Phát biểu vào đêm giao thừa của ngày cuối cùng trong phiên họp kéo dài 6 ngày để đánh giá lại năm 2022, ngày 31-12-2022, nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un đã chỉ thị quân đội “tăng theo cấp số mũ” kho vũ khí hạt nhân để đáp trả những đe dọa từ Mỹ và Hàn Quốc, theo Thông tấn xã trung ương Triều Tiên (KCNA).
Một vụ phóng thử tên lửa của Triều Tiên trong năm 2022. Ảnh: KCNA |
Tên lửa Triều Tiên "hâm nóng" bán đảo
Triều Tiên duy trì phát triển nhiều tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) để nâng cao “năng lực phản công nhanh”, bởi ông Kim cho rằng Hàn Quốc và đồng minh chính của họ là Mỹ vẫn gia tăng sức ép “tối đa” thông qua triển khai những khí tài quân sự tại bán đảo Triều Tiên.
Các vụ phóng của Triều Tiên trong năm 2022 nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử với sự đa dạng của nhiều hệ thống tên lửa, bao gồm những hệ thống có thể đe dọa toàn bộ Hàn Quốc và vươn đến lãnh thổ đất liền của Mỹ.
Hàn Quốc tuyên bố sẵn sàng chiến đấu để đáp trả cứng rắn trước hành động khiêu khích từ Triều Tiên, nổi bật là hệ thống phòng thủ “ba trụ cột” được thiết kế chống lại mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên, bao gồm: hệ thống tấn công phủ đầu Kill Chain, hệ thống phòng không và chống tên lửa (KAMD) và kế hoạch trừng phạt và trả đũa quy mô lớn (KMPR).
Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) thông báo kế hoạch chi hơn 2,7 tỉ USD trong 10 năm để tăng cường khả năng hoạt động và tuổi thọ của phi đội máy bay F-15K, đóng vai trò chủ lực trong bất kỳ tình huống tấn công Triều Tiên.
Mỹ chủ động triển khai khí tài quân sự như máy bay chiến đấu F-22 và máy bay ném bom B-1 đến diễn tập gần bán đảo Triều Tiên và thiết lập Bộ Chỉ huy không quân đầu tiên ở nước ngoài tại Hàn Quốc với khả năng sẵn sàng đối đầu với bất kỳ mối đe dọa nào ở khu vực.
Hành động tăng cường hoạt động diễn tập và hiện diện quân sự của Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ khiến tình hình bán đảo Triều Tiên ngày càng căng thẳng có thể dẫn đến nguy cơ xung đột gia tăng.
Một cuộc tập trận quân sự chung của quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Ảnh: YONHAP |
Bình Nhưỡng mở rộng năng lực tấn công bằng tên lửa
Các chuyên gia đã ghi nhận những bước tiến lớn của Triều Tiên trong phát triển lực lượng tên lửa thời gian qua.
Theo Giáo sư Leif-Eric Easley của ĐH Ewha (Hàn Quốc), Triều Tiên tận dụng khoảng thời gian của những năm qua để củng cố khả năng triển khai các cuộc tấn công quân sự quy mô bằng việc tăng tần suất phóng bất thường và từ nhiều địa điểm khác nhau.
Ông Easley cho rằng Triều Tiên sử dụng thêm các máy bay không người lái buộc Hàn Quốc điều động máy bay chiến đấu và trực thăng để theo dấu chúng rồi đáp trả lại bằng những thiết bị tương tự vào không phận Triều Tiên.
“Những hành động khiêu khích của Triều Tiên chỉ nhằm mục đích đe dọa Hàn Quốc thực thi chính sách mềm mỏng hơn. Nhưng việc ông Kim từ chối chính sách ngoại giao và cảnh báo sản xuất hàng loạt vũ khí hạt nhân buộc chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol thúc đẩy năng lực phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu” - ông Easley nói.
“Bức tranh Triều Tiên thực sự trở thành một quốc gia sở hữu lực lượng tên lửa quy mô lớn và cụm từ thử nghiệm không còn phù hợp khi nói về các vụ phóng tên lửa. Hầu hết tên lửa phóng trong năm 2022 là một phần của các cuộc diễn tập quân sự và diễn tập chiến tranh hạt nhân. Và tôi nghĩ đây mới chính là bức tranh lớn của năm 2022” - ông Panda nói.
Trong hội thảo trực tuyến do Washington Time Foundation – tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington – tiến hành vào ngày 03-01 vừa qua, cựu đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris cho rằng các cuộc đàm phán không thể loại bỏ tham vọng hạt nhân của Triều Tiên và chính sách của Mỹ sử dụng những cuộc đàm phán để loại bỏ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên không còn hữu ích, bởi nhà lãnh đạo Kim từng tuyên bố rằng không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân và vị thế là một quốc gia có vũ khí hạt nhân là không thể đảo ngược, nên kết hợp đối thoại với các biện pháp trừng phạt, răn đe mạnh mẽ để thuyết phục ông Kim, theo hãng thông tấn Hàn Quốc Yonhap.