TP.HCM, một chiều tháng 9, chúng tôi tìm gặp ông Đỗ Lạc An (58 tuổi), một trong những tình nguyện viên (TNV) sơ cấp cứu của phường 8, quận Gò Vấp được tuyên dương trong chương trình kỷ niệm Ngày sơ cấp cứu thế giới mới đây do Hội Chữ thập đỏ TP.HCM tổ chức.
Sơ cấp cứu cho cả 1.000 trường hợp
Ông An được biết đến là người có thành tích nổi bật, đã sơ cấp cứu cho khoảng 1.000 trường hợp bị tai nạn. Công việc này đã gắn bó với ông từ năm 1990. Hiện tại, ngoài là TNV, ông còn là một hướng dẫn viên sơ cấp cứu kỳ cựu của Trung tâm phòng, chống thảm họa thuộc Hội Chữ thập đỏ TP, kiêm chủ tịch Hội Chữ thập đỏ phường 8, quận Gò Vấp.
Ông An kể, ngay từ những ngày còn học phổ thông, được một vị bác sĩ ở trạm y tế phường cho nghe nhịp tim, phổi, ông đã cảm thấy say mê. Sau đó, ông xin vào phường làm TNV và được cho đi học các lớp đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu.
Sơ cứu vài vụ nhỏ lẻ, năm 1992 ông An cùng đoàn thầy cô giáo đi du lịch ở bãi biển Vũng Tàu thì một tai nạn bất ngờ ập đến khi 13 thầy cô bị cơn sóng dữ cuốn ra xa bờ.
Ông An cùng các đồng nghiệp lao ra biển ứng cứu, vớt được 11 thầy cô lên bờ và chia nhau ra sơ cứu. Ông An không còn nhớ khung cảnh hỗn loạn xung quanh ra sao, chỉ biết lúc đó ông rất run và lo lắng do chưa từng cấp cứu ca nặng. Ông cố gắng bình tĩnh, áp dụng các kiến thức học được để hà hơi thổi ngạt, ép tim phổi, giúp hai cô giáo hôn mê, mạch rời rạc tỉnh lại và đưa vào bệnh viện cấp cứu, giữ lại mạng sống của cả hai cô.
Sau đó, ông An còn có nhiều dịp “học đi đôi với hành” khi chính con trai của ông cũng là nạn nhân. “Vào năm 2010, khi tôi đi dạy sơ cấp cứu về nhà thì thấy vợ hốt hoảng bảo con nuốt đồng xu 500 đồng, mặt thằng bé bắt đầu tím tái, hai tay cào cào cổ. Nhớ lại bài học cấp cứu dị vật, tôi liền áp dụng, gập người, vỗ vào lưng thằng bé, tống đồng xu ra ngoài” - ông An kể lại một kỷ niệm nhớ đời.
Không ít lần trên đường đi làm hoặc đi dạy, ông An mặc kệ điện thoại reo liên tục để sơ cứu cho người bị nạn giữa đường, màu áo trắng điểm xuyết màu đỏ do vết thương.
Không chỉ sơ cấp cứu cho người gặp tai nạn, số điện thoại của ông An còn là địa chỉ tin cậy của người dân ở địa phương để hỏi về sơ cấp cứu cho người thân. Ông An chia sẻ cách đây không lâu, vào lúc 2 giờ sáng có người gọi đến miêu tả tình trạng của người thân. Sau khi nghe triệu chứng, ông An nhận định có thể người này bị hạ đường huyết và bày cách sơ cứu. Sau khi thực hiện theo cách ông hướng dẫn, người này đã ổn.
