Níu giữ các làng nghề truyền thống - Bài 1:

Những khung dệt bỏ không ở làng dệt Đa Phước

(PLO)- Không cạnh tranh nổi với thị trường cùng sự thiếu vắng người kế thừa nghề khiến những làng dệt truyền thống đang dần mai một theo thời gian.

LTS: Đứng trước sự cạnh tranh trong thời đại mới, không còn trong thời hoàng kim nhưng những nghệ nhân ở các làng nghề truyền thống tại An Giang và Đồng Tháp vẫn đang cố níu kéo, tìm cách gìn giữ làng nghề của cha ông.

Nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã gắn liền với cuộc sống và văn hóa của đồng bào người Chăm tại làng Đa Phước (xã Đa Phước, huyện An Phú, An Giang) và Châu Phong (xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang) trong hàng chục năm qua.

Thế nhưng hiện nay nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang đối mặt với những thách thức không thể tránh khỏi.

Khung dệt chỉ mang chức năng trang trí

Nghe có khách đến tham quan làng dệt Đa Phước, chị Pha La Hy Giah (34 tuổi, xã Đa Phước, huyện An Phú) hối hả từ trong nhà bước ra tiếp chúng tôi. Phía trước hiên nhà chị đặt một khung dệt vải, bụi đóng thành từng lớp do lâu ngày không dùng đến.

Các khung dệt nằm bên góc nhà, chỉ để làm kỷ niệm. Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Biết chúng tôi muốn xem qua khung dệt, chị vui vẻ đồng ý: “Để tôi giở tấm bạt ra cho mấy chú chụp tham quan, chứ cái máy không chạy được”.

Khung dệt được làm bằng gỗ có thiết kế đơn sơ, đã xuống cấp và không được bảo quản đúng cách trong thời gian dài.

Chị Giah kể nghề dệt của người Chăm ở xã Đa Phước xuất hiện từ rất lâu đời, trong làng không ai nhớ chính xác thời gian. Ngày xưa, khi còn dệt nhiều thổ cẩm, trong làng đi đâu cũng nghe tiếng máy dệt lách cách suốt ngày đêm.

“Lúc trước, nhà nào cũng có khung dệt. Làm cho gia đình xài không hết thì đem đi bán, bỏ mối ngoài chợ, thậm chí mấy khu du lịch cũng đặt hàng với số lượng lớn nữa. Nhưng sau này cạnh tranh không lại với khăn bông nên người ta bỏ từ từ” - chị Giah chia sẻ.

Chị Giah cho biết các loại khăn, vải đa dạng mẫu mã xuất hiện tràn ngập thị trường, điển hình là khăn bông nên thổ cẩm truyền thống trở nên lỗi thời, buôn bán khó khăn hơn.

Ông Mohamad bên cạnh những sản phẩm dệt truyền thống của đồng bào người Chăm.
Ảnh: QUỐC HƯƠNG

Kinh tế eo hẹp, nhiều hộ dệt trong làng phải làm đủ nghề khác như nhổ cỏ, trồng rau, đi gặt lúa mướn để đắp đổi qua ngày. Có nhiều người vì không chấp nhận sự bấp bênh, èo uột của nghề mà bỏ lên TP.HCM mong tìm tương lai tươi sáng hơn, vì thế mà những khung dệt tay bỏ không, nép mình trong góc nhà.

Đau đáu tìm người kế nghiệp

Chúng tôi đến thăm ông Mohamad (65 tuổi), một trong những người cuối cùng giữ lửa nghề dệt thổ cẩm truyền thống của làng Chăm Châu Phong (ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu).

Thực tế cho thấy dệt thổ cẩm cho thu nhập thấp, có nghĩa là dệt để bán được cái khăn thì cần rất nhiều thời gian. Trong khi đó, người ta chỉ cần đi bán dạo bên miễu Bà Chúa xứ Châu Đốc mỗi ngày thôi cũng kiếm được vài trăm ngàn nên dân trong làng không còn ai khoái cái nghề này nữa.”

Ông MOHAMAD, ấp Phũm Xoài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu, An Giang

Ông Mohamad cho biết hiện trong cộng đồng chỉ còn ông và một nhà nữa theo nghề dệt thổ cẩm truyền thống, riêng ở cơ sở của ông là lớn nhất với chín khung dệt sản xuất khăn choàng, y phục để phục vụ cộng đồng và bán cho khách du lịch.

Theo ông Mohamad, ngày xưa ở làng Châu Phong nhà nào cũng làm nghề dệt. Lụa là, thổ cẩm của người Chăm có đặc điểm là họa tiết đơn giản như răng cưa, sọc ngang, sọc dọc, ô vuông... được làm thủ công.

Hiện tại, thị trường xuất hiện nhiều loại có mẫu mã đẹp hơn và tiện dụng hơn, thay thế cái cũ nên thổ cẩm của làng bán ra ngoài rất khó khăn.

Không chấp nhận nghề dệt truyền thống ngày càng điêu tàn, ông Mohamad vẫn tiếp tục kêu gọi Nhà nước hỗ trợ và dành thời gian tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại trên cả nước. Từ năm 2000, ông đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc gặp những người có kinh nghiệm, kỹ năng nghề dệt và tự tay phân phối sản phẩm dệt truyền thống đến khách du lịch và người tiêu dùng.

Với sự phổ biến của các ngành công nghiệp hiện đại, nghề dệt thổ cẩm truyền thống trở nên lạc hậu và ít hấp dẫn đối với người trẻ. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực và góp phần làm giảm tiềm năng phát triển của ngành dệt truyền thống.

Ngoài sản xuất, nhiều năm qua ông Mohamad còn nhận dạy nghề cho nhiều người trong làng với mong muốn duy trì nghề dệt Châu Phong. “Tôi sẵn sàng chia sẻ mọi kinh nghiệm về nghề miễn phí cho anh em. Có mấy người cũng theo học, thấy khó nên họ cũng rớt từ từ. Giờ có nhỏ con gái út quan tâm đến thổ cẩm truyền thống nhưng cũng chưa dứt khoát có theo nghề hay không” - ông Mohamad tâm sự.

Những năm gần đây, chính quyền tỉnh An Giang và thị xã Tân Châu thường xuyên phối hợp tổ chức những tour du lịch tìm hiểu về nghề dệt Chăm truyền thống làng Châu Phong và Đa Phước. Tuy nhiên, theo ông Mohamad, việc đó “không ăn thua” vì lâu lâu mới có một đoàn ghé thăm, trong khi đó chi phí vận hành hằng ngày của ông rất lớn.•

Bài 2: Người cuối cùng giữ hồn nghề dệt nhuộm lãnh Mỹ A

Chỉ còn hai hộ theo nghề dệt truyền thống

Trải qua hàng chục năm nay, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa và đời sống của các cộng đồng người Chăm tại An Giang. Tuy nhiên, thu nhập bấp bênh và thế hệ trẻ tại đây không còn mặn mà với nghề, khiến nghề dệt truyền thống đang gặp khó khăn và có nguy cơ biến mất.

Hiện tại làng Châu Phong (tức làng Phũm Xoài xưa) còn hai hộ làm nghề.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới