Những quốc gia nào đang tiêm kết hợp Moderna với những loại vaccine khác?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trước khó khăn về nguồn cung chậm trễ và lo ngại về độ an toàn làm chậm chiến dịch tiêm chủng, ngày càng nhiều quốc gia đang xem xét việc kết hợp tiêm giữa các loại vaccine ngừa COVID-19 khác nhau cho liều thứ hai hoặc mũi tiêm bổ sung.

Một số quốc gia bao gồm Đức, Đan Mạch, Na Uy, Anh, Bahrain, Bhutan, Canada, Ý, Hàn Quốc, Thái Lan đều đã bắt đầu phối hợp tiêm giữa các loại vaccine khác nhau cho người dân, Reuters cho hay.

Một số nhà lãnh đạo trên thế giới cũng đã tiêm vaccine hỗn hợp trong những tháng gần đây. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm 22-6 đã được tiêm liều thứ hai của vaccine do hãng dược phẩm Mỹ Moderna sản xuất sau khi tiêm liều đầu tiên là vaccine AstraZeneca của Anh.

Sau đó, vào đầu tháng 7, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng đã nhận liều vaccine thứ hai là Moderna tại một hiệu thuốc ở Ottawa sau khi được tiêm mũi một là vaccine AstraZeneca trước đó, theo hãng tin Aljazeera.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại một hiệu thuốc ở Ottawa. Ảnh: REUTERS

Đan Mạch: Tiêm kết hợp vaccine sẽ cung cấp "khả năng bảo vệ tốt"

Viện Huyết thanh Nhà nước Đan Mạch (SSI) hôm 2-8 cho biết việc kết hợp vaccine của AstraZeneca với mũi tiêm thứ hai từ vaccine Moderna hoặc vaccine do hãng dược phẩm Mỹ Pfizer (kết hợp sản xuất cùng công ty công nghệ sinh học Đức BioNTech) sẽ cung cấp "khả năng bảo vệ tốt".

Biện pháp kết hợp tiêm các loại vaccine khác nhau đã trở nên cần thiết hơn ở Đan Mạch sau khi nước này quyết định ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca vào tháng 4 do lo ngại về tác dụng phụ nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Hơn 144.000 người Đan Mạch, chủ yếu là nhân viên tuyến đầu trong lĩnh vực y tế và người cao tuổi, nhận mũi đầu tiên là vaccine của AstraZeneca đã được tiêm vaccine của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.

"Nghiên cứu cho thấy, 14 ngày sau chương trình tiêm chủng kết hợp, nguy cơ nhiễm COVID-19 giảm 88% so với những người không được chủng ngừa. So với tỉ lệ 90% hiệu quả từ hai liều vaccine Pfizer-BioNTech được xác nhận trong một nghiên cứu khác của Đan Mạch thì sự kết hợp vaccine này vẫn đem lại hiệu quả cao” - SSI đánh giá.

Các nhà nghiên cứu nói rằng việc tiêm kết hợp các loại vaccine khác nhau có thể an toàn và hiệu quả, nhưng vẫn đang thu thập thêm dữ liệu. Ảnh: AP

Theo Reuters, nghiên cứu trên được SSI tiến hành hơn năm tháng, từ tháng 2 đến tháng 6 năm nay, trùng với khoảng thời gian biến thể Alpha xuất hiện và hoành hành tại quốc gia châu Âu này.

Tuy nhiên, SSI cho hay họ không thể kết luận liệu biện pháp tiêm kết hợp này có đem lại mức độ bảo vệ cao trước biến thể Delta hay không, cũng như không có số liệu nào cho thấy mức độ hiệu quả trong việc giảm thiểu các ca tử vong hoặc nhập viện liên quan đến COVID-19, vì không có trường hợp nào như thế xảy ra sau chương trình tiêm chủng kết hợp.

Đức tiêm kết hợp vaccine cho những đối tượng dễ bị tổn thương

Cùng ngày, Bộ Y tế Đức cho biết từ tháng 9, nước này sẽ bắt đầu tiêm liều vaccine bổ sung cho những nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm người về hưu và những người có hệ miễn dịch kém.

Theo Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn, việc tiêm chủng sẽ được thực hiện bằng cách sử dụng vaccine Pfizer/BioNTech và Moderna trong mũi thứ ba, bất kể loại vaccine nào người dân Đức đã được tiêm hai mũi trước đó.

Bộ Y tế nước này cũng đã đồng ý cung cấp vaccine cho tất cả trẻ em từ 12-17 tuổi, trước những mối lo ngại về biến thể Delta, Reuters đưa tin.

Trước khó khăn về nguồn cung chậm trễ và lo ngại về độ an toàn, nhiều quốc gia đang xem xét việc kết hợp tiêm giữa các loại vaccine khác nhau cho liều thứ hai hoặc mũi tiêm bổ sung. Ảnh: REUTERS

Ông Spahn cho hay việc tiêm chủng cho trẻ em từ 12-17 tuổi là tự nguyện và sẽ chỉ được thực hiện sau khi có sự đồng ý của cha mẹ cũng như hoàn thành quá trình kiểm tra sức khỏe để loại trừ những trẻ em mắc bệnh nền nghiêm trọng.

Trước đó, vào tháng 7, Bộ Y tế Đức cũng đã khuyến cáo tất cả những người tiêm mũi đầu tiên vaccine AstraZeneca nên chuyển sang một loại vaccine khác cho mũi thứ hai của họ, nhằm tăng tốc độ và hiệu quả của việc tiêm chủng trước sự nguy hiểm của biến thể Delta.

Bộ trưởng Spahn cho biết "theo kết quả nghiên cứu hiện tại", phản ứng miễn dịch từ sự kết hợp giữa AstraZeneca với vaccine mRNA (loại vaccine tạo ra phản ứng miễn dịch để chống lại các bệnh lây nhiễm) như Moderna hay Pfizer/BioNTech là "vượt trội đáng kể" so với việc tiêm hai liều AstraZeneca.

Theo đó, Bộ Y tế nước này khuyến cáo người dân nên tiêm liều thứ hai với vaccine của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna sau khi tiêm mũi AstraZeneca đầu tiên bốn tuần hoặc lâu hơn, ngắn hơn nhiều so với khoảng thời gian từ 9-12 tuần giữa hai liều AstraZeneca.

Những lọ vaccine ngừa COVID-19 rỗng kế bên bảng tên công ty dược phẩm Mỹ Moderna. Ảnh: REUTERS

Nói về việc Thủ tướng Merkel tiêm hai loại vaccine khác nhau, người phát ngôn của bà cho rằng đây là một nỗ lực của chính quyền Đức nhằm khuyến khích người dân không sợ hãi nếu họ được khuyên nên tiêm một loại vaccine khác cho mũi thứ hai.

Bên cạnh Đức, Tây Ban Nha cũng có quyết định tương tự khi cung cấp vaccine Pfizer/BioNTech hoặc Moderna làm mũi thứ hai cho những người trẻ tuổi tiêm vaccine AstrZeneca cho mũi thứ nhất trước mối lo ngại về tác dụng phụ của AstraZeneca.

Na Uy: Moderna kết hợp với Pfizer/BioNTech không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào

Theo thông tin đăng trên trang web của Viện Y tế Công cộng Na Uy (NIPH) hôm 29-7, nhiều công dân nước này đang chuẩn bị được tiêm vaccine Moderna cho liều thứ hai, mặc dù liều thứ nhất của họ là vaccine Pfizer/BioNTech.

NIPH cho biết việc kết hợp các loại vaccine mang lại sự bảo vệ tương tự và không có nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn so với việc tiêm hai mũi vaccine từ cùng một nhà sản xuất.

“Chúng tôi biết rằng cả hai loại vaccine mRNA đều có hiệu quả chống lại biến thể Delta và vaccine Moderna cũng có tác dụng tốt như Pfizer/BioNTech” - đại diện NIPH tuyên bố.

Những lọ vaccine ngừa COVID-19 do công ty dược phẩm Mỹ Moderna sản xuất. Ảnh: AFP

“Tiêm chủng là công cụ quan trọng nhất mà chúng ta có để chống lại đại dịch này và chúng tôi khuyến cáo mọi người nên đồng ý tiêm vaccine, bất kể họ được cung cấp loại vaccine nào” - ông Geir Bukholm, Giám đốc đơn vị phòng chống và kiểm soát bệnh tật NIPH, chia sẻ.

“Việc kết hợp hai loại vaccine khác nhau đã được chứng minh là không đem lại thêm bất kỳ tác dụng phụ nào khác so với những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng hai liều vaccine giống nhau” - ông Bukholk nói.

Giám đốc đơn vị phòng chống và kiểm soát bệnh tật NIPH còn cho biết thêm rằng khuyến nghị của NIPH được đưa ra dựa trên quá trình đánh giá kĩ lưỡng của họ, cũng như kinh nghiệm thu thập được từ các quốc gia thực hiện việc kết hợp tiêm hai loại vaccine khác nhau.

Theo NIPH, Na Uy hiện đang nhận được nhiều liều vaccine từ Moderna hơn từ Pfizer/BioNTech so với dự kiến, vì vậy một số người có thể nhận được liều thứ hai từ Moderna nếu đây là loại vaccine có sẵn tại thời điểm tiêm chủng.

“Đại dịch vẫn chưa kết thúc, và mục tiêu chính của chúng ta là giúp bảo vệ người dân chống lại các dịch bệnh và nguy cơ tử vong do COVID-19, cũng như giảm nguy cơ lây nhiễm” - ông Bukholm kết luận.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm