Nổ súng lúc nào?

UB Thường vụ Quốc hội đã nghe báo cáo về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Sau phần báo cáo, đa phần các đại biểu tập trung thảo luận về điều 15 của Dự luật trong đó nêu hai phương án về quy định việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí.

Báo cáo của UB Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhận định rằng: tiếp thu ý kiến Thủ tướng Chính phủ và ý kiến của Thường trực Hội đồng dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, giữ lại nội dung này như ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, để quy định cụ thể, rõ ràng hơn, Thường trực UBQPAN thống nhất với cơ quan soạn thảo tách Điều 21 thành 2 điều. Điều 21a về nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng; Điều 21b về các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm UB Tư pháp của Quốc hội băn khoăn về điều 21a và 21b quy định việc nổ súng. ẢNH: Quốc hội

Đến phần phát biểu của mình, bà Lê Thị Nga bày tỏ: “Ranh giới giữa việc thực thi nhiệm vụ và vi phạm các quy định khi nổ súng là rất mong manh”.

Theo bà Nga, cần phải phân định rõ quan điểm về vấn đề này. Những gì quy định trong điều hai điều luật có dẫn chiếu tới các luật chẳng hạn như Luật Cảnh vệ hay không.

Cạnh đó, bà Nga lưu ý đến nguy cơ khủng bố đang tràn lan trên thế giới và đặt vấn đề rằng: “Quy định nổ súng như thế liệu có đủ chi tiết và bao trùm hay không?”.

Đặc biệt, những quy định về nổ súng còn lưu ý rằng: không nổ súng khi biết đối tượng là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người cao tuổi.

“Không hiểu là BST có dự trù hết các tình huống không? Bởi khủng bố có thể sử dụng cả phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi”, bà Nga nói.

Phát biểu sau đó, Tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho hay: Quy định về nổ súng đã được nghiên cứu rất kỹ. Nhưng cho tới thời điểm này mới chỉ quy định được nguyên tắc và các trường hợp nổ súng như trong hai điều luật trong dự thảo.

“Khi thi hành nhiệm vụ thì anh em sẽ tuân thủ những nguyên tắc đó, còn nếu nêu cụ thể, chi tiết là rất khó”, Thứ trưởng Vương nói.

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương: "Khi nổ súng anh em sẽ tuân thủ nguyên tắc". ẢNH: Quốc hội

Đồng thời, ông cũng dẫn ra những trường hợp khủng bố bằng thuốc độc mới xảy ra trên thế giới gần đây và cho rằng: “Trường hợp đó lẽ ra là phải nổ súng tiêu diệt. Nhưng cũng rất khó biết được đối tượng mang theo thuốc độc hay không mà nổ súng”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nói: UB Thường vụ Quốc hội tán thành việc phân tách vấn đề nổ súng tại hai điều 21a và 21b để quy định chặt chẽ.

Một số quy định tại điều 21a và 21b

Điều 21a. Nguyên tắc sử dụng vũ khí quân dụng

2. Khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, việc sử dụng vũ khí quân dụng phải tuân theo các nguyên tắc sau:

c) Không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

Điều 21b. Các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự

1. Người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong các trường hợp sau:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;

b) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng, uy hiếp nghiêm trọng tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác;

c)Người đang bị truy nã, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác;đối tượng đang đánh tháo người bị giam, giữ, áp giải, dẫn giải do phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm;

d) Khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng;

2. Người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo trong những trường hợp sau:

a) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội khủng bố, giết người, bắt cóc con tin hoặc đang trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ khi vừa thực hiện xong hành vi phạm tội trên;

b) Đối tượng sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển hoặc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy trực tiếp sử dụng vũ khí, vật liệu nổ chống lại việc bắt giữ;

c) Đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc uy hiếp trực tiếp đến an toàn của đối tượng cảnh vệ, công trình quan trọng về an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng được bảo vệ theo quy định của pháp luật;

d) Đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác;

đ) Đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ;

e) Động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới