Những thách thức về bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng

(PLO)- Việc đang phải đối mặt với năm thách thức trong bảo vệ chủ quyền Tổ quốc trên không gian mạng đã đặt ra hàng loạt yêu cầu về hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn ở vấn đề này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là vấn đề trọng yếu, cấp bách được nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh các diễn biến trên không gian mạng ngày càng phức tạp.

Đối với Việt Nam, việc duy trì và bảo vệ an ninh quốc gia (ANQG) luôn được Đảng dành sự quan tâm hàng đầu. Đặc biệt đến Đại hội XIII, Đảng đã nêu những nhận thức, tư duy mới về vấn đề an ninh toàn cầu, an ninh phi truyền thống. Trong đó, xác định thách thức đối với chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là thách thức mang tính thời đại, làm phát sinh những nội dung mới trong bảo vệ ANQG.

Những thách thức về bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng
Lực lượng công an từng bước nâng cao năng lực công nghệ nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và quản lý nhà nước về an ninh mạng trong tình hình mới. Ảnh: THANH TUYỀN

Khó khăn trong phát hiện, đấu tranh

Trước hết, chủ quyền không gian mạng phải được nhận diện dưới góc độ chủ quyền và ANQG, phải được xác định chính xác, phạm vi rõ ràng và bảo vệ chặt chẽ. Bảo vệ an ninh mạng là cấu thành trọng yếu của hoạt động bảo vệ ANQG. Các hoạt động lợi dụng không gian mạng xâm phạm ANQG và trật tự xã hội, bịa đặt thông tin, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công kích chế độ, kích động, xuyên tạc lịch sử, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, tôn giáo… cần phải được kiểm soát, ngăn chặn và đấu tranh xử lý kịp thời.

Đối với Việt Nam, những thách thức mới từ cuộc cách mạng 4.0 tiếp tục đặt ra cho công tác bảo vệ ANQG nhiều vấn đề mới về lý luận và thực tiễn. Chính điều này đòi hỏi các cấp chính quyền và lực lượng công an phải có kinh nghiệm, phương tiện kỹ thuật chuyên biệt và tư duy, nhận thức mới để vượt qua các rào cản về kỹ thuật, công nghệ trong phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh xử lý hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm ANQG.

Từ thực tiễn đó cho thấy vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đang đứng trước năm thách thức lớn.

Một là, thách thức trong dự báo và tham mưu chiến lược. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tăng cường sử dụng các ứng dụng, tiện ích trên Internet, những phần mềm có độ bảo mật cao để hoạt động chống phá, đẩy mạnh “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm chống Đảng, Nhà nước… gây khó khăn trong phát hiện, đấu tranh.

Các quốc gia, trong đó có Việt Nam, ngày càng đối mặt với các cuộc tấn công mạng quy mô lớn có chủ đích và ý đồ chính trị, gây thiệt hại nghiêm trọng những mục tiêu, công trình quan trọng về ANQG, công trình và hệ thống thông tin các ngành kinh tế trọng điểm, chiếm đoạt thông tin, tài liệu mật, các hệ thống dữ liệu lớn nhằm phục vụ ý đồ chính trị và phạm tội…

Bên cạnh đó, trong thực tiễn công tác đấu tranh, xử lý đối với đối tượng sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia gặp một số khó khăn, hạn chế nhất định. Nguyên nhân là do tính đặc thù của đối tượng sử dụng không gian mạng xâm phạm thường mang tính ẩn danh, đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng phương thức phi truyền thống, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, theo phương thức công khai trên mạng nhưng bí mật về chủ thể thực hiện, ứng dụng cả trí tuệ nhân tạo (AI)… dẫn đến công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý chưa cao.

Điều này đã gây ra những khó khăn nhất định cho công tác phân tích, dự báo và tham mưu chiến lược đối với công tác bảo vệ ANQG nói chung, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng nói riêng.

Hinh_phu-P6.jpg
Hoạt động giám sát tại Trung tâm Điều hành và giám sát thông minh tỉnh Bình Phước. Ảnh: TTXVN

Nâng cao tiềm lực quốc gia về an ninh mạng

Hai là, không gian mạng phát triển nhanh chóng đã đặt ra nhiều thách thức đối với công tác quản lý nhà nước về an ninh mạng.

Hiện các dịch vụ nội dung số được cung cấp, phát hành bởi các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài phát triển rất mạnh, mang đến nhiều tiện ích nhưng cũng làm gia tăng nhiều nguy cơ đối với an ninh, lợi ích quốc gia.

Không chỉ có hệ thống các website, cổng thông tin, báo điện tử thường xuyên đưa tin, bình luận chống Việt Nam, sự phát triển của các dịch vụ mạng xã hội với lượng người dùng rất lớn tại Việt Nam đặt ra yêu cầu bức thiết về quản lý nhà nước.

Điều đó đã tác động đến nội dung, biện pháp thực thi chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, gây khó khăn cho công tác tham mưu, triển khai các chính sách, pháp luật và nâng cao năng lực, thế lực về công nghệ thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ ANQG và quản lý nhà nước về an ninh mạng trong tình hình mới.

