Những cung đường kinh hoàng của giáo viên cắm bản. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Đó là chia sẻ của nhiều thầy cô giáo vùng xuôi lần đầu tiên lên cắm bản ở những điểm trường miền núi, nơi xa xôi nhất và nghèo khó nhất Việt Nam.
Nỗi buồn vùng cao
Cô Nguyễn Thị Hải Hà, giáo viên Trường Tiểu học Pa Nang, xã Pa Nang, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị, vẫn nhớ mãi ngày đầu tiên đến nhận công tác ở nơi này.
“Con dốc cao ngất trong một chiều mưa cuối năm với những con nước chảy ngoằn ngoèo khắp mặt dốc. Trên đó, sáu thầy giáo đang gồng mình hò hét để đưa những chiếc xe máy lên đỉnh dốc như đang kéo pháo. Người buộc dây vào xe lôi phía trước, người ngồi trên xe nổ máy, người đẩy phía sau. Đánh vật trong bốn tiếng đồng hồ, qua được dốc thì đã 9 giờ tối. Hình ảnh ấy tôi mãi không bao giờ quên được” - cô Hải Hà chia sẻ.
Vượt qua hành trình ấy, điểm đến của các thầy cô là những căn nhà công vụ tạm bợ, dột tứ tung trong đêm miền biên viễn mưa như trút nước.
Với cô Đàm Thị Thu Thủy, giáo viên Trường Thải Giàng Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, ngày đầu nhận công tác cũng là một ấn tượng không thể phai với những khó khăn ngoài sức tưởng tượng của mình.
Sinh ra và lớn lên ở Phú Thọ, Thủy tình nguyện lên miền núi “trồng người” và phải mất rất nhiều thời gian cô mới thuyết phục được bố mẹ đồng ý với quyết định của mình.
“Trước khi đi, tôi đã tìm hiểu về Bắc Hà nhưng đến nơi, tôi thực sự sốc khi nhìn những lớp học nhà tranh vách nứa. Không có điện, không sóng điện thoại,” cô Thủy chia sẻ.
Trời tháng 8 nhưng cái rét vùng cao đã khá rõ ràng càng khiến cho nỗi buồn, nỗi nhớ nhà và cả những hoang mang, lo lắng của cô giáo trẻ thêm nặng trĩu. Không thể cầm lòng, Thủy bật khóc trong căn nhà tạm.
Thủy bảo không chỉ khó khăn về cơ sở vật chất, sự khác biệt về văn hóa, từ phong tục tập quán, ngôn ngữ, đến từng món ăn của đồng bào cũng là một thách thức mà những giáo viên từ nơi khác đến như cô không dễ vượt qua.
Nụ cười là tài sản quý nhất
Sốc, hoang mang và lo lắng nhưng chính tình người nơi biên giới, chính những ánh mắt học trò hồn nhiên trong sáng đã làm sợi dây bền chặt níu chân những người thầy.
Những ánh mắt học trò trong trẻo, nụ cười hồn nhiên chính là sợi dây níu giữ những người thầy. (Ảnh: CTV/Vietnam+)
Cô Thủy vẫn nhớ những ngày vào bản vận động học sinh đến lớp, phải băng hàng chục cây số đường rừng, ăn những bữa cơm cùng đồng bào người H’mông với những món “khó nhằn” như thắng cố, phở chua, khâu nhục, những chén rượu cứ vơi rồi lại đầy cho đến khi say quên trời đất.
“Khó khăn và vất vả, nhưng cứ nhìn những em học sinh vui đùa tôi lại quên hết. Bây giờ, Bắc Hà đã là ngôi nhà, là quê hương thứ hai của tôi,” cô Thủy tâm sự.
Đây cũng là chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Hải Hà. Cô Hà bảo giữa những núi non trùng điệp, giữa những cánh rừng bạt ngàn, những con dốc ngoằn ngoèo dựng đứng, dù mệt lử và mặt mũi áo quần lấm lem bùn đất, cô và những đồng nghiệp vẫn luôn nở nụ cười. Nụ cười chính là tài sản quý giá nhất, là động lực và là minh chứng rõ nhất cho những nỗ lực của họ để bám bản gieo chữ nơi những bàn Bù, Bản Ngược, Tà Mên…
Nụ cười không chỉ mang đến cho cô thêm nghị lực, mà còn là cầu nối giữa cô và những học trò, để dù ban đầu chưa hiểu ngôn ngữ các em nhưng tình yêu thương đã nồng ấm nơi cô.
Pa Nang giờ đây với cô còn là mái ấm gia đình khi ở đó, cô đã tìm được người bạn đời, cùng cô tiếp sức trên những hành trình bám bản.