Nhóm bất động sản được nhà đầu tư ngoại săn tìm

Dưới ảnh hưởng của dịch COVID-19, lĩnh vực bất động sản (BĐS) chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn bởi các lệnh cấm du khách nhập cảnh, làm gián đoạn việc khảo sát và thực hiện các giao dịch của khách nước ngoài.

Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại quan tâm đổ vốn. Thậm chí, có một số tập đoàn đang tranh thủ giai đoạn thị trường im ắng để săn hàng tốt.

Hàng trăm triệu USD vẫn đổ vào bất động sản

Bất chấp những khó khăn trước mắt, các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc… vẫn đang tiếp tục đầu tư mạnh tay vào các dự án ở Việt Nam (VN).

Đầu năm 2020, nhà đầu tư đến từ Nhật Bản tiếp tục đi đầu trong việc khơi thông dòng vốn ngoại đổ vào BĐS. Ở phân khúc BĐS công nghiệp, Công ty Kizuna đang khẩn trương đầu tư xây dựng dự án Kizuna - Ready Serviced Space trên địa bàn huyện Cần Giuộc, Long An. Quy mô dự án lên đến gần 80.000 m2 nhà xưởng xây sẵn, dự kiến bàn giao đưa vào sử dụng vào quý IV-2020 để đón đầu và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào VN sau đại dịch COVID-19.

Hiện nay, các khu nhà xưởng dịch vụ khác của Kizuna tại Long An cũng đã lấp đầy. Trong đó, gần 90% là các doanh nghiệp FDI với hơn 40% là doanh nghiệp Nhật Bản và khoảng 25% là các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Cuối tháng 3 vừa qua, Tập đoàn Novaland cũng đã tiếp nhận thêm khoản giải ngân trị giá 101 triệu USD từ tổ chức tài chính Credit Suisse AG (Singapore).

Khoản vay hợp vốn đã hỗ trợ cho các hoạt động phát triển kinh doanh của Novaland, bao gồm mở rộng quỹ đất, xây dựng và phát triển các dự án. Dòng vốn này đã và sẽ giúp Novaland chủ động đa dạng hóa được các kênh huy động vốn với chi phí hợp lý, có tính cạnh tranh cao.

Đại diện Kizuna cho biết với những động thái VN đang thực hiện để ứng phó với đại dịch, nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút doanh nghiệp FDI và xu hướng dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro thì VN là điểm đến lý tưởng.

Một trong các khu phân xưởng đang thi công tại dự án của Kizuna. Ảnh: QUANG HUY

Chọn lọc dòng vốn

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills VN, cho biết dịch COVID-19 bùng phát gây khó khăn cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, đối với một bộ phận nhóm các cá nhân và doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, có nhiều kinh nghiệm trong và ngoài nước thì đây lại là cơ hội lớn.

Việc BĐS VN vẫn hút vốn ngoại là do thị trường ở các quốc gia nói trên đã rất phát triển, nhà đầu tư khó tìm cơ hội làm ăn. Trong khi đó, VN là thị trường mới nổi nên có lợi thế về sức hút hơn.

Ngoài ra, quy mô dân số nước ta xấp xỉ 100 triệu dân, với độ tuổi 25-40 chiếm tỉ lệ 55% nên nhu cầu nhà ở và sức mua sắm rất lớn. Tốc độ tăng trưởng GDP ổn định 6,5%-6,8% trong nhiều năm qua, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng đáng kể trong vòng 10 năm trở lại đây.

“Bên cạnh đó, hiệu quả khai thác và dòng tiền đối với những tài sản đã đưa vào hoạt động như khách sạn, trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, căn hộ dịch vụ... rất ổn định. Những tài sản này mang thương hiệu nước ngoài nhưng đa phần chủ sở hữu là nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư ngoại thường tham gia khâu dịch vụ quản lý, vận hành, rất khó để mua lại. Do đó, đây cũng là thời điểm cho nhóm đầu tư ngoại khác có tiềm lực tài chính tìm kiếm cơ hội đầu tư” - TS Khương phân tích.

Đối với phân khúc nhà ở, những năm 2008-2011 khi thị trường khủng hoảng, các nhà đầu tư ngoại đã tham gia rất nhiều. Thời điểm này cũng tương tự. Khi các chủ dự án mất khả năng tài chính, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng và huy động vốn từ người mua thì nhà đầu tư ngoại sẽ dễ dàng bắt tay hợp tác hoặc mua lại dự án.

Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, để dòng vốn FDI vào thị trường BĐS mang lại hiệu quả cao, quá trình thu hút FDI cần thực hiện một cách cẩn trọng, có cân nhắc, chọn lọc, có tính toán và phù hợp với quy hoạch. Cơ quan quản lý cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp lý có liên quan đến việc mua bán, sở hữu và sử dụng các loại hình BĐS khác nhau.

Ông Thịnh cho rằng cần tạo ra bộ lọc nhà đầu tư và các dự án FDI bằng các tiêu chuẩn, có cơ chế xem xét, thẩm định về nguồn tài chính, thiết kế, dự toán, khả năng xây dựng và quản lý các dự án. Qua đó, VN có thể lựa chọn được nhà đầu tư tốt, có kinh nghiệm, thực lực, khả năng kết nối thị trường du lịch, BĐS quốc tế.

“Tuy nhiên, cần xác định cách thức và phương án liên doanh, liên kết, cẩn trọng trong hợp tác kinh doanh. Phía VN nên hợp tác với các chủ đầu tư ngoại có mục đích thực chất và gắn bó lâu dài trong quyết định đầu tư” - ông Thịnh chia sẻ.

Hơn 260 triệu USD vốn ngoại đổ vào bất động sản

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, trong quý I-2020, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực. Trong đó, hoạt động kinh doanh BĐS có tổng vốn đăng ký là 264 triệu USD.

Về đối tác đầu tư, có 87 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại VN. Trong đó, Singapore dẫn đầu. Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới