Bộ Tài chính nói gì về đề xuất cá nhân nợ thuế từ 50 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh?

(PLO)- Đại diện Bộ Tài chính cho hay đề xuất ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh với cá nhân, hộ kinh doanh nợ thuế trên 50 triệu đồng sẽ tác động đến khoảng 81.000 trường hợp.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 20-12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 Luật vừa được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua.

Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với chín Luật vừa thông qua.

Cụ thể, chín luật này gồm Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Dữ liệu; Luật Di sản văn hóa; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Xử lý vi phạm hành chính (1 luật sửa 9 luật).

Bộ Tài chính nói gì về đề xuất cá nhân nợ thuế từ 50 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh?
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với chín Luật vừa được Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua. Ảnh: TTXVN

Khi nào chấm dứt miễn thuế VAT với hàng nhập dưới 1 triệu qua sàn?

Tại buổi họp báo, liên quan đến Luật Thuế Giá trị gia tăng (VAT, sửa đổi), PV nêu tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ khẩn trương ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua kênh thương mại điện tử, bảo đảm không cho phép miễn thuế nhập khẩu đối với hàng giá trị nhỏ.

Trong đó, trước mắt chấm dứt ngay hiệu lực của Quyết định 78/2010 của Thủ tướng, làm cơ sở cho cơ quan quản lý thuế có căn cứ pháp lý và chế tài quản lý thu đối với các sàn thương mại điện tử nước ngoài bán hàng hóa vào Việt Nam.

Từ đó, PV đề nghị lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết các bước đang được triển khai và khi nào sẽ thực hiện chấm dứt hiệu lực của Quyết định 78.

Trả lời nội dung này, ông Lưu Đức Huy, phó cục trưởng Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), cho biết nghị quyết của Chính phủ giao cho Bộ Tài chính trình xem xét bãi bỏ Quyết định 78. Sau đó, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương liên quan theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ngày 4-12, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về bãi bỏ quyết định. Đến ngày 12-12, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội đồng thẩm định về việc bãi bỏ quyết định theo đề nghị của Bộ Tài chính.

"Hiện tại, Bộ Tài chính đang chờ ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp để hoàn tất thủ tục theo đúng trình tự, thủ tục ban hành của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Từ đó trình Thủ tướng hủy bỏ quyết định này", ông Huy thông tin thêm.

bo-tai-chinh-nguong-no-thue-hoang-thai-son copy.png
Ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, trả lời tại buổi họp báo. Ảnh: VTV

Hơn 81.000 trường hợp bị tác động

Ngoài ra, trả lời câu hỏi của các PV về vấn đề ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ thuế sẽ bị áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh, ông Hoàng Thái Sơn, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, cho hay theo luật hiện hành trước khi có 1 luật sửa 9 luật thì quy định 90 ngày với cá nhân, hộ gia đình có nợ thuế nhưng phải qua các bước của cơ quan thuế cưỡng chế để đi đến bước cấm xuất cảnh.

Thứ nhất, là có văn bản đôn đốc nộp thuế. Thứ hai, là áp dụng các biện pháp như trừ tiền trong tài khoản. Trước khi cưỡng chế có thông báo cho các hộ, cá nhân rồi mới cưỡng chế, cấm xuất cảnh.

Căn cứ tình hình thực tế, Bộ Tài chính đề xuất Quốc hội thông qua ở 1 luật sửa 9 luật là giao nội dung này cho Chính phủ hướng dẫn. Hiện nay, dự thảo Nghị định đang được Bộ Tài chính xây dựng, chuẩn bị trình lên Chính phủ đề xuất ngưỡng tạm hoãn xuất cảnh là trên 50 triệu và nâng từ 90 lên 120 ngày cho phù hợp.

Về đánh giá tác động, ông Sơn cho biết số hộ kinh doanh và cá nhân nợ thuế trên 50 triệu đồng là khoảng 81.000 trường hợp.

“Qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như khảo sát, chúng tôi thấy với mức 50 triệu đang dự kiến trình Chính phủ là phù hợp. Để cưỡng chế, cấm xuất cảnh thì nâng thời gian từ 90 lên 120 ngày. Trong 120 ngày đó vẫn phải qua các bước như luật quy định thì mới tiến hành cưỡng chế” – ông Hoàng Thái Sơn nói và nhìn nhận đây là một trong những biện pháp rất hữu hiệu trong quản lý thuế để đảm bảo người dân, hộ cá nhân thực hiện đúng quyền của mình liên quan đến thuế cũng như đảm bảo nộp thuế cho Nhà nước.

Tiếp tục duy trì đóng kinh phí công đoàn 2%

Luật Công đoàn 2024 gồm 6 chương, 37 điều, có hiệu lực thi hành từ 1-7-2025. Bảo đảm về tài chính công đoàn là một trong những nội dung đáng chú ý tại Luật.

Theo đó, Luật giữ nguyên quy định cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thuộc mọi thành phần kinh tế không phân biệt nơi đã thành lập hay chưa thành lập công đoàn, đều phải có nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Đồng thời, Luật bổ sung quy định xem xét miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã khi gặp khó khăn; bổ sung và làm rõ hơn các nhiệm vụ chi kinh phí công đoàn; bổ sung quy định phân phối kinh phí công đoàn cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn gồm 5 Chương và 59 Điều, đã bao quát và cụ thể hóa ba nội dung chính sách cơ bản, có hiệu lực thi hành ngày 01-7-2025.

Cụ thể là Hoàn thiện các quy định về hệ thống quy hoạch đô thị và nông thôn. Hoàn thiện các quy định về lập, thẩm định, phê duyệt, rà soát, điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn. Hoàn thiện các quy định về lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch, nguồn kinh phí và các quy định có liên quan khác nhằm nâng cao chất lượng, tính khả thi của quy hoạch đô thị và nông thôn, quyền được tiếp cận, cung cấp thông tin về quy hoạch đô thị và nông thôn.

Luật Công chứng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-7-2025 và thay thế Luật Công chứng 2015.

Luật Công chứng năm 2024 gồm 8 chương 76 Điều (giảm 2 chương và 5 điều so với Luật Công chứng năm 2014), với các nội dung mới cơ bản, như xác định đúng phạm vi công chứng và thẩm quyền của công chứng viên; quy định về các giao dịch phải công chứng; sửa đổi, bổ sung một số quy định về công chứng viên, về hành nghề công chứng…

Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2025, gồm 8 chương, 55 điều. Đáng chú ý, về kiểm tra phòng cháy, chữa cháy, Luật quy định, người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình, chủ phương tiện giao thông, chủ đầu tư, tự tổ chức kiểm tra, kịp thời phát hiện các sơ hở, nguy cơ mất an toàn dễ gây cháy, nổ ngay tại cơ sở, hộ gia đình, phương tiện giao thông thuộc phạm vi quản lý.

Bên cạnh đó, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, UBND cấp xã, cơ quan Công an, cơ quan chuyên môn về xây dựng, cơ quan đăng kiểm, thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật…

Luật Phòng, chống mua bán người, có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2025. Luật được ban hành nhằm hoàn thiện pháp luật phòng, chống mua bán người, tạo nhận thức thống nhất và đầy đủ về công tác phòng, chống mua bán người; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội trong công tác phòng, chống mua bán người; hoàn thiện cơ sở pháp lý trong thực hiện việc hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay và trong thời gian tới, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về phòng, chống mua bán người.

Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 63 điều (tăng 5 điều so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011)...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm