Thêm ba ngân hàng gồm OCB, Vietcombank và BacABank vừa công bố sẽ thành lập công ty kiều hối. Trước đó hàng loạt ngân hàng như VietinBank, BIDV, Agribank, ACB, Sacombank, DongABank... đã thành lập công ty kiều hối.
Vì sao nhiều ngân hàng đua nhau thành lập công ty kiều hối? Việc nhiều công ty kiều hối ra đời mang lại lợi ích gì cho khách hàng?
Miếng bánh ngon
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 5 vừa qua, lượng kiều hối chuyển về TP đạt trên 1,7 tỉ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Kiều hối về TP.HCM dự báo sẽ tiếp tục lạc quan trong năm 2016. “Hiện nguồn kiều hối chuyển về TP.HCM chiếm khoảng 58%-62% của cả nước. Kiều hối chuyển về năm sau thường cao hơn năm trước khoảng 10%-15%” - ông Minh thông tin.
Đây là một trong những lý do mà nhiều ngân hàng nhảy vào thành lập công ty kiều hối. Ông Minh nói: “Việc thành lập công ty kiều hối có thể xem là hoạt động nhằm tạo thêm thuận lợi cho khách hàng, thu hút thêm lượng tiền từ nước ngoài gửi về Việt Nam”.
Đại diện một ngân hàng tiết lộ lợi nhuận từ dịch vụ chi trả ngoại hối thông qua công ty con của ngân hàng là không nhỏ và nguồn lợi nhuận này chủ yếu đến từ phí của các giao dịch nhận kiều hối. Đơn cử với số kiều hối chuyển về TP trong năm tháng đầu năm hơn 1,7 tỉ USD, với mức phí thu dao động 0,3%-2% thì lợi nhuận thu về đã đạt vài chục triệu USD.
Ở góc nhìn khác, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 34/2015 của NHNN Việt Nam quy định một ngân hàng chỉ có thể làm đại lý cho một công ty kiều hối. “Điều này làm hạn chế dịch vụ kiều hối của ngân hàng và có thể vì sự ràng buộc này mà nhiều ngân hàng muốn thành lập công ty kiều hối”.
Giám đốc một công ty kiều hối dự báo kiều hối sẽ về nhiều hơn cùng sự phục hồi của nền kinh tế, nhất là thị trường bất động sản. Và đây là “mảnh đất tốt” để công ty kiều hối ra đời.
Công ty kiều hối góp phần tạo thêm kênh tăng nguồn thu ngoại tệ. Trong ảnh: Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng VietinBank. Ảnh: HTD
Mang kiều hối đến tận nhà
Anh Tuấn, nhà ở quận Tân Bình (TP.HCM), cho hay thông qua công ty kiều hối gia đình anh có thể nhận tiền mặt, chuyển khoản hoặc có thể nhận bằng ngoại tệ hay tiền đồng và không phải đóng thuế thu nhập cá nhân.
“Việc nhận hay chuyển tiền qua công ty kiều hối có mức phí cạnh tranh, hiện dao động trong khoảng 0,3%-2% tùy theo vị trí địa lý. Không chỉ vậy, nhân viên của các công ty kiều hối còn mang tiền đến tận nhà chi trả cho người thụ hưởng mà không tốn thêm bất cứ đồng chi phí nào” - ông Minh cho biết.
Nhiều khách hàng khác cũng cho hay thông qua các công ty kiều hối, thủ tục nhận kiều hối đã đơn giản hơn rất nhiều so với trước đây. Thậm chí khách hàng có thể nhận được tiền ngay trong vòng 5-10 phút sau khi người từ nước ngoài gửi về.
Ngoài ra gửi tiền qua công ty kiều hối an toàn hơn so với gửi “chui”. “Trước đây tôi thường phải sử dụng dịch vụ “chui”. Hình thức này rủi ro lớn vì không có gì đảm bảo. Mức phí giao dịch cũng cao, chẳng hạn phía người gửi phải chịu 2%-3% USD mỗi lần gửi. Nếu gửi 500 USD phải trả phí 10-15 USD. Nay gửi qua công ty kiều hối thấy yên tâm hơn và chi phí thấp” - chị Kim Cúc, nhà ở quận Bình Thạnh, cho biết.
Nói thêm về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng, ông Huỳnh Trung Minh cho rằng dù hiện nay kênh nhận kiều hối chính thức phát triển mạnh với thủ tục thuận tiện, đơn giản, chi phí thấp song kênh chuyển tiền ngầm về Việt Nam vẫn âm thầm hoạt động. Hình thức này chủ yếu qua những đường dây chuyển tiền “xách tay” từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ. Khi chuyển tiền qua thị trường phi chính thức, khách hàng không cần bất cứ loại giấy tờ bảo đảm gì, không có bất cứ sự ràng buộc nào giữa hai bên.
“Điều này trong chừng mực nào đó, nếu gặp phải rủi ro, kiện tụng thì người nhận tiền sẽ bị thiệt hại nhiều nhất do không được pháp luật đứng ra bảo vệ. Chưa kể nhận tiền mặt rồi bán trên thị trường chợ đen cũng là vi phạm pháp luật. Khi bị phát hiện mà người bán không chứng minh được nguồn gốc tiền thì có khả năng sẽ bị tịch thu hoặc xử phạt theo quy định” - ông Minh cảnh báo.
Kiều hối liên tục tăng Theo Ngân hàng Thế giới, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm ngoái lên tới 12,25 tỉ USD. Xét trên quy mô toàn cầu, Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về lượng kiều hối trong năm 2015. Trước đó năm 2014, kiều hối về Việt Nam đạt 12 tỉ, năm 2013 là 11 tỉ và năm 2012 là 10 tỉ USD. Riêng trên địa bàn TP.HCM, lượng kiều hối nhận được trong năm 2015 khoảng 5,5 tỉ USD. Kiều hối hiện vẫn chảy vào ba lĩnh vực chính gồm sản xuất kinh doanh, bất động sản và hỗ trợ người thân. Trong đó, vốn vào sản xuất kinh doanh vẫn nhiều nhất, với tỉ lệ tăng đều qua hằng năm. Cảnh giác với giao dịch đáng ngờ Công ty kiều hối cần thực hiện đúng các quy định quản lý về rửa tiền trong nước và quốc tế. Ví dụ, thấy một người xách cả valy tiền mặt đến gửi thì phải biết nguồn tiền đó từ đâu, chuyển tiền với mục đích gì, vì sao không chuyển khoản. Ngoài ra, công ty kiều hối cần có công nghệ thông tin chuẩn mực để theo dõi danh sách đen gồm các khách hàng, doanh nghiệp… bị cấm vận do cơ quan an ninh tiền tệ thế giới tổng hợp. Bởi nếu sơ suất chuyển tiền cho đối tượng trong danh sách này sẽ bị cơ quan an ninh tiền tệ thế giới theo dõi vì cho rằng công ty kiều hối đã tham dự vào việc rửa tiền. Chuyên gia kinh tế NGUYỄN TRÍ HIẾU |