Trong ớt có lượng vitamin C rất cao, là nguồn bổ sung vitamin C rất tốt cho những người có hệ miễn dịch kém.
Ngoài ra, chất capsaicin có nhiều trong ớt còn có tác dụng giảm đau, tăng lưu lượng máu cục bộ, giúp tan máu bầm…
Ăn ớt trong bữa ăn cũng giúp kích thích vị giác để ăn ngon miệng hơn, tiêu hóa cũng tốt hơn.
Ớt cũng có tác dụng giảm mỡ thừa do chất capsaicin trong ớt khi vào cơ thể sinh nhiệt rất lớn, giúp đốt cháy mỡ thừa ngay sau bữa ăn. Capsaicin cũng giúp tăng cường trao đổi chất, tạo cảm giác no và nhờ đó giúp người ăn giảm cân hiệu quả.
Cạnh đó, đặc tính cay nóng của ớt cũng giúp cơ thể ấm hơn trong mùa lạnh, đồng thời giúp cơ thể giải độc rất tốt qua đường thải mồ hôi.
Một số chất trong ớt cũng tác động tích cực tới não bộ, giúp giấc ngủ tới nhanh hơn và ngủ sâu hơn.
Đặc biệt, công trình nghiên cứu của Viện Đại học Pittburg (Mỹ) cũng đã chứng minh ớt có thể làm chậm quá trình phát triển của các tế bào ung thư, nhất là ung thư tuyến tụy. Chất cay capsaicin có thể làm các tế bào ung thư tự phá hủy nhưng không ảnh hưởng tới các tế bào bình thường.
Với những người viêm khớp mãn tính, nên ăn ớt với lượng vừa phải vì capsaicin còn kích thích não sản xuất ra endorphin-chất có tác dụng giảm đau.
Tuy vậy, những người mắc bệnh tim, não, cao huyết áp, phổi không nên ăn ớt, hoặc chỉ ăn với một lượng rất nhỏ.
Ớt cũng “chống chỉ định” với những người viêm loét dạ dày, viêm thực quản do vị cay có hại cho niêm mạc dạ dày, gây khó tiêu, ảnh hưởng tới men tiêu hóa trong dạ dày.
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cũng không nên ăn ớt vì sẽ gây dị ứng cho bé sau này. Còn trong Đông y, thai phụ không nên ăn ớt do đứa trẻ sinh ra sau này dễ bị rôm sảy, mẩn ngứa.
Những người mắc bệnh trĩ, mật, các bệnh liên quan đến thận… cũng cần tránh xa loại gia vị này.