Ngày 20-12, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia "Phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay".
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Lê Trường Sơn (Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng thời gian qua đã có những thành công nhất định trong việc xây dựng thể chế và quy định pháp luật nhằm kiểm soát quyền lực nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức cần giải quyết như việc phân chia trách nhiệm giữa các cơ quan nhà nước, việc thực thi pháp luật và kiểm soát quyền lực còn chưa đồng bộ và hiệu quả...
Hội thảo nhằm mục đích đóng góp những ý kiến khoa học góp phần vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.
Tòa không nên tuyên án hành chính quá chi tiết?
Cũng tại hội thảo, thay mặt nhóm tác giả, TS Lê Việt Sơn (Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng có nhiều bất cập về giới hạn kiểm soát tư pháp của tòa án đối với hoạt động quản lý hành chính trái pháp luật.
Cụ thể như tòa án chỉ được quyền hủy bỏ quyết định hành chính, tòa án không được ban hành quyết định hành chính mới dẫn đến việc giải quyết không triệt để. Cạnh đó, tòa án không có cơ chế đảm bảo phán quyết của mình được thực thi, khả năng phát sinh vụ án hành chính mới rất cao...
Trong tham luận, nhóm tác giả còn cho rằng một trong những quyền hạn của tòa án đối với hoạt động quản lý hành chính khi được đánh giá không hợp pháp là tòa án sẽ buộc người có thẩm quyền thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ được giao. Quy định này không rõ ràng, dẫn đến trường hợp tòa án ở các địa phương áp dụng không được thống nhất.
Một số tòa án tuyên chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện, hủy bỏ đối tượng khởi kiện hoặc yêu cầu chấm dứt hành vi trái pháp luật, buộc người bị kiện thực hiện đúng nhiệm vụ, công vụ được giao nhưng không nêu rõ nhiệm vụ, công vụ được giao là nhiệm vụ gì. Việc tuyên không rõ ràng như thế này rất dễ dẫn đến hậu quả là gây khó khăn trong việc thi hành án hành chính bởi lẽ người phải thi hành án hành chính gặp nhiều khó khăn trong việc xác định nghĩa vụ thi hành án hành chính.
Trong khi đó, một số tòa án lại đưa ra phán quyết quá chi tiết và cụ thể; dẫn đến hậu quả pháp lý là bản án bị tòa án cấp trên hủy án để xét xử lại, kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
Để góp phần tháo gỡ vướng mắc này, TAND Tối cao đã ban hành Công văn số 207/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính. Trong đó có nêu: HĐXX không được tuyên như điểm b khoản 2 Điều 193 Luật TTHC là “buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật” hoặc “buộc cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi hành chính trái pháp luật” mà phải tuyên cụ thể hơn các nhiệm vụ, công vụ mà cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thực hiện theo phần nhận định của bản án, gắn với yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện. Tuy nhiên, HĐXX không được tuyên quá chi tiết những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước”.
Rõ ràng với hướng dẫn này của TAND Tối cao chưa làm rõ được thẩm quyền của tòa án đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính ban hành hoặc thực hiện trái pháp luật.
Để khắc phục được tình trạng này, nhóm tác giả cho rằng cần phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thể hiện rõ giới hạn kiểm soát của tòa án đối với các hoạt động quản lý hành chính trái pháp luật...
Cần ban hành án lệ hành chính
Cũng tại hội thảo, TS Lê Việt Sơn còn cho rằng đối với các hoạt động quản lý hành chính trái pháp luật đến mức độ nào sẽ bị tòa án làm mất đi hiệu lực thi hành, vẫn chưa được pháp luật TTHC làm rõ. Tòa án sẽ đánh giá tính hợp pháp của hoạt động quản lý hành chính bị kiện để từ đó đi đến quyết định chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện về việc hủy bỏ các quyết định hành chính hoặc tuyên bố các hành vi hành chính là trái pháp luật.
Theo ông Việt Sơn, việc đánh giá tính hợp pháp của hoạt động quản lý hành chính thông qua nhiều tiêu chí khác nhau. Vấn đề đặt ra là HĐXX sẽ đưa ra phán quyết như thế nào nếu như trong số các tiêu chí đánh giá về tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện có tiêu chí được xác định hợp pháp, có tiêu chí không hợp pháp? Hiện nay, pháp luật TTHC chỉ liệt kê các tiêu chí để chủ thể tố tụng xem xét đánh giá về tính hợp pháp của đối tượng khởi kiện nhưng không quy định vi phạm những loại tiêu chí nào hoặc số lượng tiêu chí không hợp pháp thì tòa án sẽ ra phán quyết hoạt động quản lý hành chính đó là trái pháp luật.
Theo TS Việt Sơn, thực tiễn xét xử cho thấy, việc đánh giá tính hợp pháp của các hoạt động quản lý hành chính phụ thuộc rất nhiều vào ý chí chủ quan của HĐXX trong vụ án. Theo đó, đối với các hoạt động quản lý hành chính được ban hành hoặc thực hiện có vi phạm về hình thức, vi phạm về thủ tục,... nhưng “không làm thay đổi bản chất” của vụ việc thì hoạt động quản lý hành chính đó vẫn được tòa án tuyên bảo đảm tính hợp pháp. Ngược lại, đối với các hoạt động quản lý hành chính có vi phạm nghiêm trọng về việc áp dụng quy phạm pháp luật, thời hiệu, thẩm quyền... thì tòa án sẽ ra phán quyết hoạt động hành chính đó là trái pháp luật.
Về kiến nghị, TS Việt Sơn cho rằng Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, xem xét, lựa chọn các bản án của tòa án các cấp đáp ứng các tiêu chí của án lệ liên quan đến việc đánh giá tính hợp pháp hoạt động quản lý hành chính để Chánh án TAND Tối cao ban hành án lệ hành chính nhằm hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử.