Để đảm báo tính pháp lý và giảm thiểu rủi ro cho người tham gia giao dịch, luật pháp quy định các trường hợp khi thực hiện giao kết hợp đồng thì hợp đồng đó bắt buộc phải công chứng, chứng thực.
Cụ thể, theo khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai năm 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực.
Tuy nhiên, với các hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản thì không bắt buộc, các bên có thể thực hiện công chứng hoặc chứng thực nếu có nhu cầu.
Những loại hợp đồng phải công chứng, chứng thực. Ảnh minh họa |
Đối với nhà ở, Luật Nhà ở 2014 quy định trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng.
Khi đó, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực hợp đồng.
Riêng trường hợp tổ chức tặng cho nhà tình nghĩa, nhà tình thương; mua bán, cho thuê mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước; mua bán, cho thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở phục vụ tái định cư; góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức; cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.
Việc công chứng hợp đồng về đất đai, nhà ở được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng; việc chứng thực hợp đồng được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất đai, nhà ở.