Ông Lý Nhơn Thành và chiếc xe dùng để chở nạn nhân bị thương đến bệnh viện. Ảnh: HL
Ông Đỗ Lạc An đang hướng dẫn sơ cấp cứu cho một lớp học. Ảnh: NVCC
Sắm xe cấp cứu chở người bị nạn
“Nhường đường cho xe chữa cháy, cứu thương là hành động nhỏ, nghĩa cử đẹp”, người dân ở phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM mỗi ngày gần như đều quen thuộc với chiếc ô tô màu xanh gắn dòng chữ trên len lỏi khắp các tuyến đường. Chiếc xe này do ông Lý Nhơn Thành (54 tuổi), trưởng ban bảo vệ dân phố đồng thời là TNV sơ cấp cứu phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, sắm gần ba năm nay để kịp thời đưa người bị tai nạn đến bệnh viện.
Sẵn sàng tư vấn sơ cấp cứu bất kể giờ giấc Nửa đêm nửa hôm, ai gọi tới tôi đều bắt máy, giúp được việc gì cho người ta thì giúp, sơ cấp cứu ăn thua ở thời gian vàng, nếu mình chạy đến nơi thì có khi đã muộn, không cứu kịp người ta nữa. Ông ĐỖ LẠC AN |
Trong quá trình sơ cấp cứu, ông Thành chia sẻ ông gặp không ít câu chuyện bi hài. Gần đây, khi đang đi trên đường Võ Văn Kiệt (quận 1), ông gặp một người nước ngoài bị ô tô tông văng vào con lươn gây xây xát. Với kỹ năng sơ cấp cứu được trang bị, ông nhận định nạn nhân có lẽ bị gãy chân. Tuy nhiên, người này liên tục xua tay nói: “No, no, call ambulance” (Không, không, hãy gọi xe cấp cứu cho tôi) và không cho đụng vào vết thương. Lúc này, ông hiểu ra vấn đề nên lấy chiếc áo trắng có biểu tượng chữ thập đỏ mặc vào và xách túi sơ cấp cứu ra.
“Nhìn thấy cái áo, thanh niên người nước ngoài mới hình dung ra tôi là ai, bắt đầu hợp tác cho sơ cứu và kiểm tra vết thương. Sau đó, tôi cặp nẹp băng bất động chân bị gãy và đưa anh ta lên xe chở đến BV Chợ Rẫy để xử lý tiếp” - ông Thành kể lại.
Là TNV, chuyển nạn nhân đến bệnh viện, ông Thành xem như hoàn thành nhiệm vụ. Tuy nhiên, có không ít trường hợp khó khăn, ông Thành không nỡ “bỏ rơi” họ mà tự bỏ tiền túi ra để giúp đỡ. Ông nhớ mãi trường hợp người đàn ông lớn tuổi sống ở quận 4, đang đi bán vé số thì bị một xe máy va quẹt. Khi đến sơ cấp cứu, ông Thành thấy bên ngoài người đàn ông không có vết thương nào nhưng ông không thể tự đứng dậy được. Đưa vào bệnh viện kiểm tra, ông Thành mới biết người đàn ông bị suy thận giai đoạn cuối nhưng không có tiền chạy thận, không có người thân giúp đỡ. Ông Thành về nhà vét số tiền 6 triệu đồng để giúp người này chạy thận. Chạy thận được một năm thì người đàn ông qua đời, chòm xóm của người này sau đó báo tin cho ông Thành được biết.
Gương điển hình tích cực sơ cấp cứu Tại chương trình kỷ niệm Ngày sơ cấp cứu thế giới (thứ Bảy, tuần thứ hai của tháng 9 hằng năm) do Hội Chữ thập đỏ TP.HCM tổ chức, ông Lý Nhơn Thành và ông Đỗ Lạc An đã được tuyên dương là hai trong 24 điển hình cá nhân, tập thể tích cực công tác sơ cấp cứu. Tham gia TNV sơ cấp cứu từ năm 2016 đến nay, ông Lý Nhơn Thành đã sơ cứu được nhiều trường hợp và chuyển viện, đặc biệt có nhiều người nước ngoài. Còn ông Đỗ Lạc An có thâm niên làm TNV từ năm 1990 đến nay và đã sơ cấp cứu cho khoảng 1.000 trường hợp. |