Nhóm nghiên cứu UNDP khuyến nghị tập trung phòng ngừa tham nhũng

(PLO)- Nhóm nghiên cứu UNDP nhận định tham nhũng trong khu vực công như y tế, giáo dục là đa dạng và có liên quan đến khu vực tư.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một báo cáo về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng trong khu vực công có liên quan đến khu vực tư đã được nhóm nghiên cứu do Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tài trợ đã được giới thiệu sáng nay, 26-12.

Mục đích của nghiên cứu này, như Luật sư Nguyễn Hưng Quang, đại diện nhóm nghiên cứu trình bày, là để Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan liên quan có thêm thông tin tham khảo, phục vụ việc xây dựng Chiến lược về PCTN ở Việt Nam trong giai đoạn tiếp theo.

Nhóm nghiên cứu UNDP khuyến nghị chống, nhưng nên tập trung phòng ngừa tham nhũng
Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương và ông Patrick Naverman - Phó trưởng Đại diện Thường trú của UNDP chủ trì hội thảo về nhận diện và phòng ngừa tham nhũng - Ảnh: Ngọc Diệp

Phòng ngừa tham nhũng tương thích với UNCAC khuyến cáo

Lấy Công ước LHQ về Chống tham nhũng (UNCAC) mà Việt Nam từ lâu đã tham gia làm căn cứ đánh giá, nhóm nghiên cứu nhận định nhiều chủ trương, chính sách của Đảng được ban hành rất sớm về phòng ngừa tham nhũng đều khá tương thích với các biện pháp mà UNCAC khuyến cáo.

Các quy định có tính chất phòng ngừa tham nhũng trải dài với các yêu cầu từ hoàn thiện công tác cán bộ, kiểm soát chặt chẽ mua sắm công, thiết lập các cơ quan chuyên trách về PCTN. Gần đây rất mạnh mẽ là những quy định có tính đột phá về kiểm soát tài sản thu nhập trong Luật PCTN 2018, rồi cụ thể hóa các cơ chế kiểm soát quyền lực trong Nghị quyết 27 của BCH Trung ương về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam…

Tất cả cho thấy quyết tâm chính trị cao, sự chỉ đạo quyết liệt, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” trong lĩnh vực khó khăn, phức tạp này – theo nhận định của nhóm nghiên cứu.

Đánh giá như vậy phù hợp với các kết quả nghiên cứu thời gian qua, như Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI), Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu (GCB), và Báo cáo PAPI 2022. Theo đó, Việt Nam đã có những thành công và còn dư địa để nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa tham nhũng.

Phòng ngừa tham nhũng nhìn từ 2 dịch vụ công cơ bản

Báo cáo lần này của nhóm nghiên cứu UNDP hướng vào nhận diện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đối với các hành vi tham nhũng xảy ra trong khu vực công, nhưng có liên quan khu vực tư – tập trung chủ yếu ở hai lĩnh vực là y tế và giáo dục.

Nhóm nghiên cứu khẳng định trong lĩnh vực y tế, tham nhũng ảnh hưởng trực tiếp tới việc cung cấp dịch vụ y tế, tác động xấu tới các chỉ số như tỷ lệ tử vong, tuổi thọ bình quân, hiệu quả phòng chống dịch bệnh, chất lượng dịch vụ y tế cũng như khả năng người dân tiếp cận bình đẳng dịch vụ công thiết yếu này.

Tuy nhiên, phòng ngừa tham nhũng trong lĩnh vực y tế là không đơn giản, một phần do chính cấu trúc quản lý rất phức tạp của hệ thống y tế: Số lượng lớn các nhà cung cấp dịch vụ cả công, cả tư; dòng tiền lớn và có độ lưu chuyển nhanh; tính dễ thay đổi của thị trường (giá thuốc, vật tư y tế); tính bất cân xứng về thông tin bệnh tật giữa người sử dụng dịch vụ và bên cung cấp dịch vụ…

