Thực tế hiện nay, việc cho người thân, quen mượn giấy tờ, đồ đạc không phải là điều hiếm gặp. Tuy nhiên, có những thứ tuyệt đối không nên cho mượn nếu không muốn bị phạt tiền như:
- Cho người khác mượn sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, xác nhận thông tin về cư trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật.
Trường hợp này, người cho mượn sẽ bị phạt tiền từ 1- 2 triệu đồng theo khoản 2 Điều 9 Nghị định 144/2021.
- Cho mượn Giấy CMND, CMND, thẻ CCCD để thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật. Người cho mượn sẽ bị phạt tiền từ 4- 6 triệu đồng theo điểm đ, khoản 4 Điều 10 Nghị định 144.
Tuyệt đối không cho người khác mượn CMND/CCCD để tránh rủi ro. Ảnh: HỮU ĐĂNG |
- Cho mượn con dấu, trường hợp này người cho mượn sẽ bị phạt từ 3 - 5 triệu đồng.
- Cho người không đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông mượn xe.
Nghị định 100/2019 quy định người giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.
Đối với xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô, xe máy chuyên dùng thì chủ xe sẽ bị phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng. Đối với xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thì chủ xe sẽ bị phạt tiền từ 800 ngàn đồng đến 2 triệu đồng.
Trong đó, người không đủ điều kiện lái xe tham gia giao thông bao gồm các trường hợp như lái xe không đủ tuổi, người lái xe không đủ sức khỏe (sử dụng rượu, bia…); người mượn không có Giấy phép lái xe.
- Cho người khác mượn thẻ bảo hiểm y tế trong khám bệnh, chữa bệnh.
Trong trường hợp này, phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng nếu vi phạm nhưng chưa làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế; phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng nếu vi phạm làm thiệt hại đến quỹ bảo hiểm y tế theo khoản 1 Điều 84 Nghị định 117/2020.
- Cho người khác mượn ví điện tử
Khi cho người khác mượn ví điện tử từ 01 ví điện tử đến dưới mười ví điện tử sẽ bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng; cho mượn từ mười ví điện tử trở lên bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng theo quy định tại Nghị định 89/2019 (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021).