Chỉ có cách của cô bạn bày cho đó là “Nó không ăn thì vả vỡ mồm nó ra” là chưa dám thực hiện. Cô bạn thường “dạy”, (vì luôn tự hào về đứa con năm tuổi bụ bẫm của mình): “Từ bé tớ đã nhồi thật lực, không ăn thì cho ăn tát, sợ đau nên cứ phải nuốt vội, giờ thì hình phạt những lúc nó hư là cho nhịn cơm, cu cậu xin lỗi rối rít vì không ăn dạ dày rỗng, không chịu nổi”. Cô ấy còn bảo, cứ bắt nó ăn càng nhiều càng tốt, không cần biết con hấp thụ được đến đâu.
Ngay cả việc học hành của con cũng thế, bằng ấy cô đã thúc ép để hình thành cho nó thói quen học tập. Nó mà tô màu hay viết chệch hàng là bị bắt đặt tay lên bàn, lấy thước đánh cho nhớ đời.
Cô bạn chị và nhiều người phụ nữ luôn tâm niệm phải rèn đến nơi đến chốn để còn hướng tới mục tiêu chọn trường điểm, lớp chuẩn và cô giỏi. Họ bắt con phải nằm lòng câu “Thua thầy một vạn không bằng kém bạn một ly”, không được thua kém ai và bố mẹ góp phần không nhỏ trong cuộc chạy đua vũ trang ấy. Chính vì lẽ này mà không ít bà mẹ trở thành áp đặt mọi mong muốn, suy nghĩ, sở thích của mình vào con, mà không cần quan tâm đến thái độ, cùng sự ham muốn hay nhu cầu thực sự của người nhận được sự “ưu ái” ấy. Họ tự tay giành giật để gánh vác trọng trách, đồng thời nặng nề gọi đây là sự hi sinh cao cả dành cho gia đình.
Hôm trước nó lại gặp cảnh bà hàng xóm chê cười chị hàng xóm để con tự lập, tự xúc ăn, tự phục vụ bản thân “Nó còn bé, bắt nó làm còn mất thời gian hơn, làm mẹ thì không được lười”.
Vậy là trong phụ nữ luôn tràn trề những mâu thuẫn, vừa mong có được người chồng thấu hiểu, biết thông cảm, sẻ chia, nhưng lại không muốn con trai mình biết làm việc của đàn bà, vì lo chúng lóng ngóng sẽ làm đổ, sẽ vỡ, sẽ hỏng hết. Sợ con trai làm việc nhà thì nó hèn người đi, rồi lại “trông chả khác gì đàn bà” thế là ôm hết cả, rồi tiếp tục than thở kêu vất.
Họ giữ khư khư trong lòng quan niệm cũ, để rồi rốt cuộc lại làm khổ lây những người khác, bao gồm cả chồng con và những người phụ nữ quanh họ. Có lẽ họ chưa hiểu, con cái là một cá thể riêng biệt, chỉ có thể tác động, hỗ trợ phần nào thôi, chứ làm sao sống hộ được con.