Niềm tin của Nhân dân!

(PLO)- Bác Hồ từng nói việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Do vậy, muốn củng cố niềm tin của Nhân dân hoàn toàn không khó nếu tất cả nói đi đôi với làm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chính là cuộc cách mạng của toàn dân, của tất cả con dân đất Việt. Đại bộ phận người dân Việt Nam khi ấy không phân biệt tôn giáo, dân tộc, thành phần giai cấp đã tự nguyện đứng dưới lá cờ tập hợp của Mặt trận Việt Minh với chương trình và mục tiêu đúng đắn là giành độc lập cho Tổ quốc và đem lại hạnh phúc cho Nhân dân.

Còn nhớ, ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, thế nhưng bằng niềm tin vào lãnh tụ Hồ Chí Minh, niềm tin vào sự chí công vô tư, vì nước, vì dân của Chính phủ, nhiều gia đình tư sản giàu có đã đóng góp nhiều tiền của cho cách mạng. Như cụ Ngô Tử Hạ, một nhà tư sản lớn ở Hà Nội, đã mua đấu giá chiếc áo trấn thủ của cụ Hồ với giá nhiều vạn đồng Đông Dương khi ấy. Hay căn nhà 48 Hàng Ngang, Hà Nội, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Tuyên ngôn độc lập, là tư dinh của vợ chồng cụ Trịnh Văn Bô - Hoàng Thị Minh Hồ…

Niềm tin của Nhân dân! ảnh 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ảnh: TTXVN

Sở dĩ Cách mạng tháng Tám thành công nhanh chóng là bởi Nhân dân tin vào đường lối của Đảng, của Mặt trận Việt Minh. Trong cuộc cách mạng ấy, nhiều quan lại, nhân sĩ, trí thức nổi tiếng cũng đã đứng về phía Nhân dân, bởi họ cũng tin tưởng vào đường lối của Mặt trận Việt Minh, tin vào những nhà cách mạng đã từng vào tù ra khám đấu tranh vì nền độc lập, tự do của đất nước.

Ngay sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập, trong bức “Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng”, ngày 17-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “… nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Sau đó, Bác căn dặn: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ, từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Không thể không tự hào rằng sau 78 năm, đất nước và dân tộc ta đã tiến những bước tiến rất dài trên con đường độc lập, phồn vinh và hạnh phúc, song vẫn còn đó những điều xảy ra khiến chúng ta phải suy ngẫm. Đó là các hạn chế, yếu kém mà chính các nghị quyết của Đảng cũng mạnh dạn chỉ ra như sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên; tình trạng tham ô, tham nhũng, lãng phí, hách dịch, cửa quyền vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Chính vì vậy, Đảng đã và đang tiến hành rất mạnh mẽ công cuộc chống tham nhũng, trừng trị những cán bộ thoái hóa, biến chất. Những vụ án như chuyến bay giải cứu và nhiều đại án tham nhũng khác… đã được đưa ra xét xử công khai, khiến Nhân dân hết sức đồng tình, ủng hộ.

Chúng ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo Bác Hồ. Học tập và làm theo Bác Hồ nhất thiết phải khắc cốt, ghi tâm và thực hiện hiệu quả lời căn dặn của Bác ngay sau khi nước Việt Nam mới ra đời, đó là: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”. Muốn củng cố niềm tin của Nhân dân hoàn toàn không khó nếu tất cả nói đi đôi với làm. Kỷ niệm ngày Quốc khánh nhắc nhở chúng ta về điều ấy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm