Những chủ nhân nhờ chuyển 30.000 tỉ đồng qua Trung Quốc phạm tội gì?

(PLO)-  Theo luật sư, những chủ nhân số tiền 30 ngàn tỉ đồng có vai trò đồng phạm là người thực hành trong vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Mới đây, VKSND TP Hà Nội đã ban hành cáo trạng, truy tố các bị can trong vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới với số tiền cực lớn, lên tới hơn 30 ngàn tỉ đồng.

Đây là vụ án từng gây xôn xao dư luận, được Công an TP Hà Nội triệt phá hồi tháng 9-2020. Theo cáo trạng, 13 bị can cùng bị truy tố về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, quy định tại khoản 3 Điều 189 BLHS.

Một vấn đề được đặc biệt quan tâm trong vụ án, đó là số tiền hơn 30 ngàn tỉ đồng được vận chuyển trái phép qua biên giới là của ai, vì sao lại chuyển trái phép ra nước ngoài?

Rất tiếc, cáo trạng chưa trả lời được cho những câu hỏi trên.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định 11 cá nhân là chủ các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM liên quan đến việc chuyển tiền cho Nguyễn Thị Nguyệt.

Tuy nhiên, đến nay, do chưa đủ căn cứ để xử lý hình sự nhóm trên nên Công an TP Hà Nội đã tách tài liệu vụ án liên quan đến các đối tượng giao tiền, nhận tiền từ khách rồi chuyển cho Nguyệt; đồng thời tách tài liệu liên quan đến các đối tượng là người có tiền chuyển ra nước ngoài để tiếp tục điều tra, xử lý sau.

Câu hỏi đặt ra là nếu truy được chủ nhân của số tiền trên thì những người này phạm tội gì, có vai trò gì trong vụ án?

Thạc sĩ – luật sư Nguyễn Văn Dũ (Đoàn Luật sư TP.HCM). Ảnh: HT

Trao đổi với PV, Thạc sĩ – luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ (Đoàn LS TP.HCM) cho biết vợ chồng Nguyệt là người cung cấp dịch vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới còn chủ sở hữu của số tiền này là người mua/sử dụng dịch vụ trái pháp luật này.

Theo đó, khi làm rõ được chủ sở hữu số tiền đã được vận chuyển trái phép, làm rõ ý thức, động cơ, mục đích của họ thì những người này có dấu hiệu đồng phạm với vợ chồng Nguyệt về tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới theo Điều 189 BLHS năm 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

“Chủ số tiền đó không có vai trò chủ mưu mà là người thực hành, vì cả hai bên đồng thuận cùng thực hiện tội phạm. Mức án cao nhất của hành vi phạm tội này là bị phạt tù đến 10 năm”, ThS - LS Dũ nói.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định 11 cá nhân là chủ các doanh nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM liên quan đến việc chuyển tiền cho Nguyễn Thị Nguyệt.

Cũng theo ThS-LS Dũ, đối với vụ án nêu trên, nếu chứng minh được chủ sở hữu số tiền có hành vi phạm tội (nguồn tiền có được từ các hành vi như: tham nhũng, trốn thuế, buôn lậu, đánh bạc… hoặc việc chuyển tiền là hành vi rửa tiền phạm pháp) thì những người này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội danh khác tương ứng.

Việc tách vụ án hình sự được quy định tại khoản 2 Điều 170 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS).

Theo đó, cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án hình sự trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và việc tách vụ án không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án.

“Đối với vụ án trên, hành vi của chủ số tiền được vận chuyển trái phép có dấu hiệu đồng phạm với vợ chồng Nguyệt nên việc tách hành vi của họ ra để điều tra, xử lý sau ít nhiều có ảnh hưởng đến việc xác định tính toàn diện của vụ án, của đường dây tổ chức vận chuyển trái phép tiền tệ, ảnh hưởng đến việc xác định tính chất, mức độ của vụ án và tính chất của đồng phạm”, ThS-LS Dũ nêu quan điểm.

Ngoài ra, việc tách vụ án hình sự phải được thể hiện bằng Quyết định tách vụ án hình sự. Lúc này, từ một vụ án được tách thành ít nhất hai vụ án. Quyết định tách vụ án là cơ sở pháp lý để tiếp tục điều tra hành vi của những người khác có liên quan và khi có đủ cơ sở thì CQĐT chỉ ra Quyết định khởi tố bị can mà không ban hành Quyết định khởi tố vụ án nữa. Nếu không có Quyết định tách vụ án thì không có cơ sở để tiếp tục điều tra hoặc khởi tố bị can sau đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới