Dư luận đang xôn xao, một số nhà khoa học đang vào cuộc nghiên cứu “em bé cháy” với nhiều dự đoán, kiến giải thú vị. Nhìn lại thời gian qua, có không ít vụ tự cháy hoặc những chuyện năng lực siêu nhiên như người nam châm, khu vườn kỳ lạ từng hao tốn nhiều giấy mực, làm hao tâm tổn trí nhiều nhà khoa học và cơ quan chức năng nhưng kết quả cuối cùng lại trớ trêu đến buồn cười. Chúng tôi xin điểm lại một số vụ mang tầm cỡ quốc gia.
Chẳng qua do hộp quẹt gas
Năm 2004, hơn hai tháng trời ngọn lửa thần bí hoành hành tại làng An Trung, xã Duy Trung (Duy Xuyên, Quảng Nam). Báo chí theo dõi sát sao, đưa tin cập nhật hằng ngày với những tít tựa nóng bỏng kiểu như Quảng Nam: Lửa vẫn tiếp tục phát cháy tại làng An Trung, Ngôi làng tự nhiên... bốc cháy… Những con số thống kê làm người xem giật mình: “Từ 30-7 đến 15-9, tại làng lửa phát cháy hơn 46 vụ (đó là chưa kể các vụ cháy nhỏ lẻ). Đặc biệt, tại nhà ông Nguyễn Thanh An tần suất lửa phát cháy cao nhất, có ngày cháy đến 12 lần. Chỉ tính trong ngày 14-9, lửa phát cháy bảy lần, chủ yếu là cháy các vật dụng”. Bộ Khoa học và Công nghệ phải cử đoàn cán bộ khoa học liên ngành đến xã này nghiên cứu nhưng “sau gần bảy ngày lấy mẫu nước, không khí..., các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân và tác nhân gây cháy kỳ lạ này”. Các nhà khoa học bàn luận kiến giải, có người cho rằng do lượng phốt pho trong lòng đất bốc lên gặp trời nắng nên bốc cháy. Có người tự xưng là tiến sĩ Hội Nghiên cứu tiềm năng con người chỉ cho chủ nhà cách dán bùa giúp gia đình anh phòng cháy. Tuy nhiên, ngay sau khi người ấy đi, lửa vẫn tiếp tục cháy. Có nhà khoa học từ Anh Quốc đoán cháy là do hiện tượng hồ quang điện của những đám hơi nước bay thấp gần mặt đất…
Nhiều người nhẹ dạ đổ về khu vườn kỳ lạ mong chữa được bệnh, 13 người đã chết. Ảnh Tư Liệu
Cuối cùng, cháu bé Nguyễn Thị Huyền Trang con của chủ nhà đã khai nhận dùng bật lửa gas của gia đình tự đốt các vật dụng giá trị thấp như quần áo, bao nylon... gây ra tất cả vụ cháy. Ông Nguyễn Thanh An cũng thừa nhận mình có biết sự việc này. Mục đích tạo dựng vụ tự cháy là gia đình này muốn chuyển đổi đất nhà ở sang vị trí khác. Sau khi có kết luận này, ngọn lửa thần bí đã tắt hẳn.
Sự kiện người nam châm
Năm 2007, dư luận báo chí lại xôn xao về hiện tượng người nam châm, câu lạc bộ người nam châm với những hình ảnh rất ấn tượng của nhạc sĩ Trần Tiến, BS Nguyễn Xuân Cảnh mang trên người hàng chục chiếc muỗng,... Có tờ báo dành hẳn một trang hoành tráng cho bài“Điều kỳ diệu cho đời sống: Hút dính đồ vật nhờ “cảm xạ học””. Có nhà khoa học ban bố cho những lời khen có cánh “nếu luyện yoga phải mất 10 năm mới có thể thực hiện hút dính được đồ vật thì những học viên theo học lớp cảm xạ chỉ cần một thời gian rất ngắn” hoặc “... Việc ở nước ta đào tạo được nhiều người có khả năng hút đồ vật thì quả là kỳ lạ và lý thú. Đây là vấn đề mới của khoa học, sẽ mở ra chân trời mới cho các nhà khoa học nghiên cứu những khả năng đặc biệt của con người và vũ trụ”. Từ chuyện người nam châm hút đồ vật bằng hình ảnh trực quan, những thông tin giới thiệu về phép màu nhiệm khác của cảm xạ học như TS Dư Quang Châu khẳng định “Đến trình độ C học viên có thể phát ra nội lực trên đôi tay để chữa bệnh” càng làm người đọc cả tin đến sái cổ. Người ta đổ xô đi học cảm xạ học thành phong trào.
Người đầu tiên lật tẩy vụ này là nhà báo Hồ Trung Tú, anh đã viết bài “Người nam châm, ai làm cũng được!” và giải thích rất chí lý trên báo Sài Gòn Tiếp Thị: “Ơ kìa, thìa, nĩa dính dễ dàng lên người chẳng có gì khó khăn cả! Cứ đặt đúng chiều thuận như ảnh và vị trí chỗ đặt không quá xuôi, chỉ cần hơi vát một chút như gờ ngực, bờ vai, gờ bụng thì nĩa dính dễ dàng vào da và rất khó rơi”. Tiếp theo đó báo Pháp Luật TP.HCM đã có bài “Bạn muốn làm “người nam châm”? Dễ thôi!”. Bài báo đưa hình ảnh những phóng viên báo chưa học cảm xạ học ngày nào vẫn có thể dán muỗng (thìa) lên người và khẳng định rằng chẳng có sức hút nam châm nào cả, chẳng qua muỗng dính vào da người mà thôi.
Không chỉ “ta”, các anh “Tây”: Aaron Toronto, Ron Edmonds (47 tuổi, quốc tịch Mỹ), LumSon (18 tuổi, quốc tịch Cameroon) đều hút được muỗng (thìa). Ảnh Tư Liệu
Biên tập viên báo Pháp Luật TP.HCM không hề học cảm xạ vẫn có thể làm người nam châm. Ảnh Tư Liệu
ThS Dư Quang Châu lại lên tiếng phản biện trên một tờ báo tiếp tục khẳng định năng lực hút vật của những người học cảm xạ. “Một số báo đăng mấy người không học cảm xạ cũng có thể hút được nhưng số lượng chỉ là vài cái thìa, dĩa. Nếu học cảm xạ, khả năng hút sẽ mạnh hơn,....”. “Tôi cũng đã khẳng định tại Việt Nam có nhiều người làm được việc này nhưng tất cả thì không” - Báo Pháp Luật TP.HCM lại có cuộc thử nghiệm mới. Báo đã cho những phóng viên, biên tập viên khác dán lên người những vật nặng như bàn ủi điện, những quyển sách to đùng, tất cả đều dính như thường. Để phản biện với lý lẽ chuyện dính muỗng là năng lực đặc biệt của người Việt Nam, báo đã mời một số du khách nước ngoài hoàn toàn chưa biết tới cảm xạ học thực nghiệm làm “người nam châm”. Đúng như dự đoán cả ba người khách: anh Aaron Toronto, Ron Edmonds (47 tuổi, quốc tịch Mỹ), LumSon (18 tuổi, quốc tịch Cameroon) đều hút được muỗng (thìa). Sau bài báo này, dư luận về người nam châm xìu xuống như bóng xì hơi.
13 người bệnh chết trong khu vườn kỳ lạ
Vụ khu vườn kỳ lạ ở Long An lại càng đình đám hơn trong nhiều năm. Từ khoảng giữa năm 2004 đã có rất đông người từ các tỉnh tìm đến khu vườn kỳ lạ nhà ông Sống thuộc ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng (Đức Hòa, Long An) để được con gái ông là chị Nguyễn Thị Kim Hồng (SN 1972) trị bệnh bằng cách cầu nguyện. Theo tin đồn thì người bệnh chỉ cần đến khu vườn này ngồi thiền, khấn vái, uống nước lạnh thì bệnh sẽ khỏi. Người ta còn kháo nhau đến đây sẽ được chữa khỏi tất cả loại bệnh, kể cả bệnh nan y. Bộ Y tế và các cơ quan khoa học khác đã nghiên cứu và khẳng định khu vườn này không có điều kiện và khả năng nào trị bệnh nhưng do cả tin, mê muội nhiều người vẫn đổ về đây với hy vọng hão huyền. Mới đây, cơ quan chức năng đã điều tra và xác định có 13 người được cho là hết bệnh nhưng thật sự đã chết ngay tại chính khu vườn này. Trong đó có bà Nguyễn Thị Sảnh ngụ xã Hòa Khánh Đông, Đức Hòa (Long An) bị bệnh lở loét; bà Phan Thị Út bị bệnh tiểu đường và tai biến mạch máu não; ông Trương Văn Quỳ ngụ phường Phú Khương, TP Bến Tre (Bến Tre) bị bệnh ung thư; ông Nguyễn Văn Nhiều ngụ xã Mỹ Thiện, Cái Bè (Tiền Giang); bà Nguyễn Thị Nga ngụ xã An Long, huyện Tam Nông (Đồng Tháp)…
Điều chung nhất rút ra từ các vụ “tự cháy” đình đám này là luôn có một tác nhân chủ quan, vụ lợi tạo ra hiện tượng giật gân kỳ lạ. Hiện tượng được khuếch tán do thói hiếu kỳ, mê tín của công chúng và các phương tiện thông tin. Độ tin cậy của công chúng được củng cố, nâng cao qua phát biểu nhận định chủ quan của một số người mệnh danh nhà khoa học.
ANH THƯ