Bất động sản (BĐS) du lịch nghỉ dưỡng là phân khúc đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ tác động của dịch COVID-19. Hàng ngàn lượt khách đã đặt phòng du lịch hủy đơn khi các quốc gia đồng loạt siết chặt hoạt động du lịch cả nội địa lẫn quốc tế.
Kẻ khóc, người thấp thỏm
Du lịch gần như đứng hình, lượng khách thuê giảm, áp lực tài chính đã khiến nhiều nhà đầu tư condotel (căn hộ du lịch) phải tìm cách bán ra, chấp nhận thiệt hại.
Anh Đức Phát (quận Gò Vấp, TP.HCM) đầu tư condotel tại Đà Nẵng với giá mua từ chủ đầu tư (CĐT) gần 2,5 tỉ đồng, lợi nhuận 10%/năm.
Tuy nhiên, dịch bệnh ập đến khiến công việc riêng lẫn kinh doanh condotel của anh không thu lợi. Anh Phát buộc phải bán lại căn hộ trên với giá 2,2 tỉ đồng.
“CĐT vẫn trả lợi nhuận hai lần/năm nhưng với tình hình dịch này tôi buộc phải bán” - anh Phát chia sẻ.
Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển BĐS FLCHOMES (thuộc Tập đoàn FLC) là CĐT đầu tiên thông báo dời thời gian trả lợi nhuận tiền thuê tại các dự án condotel vì dịch COVID-19.
Công ty kêu gọi sự đồng hành, ủng hộ của khách hàng để duy trì hoạt động. Trước mắt công ty tạm dừng chi trả lợi nhuận theo cam kết tại các dự án nghỉ dưỡng. Thời hạn trả lợi nhuận sẽ diễn ra ngay sau khi WHO tuyên bố hết dịch, các cơ sở kinh doanh FLC hoạt động trở lại.
Ngoài ra, khách hàng có thể cân nhắc việc chuyển đổi phần lợi nhuận sang voucher nghỉ dưỡng, vé máy bay hoặc đổi trừ vào các sản phẩm BĐS khác của tập đoàn.
Ngược lại, vẫn có một số khách hàng dù đang hưởng lợi trong thời điểm này nhưng vẫn canh cánh nỗi lo. Đơn cử như chị Nguyệt Ánh (quận 7, TP.HCM) cho biết căn hộ condotel của chị ở Nha Trang có khách liên tục từ đầu năm 2019 đến nay. Do dịch bệnh nên khách chuyển từ thuê ngắn hạn sang dài hạn đến gần hết năm.
“Dù vậy, condotel phụ thuộc rất nhiều vào du lịch nên chúng tôi vẫn lo lắng lắm” - chị Ánh nói.
Năm 2020 chắc chắn là một năm khó khăn của ngành du lịch. Nguồn khách lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm. Tiếp đó là khách châu Mỹ, châu Âu tâm lý e ngại sẽ kéo dài.
Hiện nguồn cung condotel tại Việt Nam rất lớn với hàng chục ngàn căn đã và đang hoạt động nên áp lực cạnh tranh cũng rất khốc liệt.
Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp BĐS du lịch sẽ bị ảnh hưởng bởi nhu cầu cho thuê giảm ở tất cả thành phố du lịch nổi tiếng như Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận, Ninh Thuận, Hạ Long, Phú Quốc...
Bất động sản du lịch sẽ là loại hình có sức hồi phục nhanh nhất của thị trường ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Ảnh: HOÀNG GIANG
Cơ hội phục hồi rất lớn
Mặc dù tình hình hiện tại không tốt nhưng các chuyên gia đều đánh giá BĐS du lịch vẫn còn rất nhiều cơ hội trong thời gian tới.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng pháp lý condotel cơ bản đang được hoàn thiện, ngành dịch vụ du lịch và khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng sau dịch.
Việt Nam vẫn tiếp tục được du khách quốc tế đánh giá cao nhờ nền tảng chính trị ổn định cùng tiềm năng thiên nhiên tươi đẹp. Đặc biệt, khả năng kiểm soát, phòng chống dịch rất tốt của Việt Nam đã được thế giới công nhận.
Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách quốc tế cao nhất thế giới. Những nhà đầu tư sẽ không vì dịch bệnh mà bỏ qua sự hấp dẫn của thị trường BĐS nghỉ dưỡng.
Tuy nhiên, ông Hiếu lưu ý các nhà đầu tư sử dụng vốn vay ngân hàng nhiều sẽ gặp áp lực lớn nếu không cân đối được tài chính. Khi đó phải bán gấp, cắt lỗ là chuyện tất nhiên.
“Ngoài ra, phía các CĐT nếu năng lực tài chính yếu kém, cam kết trả lợi nhuận cao mà không quản lý, vận hành chuyên nghiệp thì cũng sẽ gặp áp lực lớn”- ông Hiếu nói.
Đồng tình, chuyên gia BĐS, TS Sử Ngọc Khương cũng đánh giá mặc dù tác động của đại dịch được dự báo còn kéo dài, song ngành dịch vụ du lịch, khách sạn có thể là ngành đầu tiên phục hồi mạnh mẽ và nhanh chóng.
Các nhóm khách trong nước, Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm số đông sẽ nhanh chóng du lịch trở lại sau khi đại dịch được kiểm soát.
Việc có pháp lý cho condotel sẽ khiến nhà đầu tư an tâm hơn trong việc chủ động gia tăng lợi nhuận bằng cách gia tăng sở hữu loại hình tài sản thứ hai với condotel hay biệt thự, officetel.
“Condotel có thời hạn sở hữu 50-70 năm nằm trong tổ hợp đô thị, nghỉ dưỡng đồng bộ sẽ là yếu tố hấp dẫn khiến các nhà đầu tư quan tâm” - ông Khương nhận xét.
Dự báo về thị trường BĐS nghỉ dưỡng quý II-2020, Hội Môi giới BĐS Việt Nam nhận định nếu đến tháng 5 hoặc tháng 6, Việt Nam chặn dịch thành công thì thị trường sẽ có thể khởi động lại ngay.
Nhiều chủ đầu tư vẫn đổ vốn vào condotel Theo dự báo của DKRA Vietnam, trong quý II-2020 ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung có thể sẽ lên đến khoảng 200-300 căn đối với biệt thự biển và khoảng 600-800 căn đối với condotel. Các dự án đa phần vẫn tập trung ở những thị trường quen thuộc như Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Quốc, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đà Nẵng. |