam ở miền Bắc. Ông tốt nghiệp cử nhân hóa học năm 1981 tại ĐH Tổng hợp TP.HCM. Ông sang Đức từ năm 1986 và tiếp tục con đường học vấn, nghiên cứu của mình.

GS-TS Nguyễn Vân Nam, một chuyên gia về Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và là người luôn đề cao Nhà nước pháp quyền. Ảnh: LÊ QUANG NHẬT
GS-TS Nguyễn Vân Nam, một chuyên gia về Luật Cạnh tranh, Luật Sở hữu trí tuệ và là người luôn đề cao Nhà nước pháp quyền. Ảnh: LÊ QUANG NHẬT

Tại Đức, ông tiếp tục tốt nghiệp đại học các chuyên ngành triết học, kinh tế; thạc sĩ lý thuyết kinh tế vĩ mô, thạc sĩ về luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh; tiến sĩ về luật hành chính công, tiến sĩ khoa học về luật tổ chức nhà nước và công pháp quốc tế

Ông được phong giáo sư năm 2002 tại Đức, khi đang là giảng viên cho Trường Đại học Humboldt của nước này.

Năm 2003, ông về nước mở công ty luật tại TP.HCM và hoạt động cho đến khi đại dịch COVID-19 ập đến mang ông đi xa hôm 7-9-2021 (nhằm ngày 1-8 âm lịch).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm