Nhờ hàng xóm… mang thai hộ, xử sao?

Những ngày đầu năm 2019, Công an TP.HCM đã triệt phá một đường dây tổ chức mang thai hộ trái pháp luật, hoạt động xuyên quốc gia. Từ đây, dư luận băn khoăn về việc mang thai hộ được quy định như thế nào trong luật? 

Bác sĩ BV Từ Dũ TP.HCM đang kiểm tra phôi trữ lạnh. Ảnh: TRẦN NGỌC

Sống cạnh nhà nghĩ là anh em

“Nghị định 10/2015/NĐ-CP của Chính phủ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được thực hiện tại bệnh viện (BV) Phụ sản trung ương (Hà Nội), BV Đa khoa trung ương Huế và BV Từ Dũ TP.HCM.

Bên cạnh đó, Nghị định 10/2015 có những điều khoản rất chặt chẽ để đảm bảo tính pháp lý trong quá trình thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo” – bác sĩ (BS) Lê Thị Minh Châu, Trưởng khoa Hiếm muộn BV Từ Dũ, nói.

BS Châu cho biết Nghị định 10/2015 có nội dung: Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.

“Điều này cho thấy chỉ những người nằm trong nhóm nói trên mới được phép mang thai hộ. Tuy nhiên cũng có trường hợp do hiểu không đúng vấn đề nên đã nộp hồ sơ xin mang thai hộ. Hồ sơ này tất nhiên bị từ chối” – BS Châu cho biết.

BS Châu dẫn chứng: “Anh A và anh B ở một tỉnh miền Tây sống cạnh nhà khá lâu. Cả hai đều có gia đình và vợ chồng anh A cũng đã có con. Do vợ anh B không có tử cung nên không thể mang thai theo phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm”.

Khi Nghị đính 10/2015 có hiệu lực, anh B cho rằng anh A sống gần nhà đã lâu và coi như anh em nên nhờ vợ anh A mang thai hộ. Được vợ chồng anh A đồng ý, anh B làm giấy xác nhận anh và anh A là anh em và mang ra UBND xã chứng nhận. Tuy nhiên UBND xã chi xác nhận anh A và anh B sống cùng tổ, cùng ấp, cùng xã, cùng huyện chứ không chứng nhận là anh em. “Sau đó anh B nộp hồ sơ tại BV Từ Dũ để xin thực hiện mang thai hộ và tất nhiên trường hợp này không được giải quyết. Sau khi nghe BV Từ Dũ giải thích rõ, anh B mới hiểu” – BS Châu cho biết thêm.

Mang lại niềm vui cho nhiều người

BS Châu cho biết sau khi nhận được hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, BV Từ Dũ sẽ thành lập hội đồng chuyên môn để duyệt. Sau khi hồ sơ hợp lệ, BV tổ chức tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý cho vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ trước khi thực hiện mang thai hộ.

“Theo quy định, người tư vấn về pháp lý phải có trình độ cử nhân luật trở lên và tư vấn nhiều nội dung quan trọng liên quan đến nhân thân vợ chồng nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ. Do vậy, BV Từ Dũ liên kết với Đoàn Luật sư TP.HCM để nơi đây cử người tư vấn pháp lý. Nhờ vậy sẽ không có kẻ hở” – BS Châu nói.

Chi phí thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhận đạo từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng 
BS Châu cũng cho biết, chi phí thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhận đạo từ 70 triệu đồng đến 80 triệu đồng. Do chí phí khá rẻ so với nhiều nước, tỷ lệ thành công lại khá cao (khoảng 50%) nên nhiều người Việt Nam kém may mắn đã có cơ hội làm cha, làm mẹ.

“Có hai vợ chồng rất trẻ và hiện sống ở nước ngoài. Do chị vợ có vấn đề về tử cung nên không thể mang thai. Bên cạnh đó, chi phí thực hiện kỹ thuật mang thai hộ ở nước ngoài quá đắt nên hai vợ chồng về nước thực hiện. Hiện BV Từ Dũ chuẩn bị chuyển phôi của hai vợ chồng này cho người mang thai hộ. Hai vợ chồng đang sống trong niềm vui khó tả” – BS Châu cho biết.

Tổ chức mang thai hộ có thể phạt tù đến 5 năm  

Điều 100 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 quy định về xử lý hành vi vi phạm về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và mang thai hộCác bên trong quan hệ sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, mang thai hộ vi phạm điều kiện, quyền, nghĩa vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo trách nhiệm dân sự, hành chính, hình sự”.

Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng đã quy định tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại. Theo đó, người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp: Đối với 2 người trở lên; phạm tội 2 lần trở lên; lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức; tái phạm nguy hiểm thì khung hình phạt là bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Đoàn Luật sư TP.HCM

---------------------------------

Từ năm 2015 đến nay, BV Từ Dũ tiếp nhận 117 hồ sơ hợp lệ xin thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đến nay ghi nhận 58 ca có thai, tỷ lệ đạt 50%. Những trường hợp còn lại nếu còn phôi trữ lạnh sẽ được điều trị ở những chu kỳ tiếp theo.

Hiện tổng cộng 33 bé ra đời nhờ kỹ thuật mang thai hộ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm