Những lần đổi chiến lược giúp Nga tăng sức mạnh trong xung đột với Ukraine

(PLO)- Việc huy động thêm lực lượng, rút quân và oanh tạc Ukraine đúng lúc là những chiến lược giúp Nga tăng sức mạnh trong cuộc chiến với Kiev nhiều tháng qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau hơn 10 tháng xung đột quân sự với Ukraine, Nga đã nhiều lần thay đổi chiến lược để tăng cường sức mạnh trước sự phản công liên tục từ phía Kiev.

Trong bài bình luận trên tạp chí Foreign Affairs, ông Barry R. Posen - GS Khoa học Chính trị tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) - nhận định rằng Moscow dường như ngày càng thông minh hơn trong việc thực hiện chiến lược quân sự của họ.

Theo ông Posen, những quyết định chiến lược của Nga gần đây đều có những ý nghĩa quân sự nhất định.

Việc huy động một phần lực lượng dự bị mà Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh vào tháng 9 đã tăng cường sức mạnh cho các lực lượng Nga ở mặt trận.

Chiến dịch oanh tạc các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine bắt đầu từ tháng 10 buộc Ukraine chuyển hướng nguồn lực sang bảo vệ các vị trí mới, vốn dễ bị tổn thương trước mùa đông khắc nghiệt nếu không có điện.

Và việc các lực lượng Nga rút khỏi TP Kherson (tỉnh cùng tên) hồi tháng 11 cũng đã bảo vệ các đơn vị Nga và giúp họ triển khai hành động ở những mặt trận khác.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Chiến sự Nga-Ukraine đang trở thành một cuộc chiến tiêu hao mà bất kỳ thành tựu nào đạt được đều cũng sẽ phải trả một cái giá khá đắt, trong bối cảnh mà theo tình báo Mỹ hiện tỉ lệ thương vong 2 bên đang là 1:1.

Mặc dù đó là kịch bản tương lai mà cả Nga và Ukraine đều muốn tránh, song dường như không nước nào sẵn sàng đàm phán hay nhượng bộ đưa ra giải pháp đàm phán.

Theo ông Posen, Ukraine và phương Tây hy vọng rằng Nga sẽ kết thúc cuộc xung đột nhưng điều này có vẻ khó xảy ra, hay khả năng Moscow thất bại trên chiến trường cũng rất mong manh. Ông Posen cho rằng xung đột vẫn sẽ tiếp tục trong thời gian tới và vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc sớm.

Huy động lực lượng

Trong giai đoạn đầu chiến sự, cả Nga và Ukraine đều hứng chịu nhiều tổn thất nặng nề về nhân lực. Cộng đồng tình báo Mỹ đã ước tính cả hai lực lượng tổn thất khoảng 100.000 binh sĩ mỗi bên, cả thương lẫn vong.

Để khôi phục lại sức mạnh đó, Kiev và Moscow liên tục chạy đua bổ sung nhân lực. Tuy vậy, có vẻ như nỗ lực huy động quân của Moscow gặp một số khó khăn, do những lực lượng tốt nhất đều đã được triển khai trong giai đoạn đầu chiến sự và gặp nhiều thất bại trên chiến trường.

“Ở giai đoạn đầu chiến sự, quân đội Nga dường như đã triển khai khoảng một nửa đội hình chính của họ - khoảng 40 lữ đoàn. 40 lữ đoàn đó bao gồm hầu hết các binh sĩ dày dạn kinh nghiệm của Nga. Điều này đồng nghĩa 40 lữ đoàn còn lại không phải là những binh sĩ tinh nhuệ nhất mà Moscow có" - ông Posen viết.

Những thất bại nặng nề trên chiến trường đã khiến Moscow phải điều quân từ mặt trận này để tới mặt trận khác, tạo ra nhiều lỗ hổng phòng thủ mà Kiev đã nhanh chóng nắm bắt để tạo ưu thế chiến trường. Đơn cử, Ukraine đã lợi dụng các tuyến phòng thủ mỏng manh của Nga ở tỉnh Kharkiv để đẩy nhanh chiến dịch phản công và giải phóng nhiều vùng lãnh thổ hơn từ tay Moscow vào tháng 9-2022.

Lúc bấy giờ, ông Putin dường như nhận ra cần nhiều quân hơn cho chiến dịch quân sự đặc biệt. Cuối tháng 9-2022, nhà lãnh đạo Nga ban bố lệnh động viên một phần, với mục tiêu huy động thêm 300.000 quân nhân từ lực lượng dự bị. Mỗi năm Nga đào tạo khoảng 250.000 lính nghĩa vụ, sau khi giải ngũ, số này trở thành quân nhân dự bị.

Để ngăn đà tiến của Kiev, Nga đã điều ra mặt trận cả những binh sĩ chưa được huấn luyện đầy đủ, song hiện họ đang ra sức huấn luyện cho số binh sĩ này, cả ở Nga và ở Belarus, ông Posen cho hay.

“Ở mức tối thiểu, lực lượng mới này sẽ tăng cường khả năng phòng thủ và gây thêm nhiều trở ngại cho Ukraine trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát 4 vùng lãnh thổ mà Nga tuyên bố sáp nhập. Họ thậm chí có thể được sử dụng để mở ra các cuộc tấn công mới trong tương lai" - ông Posen đánh giá.

Rút quân đúng lúc

Giống như việc huy động, việc Nga rút quân khỏi TP Kherson (tỉnh Kherson, Ukraine) vào tháng 11 là quyết định có ý nghĩa quân sự. Giới tuyến giữa các lực lượng Nga và Ukraine rất dài, hơn 1.600 km khiến Nga phải phân tán mỏng lực lượng. Bước đột phá của Ukraine ở Kharkiv hồi tháng 9-2022 được cho là đã rút ngắn mặt trận mà Nga phải phòng thủ xuống còn hơn 965 km, song phạm vi bảo vệ vẫn còn tương đối dài.

Dưới áp lực quân sự từ Ukraine và thực tế chiến trường, Nga đã quyết định rút quân và chuyển lực lượng về bờ đông sông Dnepr.

Cháy kho chứa dầu trên sông Dnepr ở TP Kherson (tỉnh Kherson) ngày 19-11. Ảnh: THE NEW YORK TIME
Cháy kho chứa dầu trên sông Dnepr ở TP Kherson (tỉnh Kherson) ngày 19-11. Ảnh: THE NEW YORK TIME

“Không thể phủ nhận rằng Nga đã buộc phải rút lui và việc này chắc chắn đã khiến ông Putin khó chịu. Tuy nhiên, Moscow đã thành công khi tránh được một cuộc tấn công lớn của Kiev mà không chịu bất kỳ mất mát nhân mạng nào. Việc rút khoảng 20.000 binh sĩ và hầu hết khí tài về tả ngạn Dnepr là một quyết định rất khó khăn" - theo ông Posen.

GS này cũng nhấn mạnh Nga vẫn sẽ đảm bảo được các “yếu tố bất ngờ" ngay cả khi bị phương Tây và Ukraine giám sát tình báo chặt chẽ. Cho đến hiện tại, Kiev và phương Tây đều đoán sai thời điểm Nga rút hết quân và các đơn vị phòng thủ của Moscow ở Kherson vẫn đang bám trụ dù biết các đơn vị gần sông đang rút dần.

Nga đã cố gắng sửa chữa những cây cầu bị hư hại, xây dựng cầu phao và sử dụng phà để đưa binh sĩ và khí tài rời Kherson. Theo hình ảnh vệ tinh, quân Nga cũng đang đào các vị trí phòng thủ dọc giới tuyến và xây dựng các dãy rào kiên cố bằng nhiều chướng ngại vật và boongke bê tông.

Oanh tạc diện rộng

Nga thay đổi chiến lược tập kích Ukraine. Moscow đã phát động chiến dịch tấn công diện rộng bằng tên lửa, máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Theo ông Posen, các cuộc tấn công vào lưới điện của Ukraine đặc biệt hiệu quả vì có thể biến mùa đông thành nỗi ác mộng cho Kiev.

Các hệ thống quân sự hiện đại để phòng không, chỉ huy và kiểm soát, thu thập thông tin tình báo đều chạy bằng điện. Nếu không thể kết nối lưới điện, Ukraine buộc phải sử dụng máy phát, song quá trình này lại gặp nhiều khó khăn và có thể làm giảm hiệu suất của các hệ thống này. Hơn nữa, việc dựa vào máy phát điện đặt ra nhu cầu bổ sung nhiên liệu cho hệ thống hậu cần quân sự của Ukraine. Trong khi đó, các tín hiệu nhiệt do các máy phát điện tạo ra lại có thể khiến tình báo Moscow phát hiện vị trí của các đơn vị Kiev.

Ngành công nghiệp vũ khí, đạn dược quan trọng của Ukraine và phần lớn hệ thống đường sắt vận chuyển trang thiết bị quân sự trên khắp đất nước đều phụ thuộc vào điện. Việc lưới điện bị hư hại, binh lính và dân thường Ukraine sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các đoàn tàu chạy bằng dầu diesel và máy phát điện diesel hoặc chuyển sang máy phát điện chạy bằng khí đốt tự nhiên - thứ vốn đang rất khan hiếm.

Phương Tây đang giúp Ukraine sửa chữa lưới điện giữa lúc bị tấn công liên tục. Theo quan điểm của Nga, đây là một tin tốt, vì việc sửa chữa này ảnh hưởng tới các nguồn lực dành cho các hoạt động ở tiền tuyến.

Moscow đang tấn công một số lượng nhỏ mục tiêu, sử dụng tương đối ít vũ khí nhưng lại gây ra tổn thất không hề nhỏ cho Kiev, ông Posen nhận định. “Chiến dịch được tổ chức tốt của Nga cho thấy rằng lực lượng không quân của họ đã học được từ những sai lầm trong quá khứ” - theo GS Posen.

Lời giải nào cho xung đột?

GS Posen cho rằng Moscow giờ đây đang theo đuổi các mục tiêu đơn giản, đó là củng cố vị trí tại các khu vực mà họ đã chiếm giữ. Hai chiến lược mới mà Nga áp dụng dường như để đạt được mục tiêu này. Đầu tiên là việc rút lui khỏi Kherson, huy động quân dự bị và xây dựng các rào cản mới, nhằm tạo ra một hàng phòng thủ dày đặc và khiến Ukraine phải trả giá đắt cho mọi nỗ lực giành lại lãnh thổ. Thứ hai là chiến dịch ném bom, là khai thác điểm yếu trong lưới điện của Ukraine nhằm ép Kiev chuyển hướng và phân tán các nguồn lực.

Có thể ông Putin hy vọng rằng cách tiếp cận này cuối cùng sẽ khiến Ukraine ngồi vào bàn đàm phán, hoặc làm nản chí Kiev, khiến họ dần từ bỏ các nỗ lực phản công mà Nga không cần phải nhượng bộ, dù nó có thể khiến cuộc chiến đi vào bế tắc.

Hầu như không ai biết rõ chiến lược chiến tranh tổng thể của Nga là gì. Câu hỏi nan giải nhất đặt ra hiện nay là liệu những nỗ lực của Nga nhằm huấn luyện số lượng lớn các đơn vị có khả năng chiến đấu có hiệu quả hay không? Hoặc liệu Moscow có thể sản xuất hoặc nhập khẩu vũ khí và đạn dược cần thiết cho một năm chiến đấu khốc liệt nữa hay không?

“Nếu câu trả lời là có, thì cuộc chiến hiện nay có thể vẫn sẽ tiếp diễn theo cách đầy ác liệt" - GS Posen nhận định.

GS Posen cho rằng hiện tại ngoại giao có rất ít cơ hội thay đổi xu hướng này vì cả hai bên đều cho rằng họ có thể chiến thắng và “thất bại là điều không tưởng".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm