Bộ TN&MT vừa chính thức có văn bản hướng dẫn về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch (condotel) với thời hạn 50-70 năm.
Condotel được “cấp giấy khai sinh”
Cụ thể, thực hiện Chỉ thị số 11/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển ổn định, mới đây (ngày 14-2) Bộ TN&MT đã ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với một số loại hình BĐS mới (condotel, văn phòng kết hợp lưu trú...).
Cụ thể, về chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất, theo quy định tại Điều 48 của Luật Du lịch 2017 thì căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là cơ sở lưu trú du lịch. Việc kinh doanh dịch vụ lưu trú tại các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thuộc loại hình kinh doanh dịch vụ du lịch và thuộc nhóm ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống quy định tại danh mục Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.
Theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 10 Luật Đất đai và quy định tại Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư số 27/2018 của bộ trưởng Bộ TN&MT quy định về thống kê, kiểm kê đất đai và lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất thì việc sử dụng đất vào mục đích kinh doanh dịch vụ thuộc loại đất thương mại, dịch vụ.
Về chế độ sử dụng đất thương mại, dịch vụ đã được quy định tại Điều 153 của Luật Đất đai. Thời hạn sử dụng đất được quy định tại khoản 3 Điều 126 của Luật Đất đai. Theo đó, thời hạn cho thuê đất đối với tổ chức để sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin thuê đất nhưng không quá 50 năm.
Còn đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, cần thời hạn dài hơn thì thời hạn cho thuê đất không quá 70 năm. Khi hết thời hạn, người sử dụng đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được Nhà nước xem xét gia hạn sử dụng đất.
Bộ TN&MT cũng đề nghị Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức rà soát các dự án đầu tư đã được phê duyệt và việc thực hiện giao đất, cho thuê đất của từng dự án để xác định mục đích sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Thị trường condotel được dự báo sẽ nhộn nhịp trở lại sau khi được gỡ vướng. Ảnh: QUANG HUY
Thị trường sẽ khởi sắc
Ngay sau khi Bộ TN&MT có động thái gỡ khó cho condotel, Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) đã ngay lập tức có ý kiến về vấn đề này.
“HoREA hoan nghênh Bộ VH-TT&DL, Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT đã ban hành các văn bản hướng dẫn giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ hồng), quyền sở hữu condotel cho các khách hàng (các nhà đầu tư thứ cấp) tại các dự án du lịch nghỉ dưỡng; xác định quy chuẩn kỹ thuật xây dựng “căn hộ lưu trú”” - ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết.
Tuy nhiên, HoREA cho rằng văn bản của Bộ TN&MT chỉ xác định phương thức xem xét cấp sổ hồng cho “căn hộ du lịch”, “biệt thự du lịch” nhưng chưa quy định cấp sổ hồng cho “nhà phố du lịch” trong khu du lịch nghỉ dưỡng.
“Hiệp hội đề nghị Bộ TN&MT bổ sung văn bản ngày 14-2 để hướng dẫn cấp sổ hồng cho nhà phố du lịch trong khu du lịch nghỉ dưỡng. Hiệp hội nhận thấy nội dung hướng dẫn cấp sổ hồng cho nhà phố du lịch hoàn toàn phù hợp với các căn cứ pháp luật đã được bộ viện dẫn tại văn bản nêu trên” - ông Châu nêu quan điểm.
Ngoài ra, HoREA cũng đề nghị Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất Chính phủ quy định các điều kiện về huy động vốn, bán căn hộ du lịch hình thành trong tương lai để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng (nhà đầu tư thứ cấp). Đồng thời cũng đảm bảo sự phát triển minh bạch, ổn định, bền vững của thị trường BĐS nói chung và BĐS du lịch nói riêng.
Trong khi đó, Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết cũng đưa ra nhận định trên trang cá nhân: “Động thái chính thức này của Bộ TN&MT sẽ tạo cơ chế quản lý rất thuận lợi cho chính quyền các địa phương, giúp cả người sở hữu condotel, ngân hàng lẫn chủ đầu tư cùng trút bỏ được một nỗi lo lớn về tương lai condotel. Hy vọng sản phẩm BĐS du lịch hữu ích này sẽ rực rỡ trở lại”.
Đồng tình, ông Nguyễn Hoàng Việt, Chủ tịch HĐQT Son Viet Property JSC (SVP) - một đơn vị phát triển và phân phối BĐS, cho biết condotel khi có cơ sở pháp lý rõ ràng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lên đến 70 năm và được Nhà nước xem xét gia hạn là bước đột phá cho phân khúc BĐS nhiều tiềm năng này.
Theo ông Việt, condotel là một loại hình căn hộ đặc biệt, có hai chức năng “để ở” và “cho thuê như khách sạn”. Vì vậy, dòng tiền mang lại cho người sở hữu khá hấp dẫn. Nếu so sánh với căn hộ cùng mức giá 3,5 tỉ đồng thì một căn condotel có thể cho thuê 2,5 triệu đồng/ngày, còn căn hộ khác chỉ có thể cho thuê tầm 500.000 đồng/ngày.
“Dù có giá thuê hấp dẫn nhưng suốt thời gian qua, do cơ sở pháp lý về việc sở hữu chưa rõ ràng nên tạo ra rào cản trong tâm lý của người mua, người bán. Đồng thời tạo sức ỳ lên tính thanh khoản, dẫn đến nhiều khó khăn cho các chủ đầu tư trong suốt nhiều năm qua” - ông Việt nói.
Ngoài ra, theo một số chuyên gia BĐS, condotel sắp tới sẽ là kênh đầu tư rất hấp dẫn. Ví dụ, một căn biệt thự du lịch nghỉ dưỡng với ba phòng ngủ tại Long Hải có giá bán chưa đến 10 tỉ đồng cũng đang được khách thuê chi trả 6-7 triệu đồng/đêm.
Condotel phát triển từ năm 2015, thị trường hấp dẫn nhất vào năm 2016-2017 và bắt đầu giảm nhiệt từ năm 2018 đến nay. Tổng số căn condotel hiện nay trên cả nước có khoảng 30.000. Năm 2019, dự án condotel được cấp phép giảm 8%, số giao dịch đã giảm một nửa so với thời kỳ nở rộ. BĐS nghỉ dưỡng cuối năm 2019 đón cú “vỡ trận” lớn khi chủ đầu tư dự án Cocobay (Đà Nẵng) chấm dứt trả lợi nhuận cam kết 12% với người mua vì khó khăn tài chính. Do vậy, nhiều người lo ngại hiệu ứng dây chuyền sẽ làm xảy ra “cơn khủng hoảng condotel” khi chưa có khung pháp lý đầy đủ. |