Đũa là vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người tiêu dùng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, không phải người tiêu dùng nào cũng quan tâm và sử dụng đũa đúng cách.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo rằng các gia đình không nên dùng đũa cũ quá nửa năm và cần chú ý quan sát bề mặt đũa khi sử dụng. Nếu phát hiện thấy một số dấu hiệu khác thường cần phải thay đũa mới để đảm bảo an toàn trong ăn uống.
Dưới đây là một số dấu hiệu đôi đũa của bạn đã không còn đảm bảo:
Đũa có mùi lạ: Theo một chuyên gia về thực phẩm, nếu đũa xuất hiện mùi lạ chứng tỏ chúng đã bị nhiễm bẩn, vi khuẩn sản sinh nhiều. Nên vứt những đôi đũa này đi để tránh tổn hại có thể.
Đũa mốc: Đũa mốc sinh ra nhiều loại vi khuẩn, nấm mốc khác nhau tùy vào điều kiện nhiệt độ, không khí và môi trường tồn tại. Nấm mốc ở trên đũa còn có thể phát tán vào trong không gian của nhà bếp chúng bám vào các thực phẩm.
Đũa mốc sinh ra các độc tố, vi khuẩn có hại cho sức khỏe. Ảnh: HẠ QUYÊN
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm - ĐH Bách khoa Hà Nội thì “ở những thực phẩm càng giàu lipit (chất béo) như đậu lạc, đậu tương... nó sinh trưởng, phát triển và tích tụ thành độc tố, có thể sinh độc tố Aflatoxin rất độc hại. Khi đũa ăn bị loại nấm này bám vào sẽ gây nguy hiểm cho người dùng”.
Nghiên cứu ở Trường ĐH Cornell (Hoa Kỳ), dù với hàm lượng cực thấp nhưng Aflatoxin đã gây nên những ảnh hưởng bất lợi cho con người qua một thời gian dài tích tụ từ thực phẩm rồi dẫn đến ung thư gan. Nhiễm aflatoxin cấp tính đã được thông báo ở các nước với các biểu hiện chủ yếu là suy chức năng gan cấp, xơ gan và hoại tử nhu mô gan. Trong khi đó Aflatoxin không bị phân hủy ở nhiệt độ sôi thông thường (100 độ C) mà chỉ bị phân hủy trên 120 độ C trở lên trong môi trường kiềm.
Đũa bị tróc sơn, nứt: Để kéo dài thời gian sử dụng các loại đũa bằng chất liệu gỗ, các cơ sở sản xuất thường sơn lên bề mặt đũa một lớp sơn sống (sơn ăn được) để vi khuẩn không dễ bám vào. Tuy nhiên, khi sử dụng một thời gian dài, lớp sơn bị bong ra hoặc hư hỏng, đây là môi trường cho vi khuẩn trú ngụ.
Đũa bị cong vênh: Đũa bị cong vênh, nứt gãy dễ bị thức ăn thừa bám là sinh ra các loại vi khuẩn có hại. Bên cạnh đó, đối với các loại đĩa nhựa có chất liệu được làm từ melamine và formaldehyd, khi dùng ở nhiệt độ cao rất dễ phân hủy các chất hóa học có hại, cực kỳ có hại cho cơ thể con người. Do đó khi đũa nhựa bị đổi màu, biến dạng, nên vứt bỏ ngay lập tức.
Cách lựa chọn và sử dụng đũa an toàn
Theo Health Sina, mỗi loại đũa có một đặc tính và cách sử dụng khác nhau. Người tiêu dùng nên dựa vào các đặc tính đó, để dùng đũa một cách an toàn hơn.
Đũa kim loại: Đây là loại đũa có tính bền cao, tuy nhiên thông thường các loại đũa này rất trơn, gây khó khăn khi gắp thức ăn. Đũa kim loại cũng có tính dẫn nhiệt tốt, do đó dễ gây ra viêm nhiệt miệng lưỡi khi ăn thức ăn nóng.
Đũa nhựa: Đũa nhựa có nhiều màu sắc bắt mắt, dễ gây chú ý với người mua. Đũa nhựa cũng gây thuận tiện khi rửa bởi nếu rửa đúng cách, tỉ lệ vi khuẩn và độc tố bám lại trên chúng rất thấp. Khi sử dụng đũa nhựa, cần mua các sản phẩm uy tín, có thể dùng trong nhiệt độ cao, để tránh tình trạng chảy nhựa, cong, vênh… khi sử dụng.
Đũa gỗ: Đũa gỗ dễ gây ẩm mốc, nếu không được phơi khô. Ngoài ra một số nhà sản xuất thường phủ một lớp sơn trên bề mặt đũa để tạo tính thẩm mỹ và tăng độ bền màu cho sản phẩm nhưng việc làm đó sẽ khiến bề mặt đũa tồn dư nhiều kim loại nặng và những chất gây độc.
Đũa tự nhiên: Nên chọn lựa loại đũa có nguồn gốc tự nhiên (tre, trúc…). Tuy nhiên, loại này khó rửa sạch, dễ bị nấm mốc, cho nên sau bữa ăn nên chú ý rửa thật sạch sẽ, bảo quản nơi khô ráo, thoáng khí.