Ông Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, đã ký kế hoạch thực hiện nhiệm vụ phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Hỗ trợ ngư dân duy trì thiết bị giám sát hành trình
Theo ông Lê Huyền, quản lý hoạt động khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản biển, phát triển nghề cá Việt Nam theo hướng bền vững là nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh. Ninh Thuận đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trước mắt và lâu dài để ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng” của EC.
Ninh Thuận xây dựng chính sách hỗ trợ cước phí duy trì thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: H.H |
Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cho biết trước mắt, tỉnh tập trung triển khai hiệu quả 5 nhiệm vụ trọng tâm thực hiện chống khai thác IUU, chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra EC.
Theo đó, tỉnh thực hiện đợt cao điểm chiến dịch truyền thông về quy định pháp luật về thủy sản, chống khai thác trái phép bằng nhiều hình thức, đặc biệt là chống khai thác IUU.
Cùng với đó, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ hiệu quả khắc phục các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “thẻ vàng”.
Tỉnh cũng tăng cường quản lý tàu cá, xác nhận, chứng nhận, truy xuất nguồn gốc thủy sản và tăng cường công tác thực thi pháp luật, xử lý vi phạm.
Ông Lê Huyền cho biết tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp về truyền thông, tuyên truyền, cơ chế chính sách, đầu tư nâng cấp hạ tầng nghề cá, nâng cao năng lực lực lượng kiểm ngư và việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm khai thác IUU cũng như truy xuất nguồn gốc hải sản.
Trong năm 2023, tỉnh giao Sở NN&PTNT thực hiện dự án xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cước phí duy trì thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) cho chủ tàu trên địa bàn.
Bên cạnh đó, đến năm 2025, triển khai chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề cho tàu cá hoạt động khai thác ven bờ và các nghề hủy diệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời triển khai các dự án phục hồi hệ sinh thái biển, rạn san hô, thảm cỏ biển cho các loài hải sản sinh sống.
100% tàu cá Ninh Thuận sẽ gắn thiết bị giám sát hành trình
Phó Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận cho biết tỉnh đang triển khai trong tháng 4-2023 sẽ hoàn thành 100% việc đăng ký, cấp giấy phép khai thác thủy sản, chứng nhận an toàn thực phẩm, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS). Cùng với đó, hoàn thành cập nhật 100% thông tin cho tàu cá của tỉnh vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (VNFishbase).
Trong tháng 4-2023, 100% tàu cá Ninh Thuận sẽ gắn thiết bị giám sát hành trình. Ảnh: H.H |
Đến nay, 100% số tàu hoạt động vùng khơi của tỉnh đều đã được cấp giấy phép khai thác hải sản, 99,7% tàu cá trên địa bàn đã gắn thiết bị thiết bị giám sát hành trình, trong đó có 100% tàu cá từ 24 mét trở lên đã lắp thiết bị giám sát hành trình.
Tỉnh đã tổ chức gần 110 lớp tuyên truyền về chống khai thác IUU với hơn 6.000 lượt cán bộ, ngư dân tham dự. Nội dung tập trung về 14 hành vi khai thác thủy sản bất hợp pháp, về phạm vi vùng biển Việt Nam, các vùng biển chồng lấn chưa phân định được cùng với các nội dung có liên quan về khai thác IUU.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận giao Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp lập danh sách, khoanh vùng để theo dõi, quản lý chặt tàu cá và thường xuyên mở các đợt tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn các tàu cá có biểu hiện nghi vấn tổ chức khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Ninh Thuận sẽ giám sát chặt các tàu cá ra khơi. Ảnh: H.H |
Ninh Thuận cũng giao công an tỉnh chủ trì phối hợp với các địa phương triển khai điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Ninh Thuận đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác IUU.
Năm 2023, Ninh Thuận đặt mục tiêu tỉ trọng kinh tế biển đóng góp 41% GRDP của nền kinh tế và khai thác 124.000 tấn hải sản. Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh đang triển khai các chính sách phát triển thủy sản hiệu quả, bền vững theo hướng giảm khai thác, quản lý chặt vùng khai thác và khu vực cấm. Qua đó, hạn chế khai thác quá mức nhằm phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Tỉnh cũng bố trí kinh phí đầu tư, nâng cấp, duy tu và bảo dưỡng cơ sở hạ tầng nghề cá tại các cảng cá, khu neo đậu. Đồng thời, nâng cao trình độ chuyên môn cho cơ quan, cán bộ quản lý thủy sản địa phương, đặc biệt tại các cảng cá.
Ông Nguyễn Hồng Phấn, Phó chi cục trưởng Chi cục thủy sản tỉnh Ninh Thuận, cho biết hiện trên địa bàn tỉnh có 816/826 tàu cá đã gắn thiết bị giám sát hành trình. Trong số 10 chiếc chưa gắn thiết bị, có bảy chiếc nằm bờ, còn lại ba chiếc chưa có kinh phí.
Ngành Thủy sản đã nắm thông tin và vận động các chủ tàu gắn thiết bị đúng quy định khi ra khơi. "Tỉnh đang xây dựng đề án hỗ trợ cước duy trì thiết bị giám sát hành trình cho bà con ngư dân" - ông Phấn cho hay.