Dẫn kinh nghiệm quốc tế cũng như thực tiễn Việt Nam mà nóng nhất là loạt vụ án tham nhũng liên quan đến kit test Việt Á, nhóm tác giả nhận định tất cả các hình thức tham nhũng đều có thể xuất hiện trong lĩnh vực y tế. Hành vi, tính chất rất đa dạng, từ tham nhũng vặt cho đến chủ nghĩa thân hữu, tham nhũng chính sách…

Giáo dục cũng như vậy. Là dịch vụ công cơ bản có độ phủ rộng khắp, nghiên cứu do UNDP tài trợ cho thấy tham nhũng trong giáo dục rất đa dạng. Các biểu hiện có thể xuất hiện sớm thì giai đoạn xây dựng chính sách, rồi ở khâu tuyển chọn, bổ nhiệm nhân sự, rồi tài chính – mua sắm công.

Tập trung vào phân tích, nhận diện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang được triển khai ở Việt Nam, bản báo cáo nhận xét các giải pháp này nhìn chung đều tương thích với các biện pháp đã được UNCAC khuyến cáo, gợi ý.

Đó là chùm các cơ chế phòng ngừa xung đột lợi ích trong quản lý công chức, viên chức ngành giáo dục, y tế; các yêu cầu về xây dựng quy tắc ứng xử; thúc đẩy công khai, minh bạch trong việc xây dựng, ban hành pháp luật có liên quan; công khai, minh bạch trong thủ tục hành chính, trong sử dụng ngân sách; công khai minh bạch kết quả đấu thầu, mua sắm công…

Nhóm nghiên cứu UNDP khuyến nghị chống, nhưng nên tập trung phòng ngừa tham nhũng
Báo cáo của nhóm nghiên cứu thu hút sự quan tâm của đại biểu đến từ ngành y tế, giáo dục - hai lĩnh vực dịch vụ công cơ bản đang cần quan tâm hơn công tác phòng ngừa tham nhũng. Ảnh: Ngọc Diệp.

Một số khuyến nghị

Dù công cuộc PCTN tiêu cực đang "nóng' với hàng loạt vụ án mới bị phát hiện, khởi tố, truy tố, xét xử, nhưng báo cáo của nhóm nghiên cứu UNDP lần này tập trung vào việc nhận diện hành vi tham nhũng và nâng cao hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là trong hai lĩnh vực y tế, giáo dục. Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị.

Theo đó, cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, duy trì quyết tâm chính trị cao trong công tác PCTN, nhưng theo nguyên tắc phòng ngừa là chính. Ở nội dung khuyến nghị này nhấn mạnh vai trò quan trọng của Ban Nội chính Trung ương với tư cách cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng trong lĩnh vực PCTN, đồng thời là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực.

Để đơn giản hóa công tác phòng ngừa tham nhũng, cần nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn dưới hình thức tài liệu checklist, liệt kê các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trên cơ sở bám sát Luật PCTN 2018 cũng như các quy định của UNCAC và tài liệu liên quan. Từ tài liệu checklist này, các bộ, ngành, cơ quan chuyên môn về y tế, giáo dục các cấp có thể xây dựng các tài liệu chi tiết hơn áp dụng cho ngành, đơn vị mình.

Xây dựng cơ chế khiếu nại, tố cáo và cơ chế phản hồi trong lĩnh vực y tế, giáo dục phù hợp với đối tượng phục vụ của từng ngành. Cơ chế này phải bảo đảm tính thân thiện, khả năng tổng hợp thông tin về chất lượng dịch vụ, thái độ người cung cấp (ví dụ bác sĩ, y tá hay giáo viên…) qua đó dễ nhận diện các vấn đề bất cập. Cơ chế phải bảo đảm bảo vệ danh tính người cung cấp thông tin để không ảnh hưởng tới quyền tiếp cận công bằng về chất lượng dịch vụ công.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thanh Hải đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu khi xây dựng một báo cáo công phu. Ông đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục chỉnh sửa, hoàn thiện để chuyển báo cáo cho Ban Nội chính Trung ương làm tài liệu nghiên cứu, tham mưu cho Trung ương về công tác PCTN, tiêu cực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm