Tướng Sergey Karakaev - Tư lệnh Lực lượng Tên lửa Chiến lược (SMF) của Nga - cho biết RS-28 Sarmat (tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mới nhất của Nga) có thể xuyên thủng bất kỳ hệ thống chống tên lửa nào hiện có hoặc trong tương lai, theo đài RT.
Trả lời tờ Krasnaya Zvezda, ông Karakaev nói: “Hệ thống tên lửa Sarmat có khả năng mang theo nhiều loại lượng chất nổ và dựa trên các nguyên tắc đảm bảo khả năng xuyên thủng bất kỳ hệ thống chống tên lửa đạn đạo (ABM) nào, cả trong hiện tại và tương lai”.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-28 Sarmat trong vụ phóng thử hồi tháng 4. Ảnh: BỘ QUỐC PHÒNG NGA |
RS-28 Sarmat là ICBM hạng nặng chạy bằng nhiên liệu lỏng và đã phóng thử thành công lần đầu tiên vào tháng 4. Loại tên lửa này được dùng để thay thế các tên lửa R-36M2 Voevoda.
Sarmat “vượt trội hơn Voevoda về nhiều mặt. Giai đoạn tăng tốc ngắn của Sarmat cho phép tên lửa này tách các đầu đạn sớm hơn và khiến tên lửa đánh chặn gặp khó khăn hơn nhiều” - ông Karakaev giải thích.
Sarmat được cho là có thể mang tới 10 đầu đạn hạng nặng với khả năng tái nhập nhiều lần. Loại tên lửa này cũng có thể tương thích với Avangard - loại đầu đạn có thể tiếp cận các mục tiêu trong khí quyển ở tốc độ cao trong khi vẫn duy trì khả năng cơ động để tránh các hệ thống ABM.
Quân đội Nga cho biết tầm bắn của Sarmat cho phép loại tên lửa này có thể bắn từ Nga tới các mục tiêu ở Mỹ mà vẫn tránh được các ABM của Mỹ ở Alaska.
Vào tháng 8, Bộ Quốc phòng Nga đã ký hợp đồng với Trung tâm tên lửa Makeev để sản xuất hệ thống Sarmat. Số lượng tên lửa trong hợp đồng không được tiết lộ.