Ba là, thách thức trong việc nâng cao tiềm lực quốc gia về an ninh mạng nhằm đối phó với các hoạt động tấn công mạng, đe dọa chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Đất nước ta đang trong giai đoạn tăng cường ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, xây dựng nền kinh tế số, chính phủ điện tử. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ được tiếp cận công nghệ tiên tiến, sử dụng các thiết bị hiện đại, trải nghiệm các dịch vụ mới trên không gian mạng.

Cùng với xu thế chuyển đổi số thì tội phạm mạng, tội phạm kinh tế luôn triệt để lợi dụng thành tựu khoa học công nghệ để phạm tội với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn do loại hình tấn công, phương thức thủ đoạn rất đa dạng, khó lường.

Trước các mối đe dọa từ hoạt động tấn công mạng, tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế đất nước có thể bị uy hiếp, dễ rơi vào phụ thuộc, lệ thuộc vào bên ngoài, nhất là khi hoạt động tấn công mạng xâm phạm tính an toàn, an ninh và hệ thống thông tin quan trọng về ANQG, đánh cắp thông tin, bí mật kinh tế để tạo ra lợi thế cạnh tranh hoặc có thể thực hiện hành vi khác để trục lợi kinh tế thì định hướng kinh tế có thể bị xáo trộn nếu các hệ thống thông tin đó bị chiếm quyền điều khiển.

Khi xảy ra tình huống gián đoạn hoặc ngưng kết nối Internet của Việt Nam với quốc tế, tất yếu sẽ kéo theo hàng loạt hoạt động của đất nước bị ngưng trệ, ảnh hưởng, nếu hệ thống này bị kiểm soát, Việt Nam sẽ mất chủ quyền trên không gian mạng…

1-nhung-thach-thuc-ve-bao-ve-chu-quyen-tren-khong-gian-mang.jpg
Không gian mạng đã làm thay đổi nhận thức, hành vi và lối sống của con người nhưng cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức tác động trực tiếp đến chủ quyền, ANQG, trật tự xã hội... Ảnh minh họa: Internet

Sớm hoàn thiện thể chế phù hợp với sự phát triển

Bốn là, thách thức trong công tác tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý nhà nước, quản lý an ninh mạng.

Không gian mạng đã làm thay đổi nhận thức, hành vi và lối sống của con người nhưng cũng đặt ra nhiều nguy cơ, thách thức tác động trực tiếp đến chủ quyền, ANQG, trật tự xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. Từ đó, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách quản lý nhà nước, quản lý an ninh mạng. Đây cũng là vấn đề cấp bách ở nước ta, mang tính thời đại, đảm bảo tính đồng bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội.

Nếu làm tốt vấn đề này sẽ đảm bảo điều kiện và yếu tố then chốt, hình thành không gian mạng quốc gia an toàn và ổn định, tạo bước đột phá trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Năm là, thách thức về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ khoa học công nghệ cao đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Ở Việt Nam, làm chủ không gian mạng được coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách, hàng đầu nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, dân tộc. Vì vậy, chủ động đào tạo nguồn nhân lực chủ công trên mặt trận đảm bảo an ninh mạng, an ninh kinh tế số kết hợp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ an ninh với kiến thức khoa học kỹ thuật và công nghệ là nhiệm vụ cấp bách.

Tuy nhiên, thực tế hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin ở nước ta còn nhiều hạn chế, tiềm lực về an ninh mạng chưa cao, nguồn nhân lực về công nghệ thông tin còn thiếu về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu chủ động phòng, chống tội phạm mạng, đảm bảo an ninh, an toàn không gian mạng quốc gia…

Xây dựng quy tắc ứng xử trên không gian mạng

Từ Nghị quyết 29/2018 về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và Nghị quyết 30/2018 về chiến lược an ninh mạng quốc gia của Bộ Chính trị cho thấy an ninh mạng và không gian mạng đang là vấn đề nóng bỏng, đòi hỏi phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò quan trọng của an ninh mạng và các thách thức, mối đe dọa từ không gian mạng đối với đất nước ta.

Vì vậy, để đảm bảo ANQG, an ninh mạng trong tình hình mới, các cấp, các ngành cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về âm mưu và hoạt động sử dụng Internet, không gian mạng xâm phạm ANQG của các thế lực thù địch.

Đây là việc có ý nghĩa quan trọng, là liều thuốc phòng ngừa cần thiết để người sử dụng có sức “đề kháng” đối với hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng, móc nối phát triển lực lượng, thu thập tin tức bí mật nhà nước qua không gian mạng. Đồng thời phát hiện, tố giác hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm ANQG của các thế lực thù địch.

Bên cạnh những việc đã làm được thì công tác quản lý nhà nước đối với các dịch vụ internet cũng bộc lộ một số bất cập cần sớm khắc phục như thiếu khuôn khổ pháp lý cùng những biện pháp cần thiết để bảo vệ người sử dụng khỏi những thông tin và ứng dụng độc hại từ internet.

Một trong những biện pháp cấp bách là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về nhiệm vụ bảo vệ an ninh mạng quốc gia trong tình hình mới, xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng. Đặc biệt, cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng…

Thượng tá, Thạc sĩ ĐỖ MINH KIM, Phó Trưởng phòng 3, Cục A05, Bộ Công an

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm