Có bao giờ bạn đặt một giả thiết nếu mình không biết cha mẹ mình là ai, ở đâu… thì cuộc sống của mình sẽ ra sao? Hãy thử một lần đặt giả thiết ấy để cảm nhận cuộc sống của những con người không may rơi vào hoàn cảnh này đang sống tại Trung tâm Giáo dục, dạy nghề thiếu niên TP.HCM (thường gọi là Thiếu niên 3). Hỏi về điều ước, bé Q. bưng mặt khóc: “Em ước một lần được gặp người nhà. Hoặc thà em là trẻ mồ côi, bị cha mẹ bỏ rơi hẳn luôn đi!...”. Em nghẹn lời, không nói được gì nữa.
Người ta mang em đi bỏ
Ký ức của Trương Đoàn Thảo Trâm về tuổi thơ là những ngày tháng ngập tràn tiếng cười của cha mẹ. Từ nhỏ mẹ đã cho Trâm đi học đàn organ tại Nhà thiếu nhi TP Buôn Ma Thuột. Vào lớp 1, Trâm được đi học ở trường quốc tế gần nhà. Vừa nhập học được vài hôm thì cha mẹ mất trong một vụ tai nạn giao thông.
Sau này, mỗi lần nhớ lại ngày đưa tang là Trâm không kìm được nước mắt: “Ngày ấy em cầm hai tấm di ảnh của ba mẹ. Em cứ nghĩ hôm đó là đám cưới, vì em được cầm đến hai bức chân dung của ba mẹ, lại có đông người đến thăm. Em chờ hoài, nghĩ rằng sau đám cưới sao ba mẹ không về mà bỏ đi đâu biệt dạng”. Rồi những ngày sau đó, người bác ruột đưa vợ con về ở chung trong căn nhà của gia đình em trên đường Nguyễn Tất Thành, TP Buôn Ma Thuột. Trâm được gia đình người bác ruột cưu mang từ đó. Cha mẹ mất, tiền trong nhà cạn dần nên kể từ năm học lớp 2, Trâm không còn được học ở trường quốc tế nữa mà chuyển qua nhiều trường khác của TP Buôn Ma Thuột.
Trẻ em Trung tâm Giáo dục, dạy nghề thiếu niên TP.HCM đang học lớp 1. Ảnh: TM
Một đêm hè cuối năm học lớp 4, người bác ruột bảo Trâm bỏ đồ vào vali cùng ông đi du lịch xuống TP.HCM. Khi đến TP.HCM vào sáng hôm sau, ông đưa Trâm đến một công viên ở quận 1 và bảo đứng đó chờ. Trâm chờ mãi từ sáng đến tối vẫn không thấy bác quay trở lại. Một người nhặt ve chai tại công viên thấy Trâm ngồi mãi một chỗ đã hỏi chuyện đưa về nhà nhưng Trâm không dám nghe theo. Chờ đến tối, Trâm đi bộ ra đường, gặp chú công an và nhờ giúp đỡ (điều này em học từ lời dạy của mẹ). Từ đó Trâm được chuyển vào Thiếu niên 3.
Trâm cho rằng có thể người bác đã cố tình “mang em đi bỏ”. Suy nghĩ đó ngày càng đầy lên trong em khi em nhớ cái đêm tiễn em lên xe xuống TP.HCM, bác gái và người anh đang học lớp 10 (con của bác) đã khóc rất lạ, cứ lén nhìn Trâm rồi khóc suốt. Trước đó, Trâm nhiều lần đi cắm trại qua đêm, đi du lịch với nhà trường nhưng không bao giờ ai trong gia đình khóc nhiều như vậy. Có thể bỏ em đi thì gia đình người bác sẽ bớt gánh nặng về kinh tế. Trâm cố nhớ ra những người thân khác ở hai bên nội, ngoại nhưng không tài nào nhớ được. Em chỉ nhớ thỉnh thoảng cha mẹ chở em về nhà nội chơi, trên đường có đi ngang qua cây cầu số 14.
Chới với giữa đời
Cùng tuổi 16 nhưng ký ức về cha mẹ của Tạ Minh Nga trong quá khứ không có được chuỗi ngày tươi sáng như Trâm. Tất cả ký ức của Nga về tuổi thơ của mình chỉ vỏn vẹn thế này: “Từ nhỏ cho đến chín tuổi được sống cùng ngoại và dì Kim Anh. Thỉnh thoảng ba có chở về quê nội ở Củ Chi chơi. Ngoại kể rằng má bị tử hình, còn ba bị tù chung thân. Một ngày, em bị lạc bà và được đưa vào trung tâm. Em không biết ngoại tên gì để nhân viên trung tâm có thể đi tìm. Từ nhỏ em chỉ biết gọi ngoại là ngoại thôi”. Từ đó đến nay, em luôn mang trong mình những dấu hỏi: Ba mẹ em phạm phải tội lỗi gì mà bị tù tội? Họ là người như thế nào? Hiện giờ họ ra sao?...
Ở Thiếu niên 3 còn rất nhiều những trường hợp như Trâm, Nga. Hầu hết các em được đưa vào đây với một lý do: Đi lạc. Trước đây, trung tâm đã từng đưa thông tin của các em đến chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly với hy vọng gia đình các em tìm thấy. Thế nhưng chỉ một trong số năm em sau đó được người thân đến trung tâm nhận là người nhà. Điều lo lắng nhất của các nhân viên trung tâm là cuộc sống của các em sẽ ra sao sau tuổi 16? Bà Lê Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Thiếu niên 3, cho biết: “Trước đây trung tâm có chương trình bước đệm để chuyển tiếp các em từ trung tâm ra ngoài đời. Khi các em đến tuổi rời trung tâm, chúng tôi sẽ thuê một khu nhà trọ bên ngoài cho các em ở. Nơi đây có giáo viên giúp đỡ, hướng dẫn các em tìm việc và hòa nhập với cuộc sống bên ngoài. Giai đoạn này rất quan trọng bởi cuộc sống của các em ở trung tâm tách biệt với môi trường bên ngoài. Thường khoảng một năm sau khi ở nhà chuyển tiếp thì các em sống một cuộc sống tự lập hoàn toàn”. Từ năm 2010 đến nay chương trình này không còn nữa bởi tài trợ từ dự án của nước ngoài đã bị cắt. Những số phận “đi lạc” lại một lần nữa chới với.
Không biết cha mẹ mình là ai, khát khao tìm người thân nhưng không em nào cho phép chúng tôi chụp ảnh để người thân có thể nhận diện. Những tâm hồn vốn bị tổn thương của các em luôn có một nỗi sợ mơ hồ nào đó khi tiếp cận với người khác ngoài nhân viên trung tâm. ________________________________________ Trung tâm Giáo dục, dạy nghề thiếu niên TP.HCM hiện đang nuôi dưỡng 170 em thì có khoảng 30% trong số đó đang rơi vào diện không thể tìm được gia đình. Trong khi đó, trung tâm chỉ nhận nuôi các em cho đến năm 15 tuổi (lớp 9). |
THANH MẬN