Trao đổi với PLO, một lãnh đạo UBND huyện Đắk R'lấp, tỉnh Đắk Nông cho biết huyện đang chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến đơn kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính của vợ chồng ông Hà Xuân Trí - bà Bùi Thị Kim Tuyến (ngụ xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp).
“UBND huyện muốn thương lượng để bồi thường nhưng không thành. Vợ chồng ông Trí đã khởi kiện ra tòa nên phải chờ kết quả xét xử”- vị lãnh đạo huyện nói.
Thu hồi đất sai luật rồi bỏ không
Theo hồ sơ, năm 2006, UBND huyện Đăk R'lấp ban hành quyết định thu hồi 330 m2 đất của gia đình ông Hà Xuân Trí để thực hiện dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ. Trong đó, thực tế sử dụng 468 m2, có 100 m2 đất ở.
Lúc đầu, ông Trí chỉ được phê duyệt bồi thường hơn 108 triệu đồng, trong đó 107 triệu đồng bồi thường tài sản, hơn 1 triệu đồng bồi thường đất.
Từ 2006 đến 2019, ông Trí liên tục khiếu nại vì cho rằng trình tự, thủ tục, các quyết định liên quan thu hồi đất của UBND huyện không đúng quy định... nhưng không được giải quyết thỏa đáng.
Năm 2020, ông Trí khởi kiện, yêu cầu hủy các quyết định thu hồi, bồi thường của UBND huyện Đắk R’lấp. Xử sơ thẩm, TAND tỉnh Đắk Nông bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện nên ông Trí kháng cáo. Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông kháng nghị bản án.
Xử phúc thẩm năm 2021, TAND Cấp cao tại TP.HCM chấp nhận một phần kháng cáo của ông Trí và kháng nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Đắk Nông.
Tòa phúc thẩm nhận định các quyết định thu hồi đất, bồi thường của UBND huyện Đắk R’lấp đối với ông Trí không đúng trình tự, thủ tục, không đúng pháp luật.
Khi Nhà máy Alumin Nhân Cơ thi công hoàn thiện, thửa đất bị thu hồi của ông Trí còn lại hơn 386 m2 không sử dụng, không ảnh hưởng đến dự án...
TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên hủy một phần ba quyết định của UBND huyện Đắk R’lấp về thu hồi, bồi thường đối với ông Trí; hủy một phần giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho Nhà máy Alumin Nhân Cơ (đối với diện tích đất thu hồi của ông Trí).
Đồng thời, tòa hủy toàn bộ bảy quyết định của UBND huyện Đắk R’lấp, UBND tỉnh Đắk Nông liên quan việc giải quyết khiếu nại, thu hồi bổ sung, bồi thường bổ sung, cưỡng chế đất của ông Trí.
Tòa phúc thẩm buộc UBND huyện Đắk R'lấp, UBND tỉnh Đắk Nông thực hiện đúng công vụ theo quy định pháp luật khi thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích đất của ông Trí.
Yêu cầu bồi thường hơn 8,5 tỉ đồng
Tháng 10-2023, UBND huyện Đắk R'lấp tổ chức thương lượng bồi thường cho gia đình ông Trí nhưng không thành.
Ông Trí khởi kiện vụ án dân sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước, yêu cầu UBND huyện Đắk R’lấp bồi thường hơn 8,5 tỉ đồng đối với thiệt hại về nhà cửa, máy móc, thu nhập thực tế bị mất…
Tháng 6-2024, TAND huyện Đắk R’lấp xử sơ thẩm, buộc UBND huyện Đắk R’lấp bồi thường cho vợ chồng ông Trí hơn 3,4 tỉ đồng.
UBND huyện Đắk R’lấp kháng cáo, yêu cầu làm rõ nhiều tình tiết về lợi nhuận doanh nghiệp, thiệt hại máy móc...Phía nguyên đơn cũng kháng cáo, yêu cầu bồi thường hơn 8,5 tỉ đồng.
Tháng 10-2024, TAND tỉnh Đắk Nông xử phúc thẩm, tuyên hủy án sơ thẩm, giao TAND huyện Đắk R’lấp xét xử lại vì chưa thực hiện định giá, thẩm định giá tài sản và có một số thiếu sót khác.
UBND huyện Đắk R'lấp từng tổ chức họp, đưa ra mức bồi thường đối với gia đình ông Trí là 460 triệu đồng. Tuy nhiên, sau đó, các lãnh đạo, cựu lãnh đạo huyện này cho rằng yêu cầu bồi thường của ông Trí khó xác định và thẩm định giá phù hợp nên không thống nhất.
Cấp lại đất cho người bị thu hồi
Theo ông Hà Xuân Trí, sau ngày bị thu hồi đất sai luật, gia đình ông lâm cảnh khốn khó vì nhiều tài sản, máy móc, thiết bị hư hỏng, không thể tái thiết sản xuất kinh doanh.
Khi thấy thửa đất của mình bị thu hồi vẫn bỏ không, ông Trí yêu cầu xem xét, cấp lại đất nhưng cũng không được giải quyết.
Mãi đến năm 2022, sau khi có bản án phúc thẩm của TAND Cấp cao tại TP.HCM, chính quyền mới cấp lại đất, cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông với tổng diện tích 468 m2, bằng với diện tích lúc chưa thu hồi.
“Tôi bị cưỡng chế, thu hồi đất sai luật. Số tiền mà tôi yêu cầu bồi thường không thể bù đắp được thiệt hại về tinh thần, vật chất mà gia đình tôi phải gánh chịu gần 20 năm qua. Từ một doanh nghiệp đang phát triển, giờ gia đình tôi rất khó khăn”- ông Trí bức xúc.