Ngày 11-10, Ủy ban Nobel Na Uy đã quyết định trao Giải Nobel Hòa bình 2024 cho tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật vì “những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân và chứng minh qua các nhân chứng rằng vũ khí hạt nhân không bao giờ được sử dụng nữa”.
Đây là lần thứ hai một cá nhân hoặc tổ chức Nhật được trao giải Nobel Hòa bình kể từ năm 1974, khi giải thưởng này được trao cho cựu Thủ tướng Nhật Eisaku Sato - người đã đưa ra ba nguyên tắc phi hạt nhân của Nhật là không sở hữu, sản xuất hoặc cho phép vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, theo hãng thông tấn Kyodo News.
Về Nihon Hidankyo
Theo trang web chính thức của tổ chức, Nihon Hidankyo được thành lập năm 1956, là tổ chức duy nhất của những người sống sót sau vụ ném bom nguyên tử tại hai TP Hiroshima và Nagasaki (Nhật) năm 1945, còn được gọi là Hibakusha.
Nihon Hidankyo có các tổ chức thành viên ở tất cả 47 tỉnh của Nhật, với tổng cộng 174.080 cá nhân tham gia và tất cả đều là nạn nhân của thảm họa ở Hiroshima và Nagasaki. Theo Nihon Hidankyo, nhiều nạn nhân của thảm họa hạt nhân 1945 đang sống ở nước ngoài và tổ chức đang nỗ lực bảo vệ cuộc sống và quyền của những người này.
Nihon Hidankyo hoạt động vì ba mục tiêu: (1) Phòng ngừa chiến tranh hạt nhân và xóa bỏ vũ khí hạt nhân; (2) Bồi thường từ chính phủ cho thiệt hại do bom nguyên tử, trong đó yêu cầu nhà nước chịu trách nhiệm vì phát động chiến tranh, dẫn đến thiệt hại do bom nguyên tử; (3) Cải thiện các chính sách và biện pháp hiện hành về bảo vệ và hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng do bom nguyên tử.
Hoạt động của tổ chức này bao gồm việc kể những câu chuyện về Hibakusha để thế giới biết về “những trải nghiệm của họ, thiệt hại thực tế và hậu quả của vụ ném bom nguyên tử, cả bên trong và bên ngoài Nhật”.
Nihon Hidankyo cũng đưa những nạn nhân của bom nguyên tử đến Liên Hợp Quốc, các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và các quốc gia và khu vực khác trên thế giới để truyền thông điệp. Bên cạnh đó, tổ chức này đòi quyền lợi cho các nạn nhân và gia đình nạn nhân thông qua vận động ban hành luật, các khoản bồi thường từ chính phủ. Các hoạt động này bao gồm chiến dịch vận động chữ ký, diễu hành, biểu tình,...
Theo trang web của Nihon Hidankyo, kể từ khi thành lập đến nay, tổ chức này đã trình hàng chục kiến nghị mỗi năm để thúc giục cả chính phủ và quốc hội thực hiện các bước cho cộng đồng thế giới biết mức độ thiệt hại do vụ ném bom nguyên tử gây ra.
Một số đạo luật mà Nihon Hidankyo thúc đẩy có thể kể đến như Đạo luật chăm sóc y tế cho nạn nhân bom nguyên tử năm 1957, Luật liên quan đến các biện pháp đặc biệt đối với bom nguyên tử năm 1968, Đạo luật hỗ trợ nạn nhân sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử năm 1994.
Nihon Hidankyo cũng đóng vai trò trong việc cung cấp tư vấn và hỗ trợ khác liên quan những khó khăn về sức khỏe và cuộc sống cho những nạn nhân của bom nguyên tử.
Vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân
Trong thông cáo trao giải Nobel Hòa bình 2024, Ủy ban Nobel Na Uy bày tỏ mong muốn “vinh danh tất cả những người sống sót” sau thảm họa bom nguyên tử ở hai TP Hiroshima và Nagasaki, “những người mặc dù phải chịu đựng nỗi đau về thể xác và ký ức đau thương, đã chọn dùng trải nghiệm đau đớn của mình để vun đắp hy vọng và chiến đấu cho hòa bình.
Nihon Hidankyo giúp chúng ta diễn tả những điều không thể diễn tả, nghĩ về những điều không thể tưởng tượng và bằng cách nào đó thấu hiểu được nỗi đau không thể hiểu nổi do vũ khí hạt nhân gây ra” - theo thông cáo của Ủy ban Nobel Na Uy
Ủy ban Nobel Na Uy nhấn mạnh một sự thật đáng khích lệ rằng không có vũ khí hạt nhân nào được sử dụng trong các cuộc xung đột trong gần 80 năm qua và những nỗ lực phi thường của Nihon Hidankyo đã đóng góp rất lớn vào việc thiết lập điều cấm kỵ hạt nhân (nuclear taboo).
Tuy nhiên, Ủy ban Nobel Na Uy quan ngại rằng điều cấm kỵ chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân này đang chịu áp lực. “Các cường quốc hạt nhân đang hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí của họ. Các quốc gia khác dường như đang chuẩn bị sở hữu vũ khí hạt nhân và đang có những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân trong các cuộc chiến đang diễn ra. Vào thời điểm này trong lịch sử loài người, chúng ta nên nhắc nhở bản thân về vũ khí hạt nhân: Đó là thứ vũ khí hủy diệt nhất mà thế giới từng chứng kiến” - theo thông cáo.
Ông Dan Smith - Giám đốc Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) nói với đài CNN rằng ông rất vui mừng khi Hibakusha được trao giải Nobel Hòa bình 2024.
“Như các nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Mỹ Ronald Reagan đã nói vào năm 1985, chiến tranh hạt nhân không bao giờ có thể giành chiến thắng và không bao giờ được phép tiến hành. Hibakusha nhắc nhở chúng ta về điều đó mỗi ngày. Ở Nagasaki, người ta nói rằng quả bom ở Nagasaki là lần thứ hai vũ khí hạt nhân được sử dụng trong chiến tranh: Hãy để nó là lần cuối cùng!” - ông Smith nhấn mạnh.
Nga: Nhóm P5 sẽ họp vào cuối tháng này
Ngày 10-10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói rằng 5 cường quốc hạt nhân trên thế giới (còn gọi là nhóm P5) dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp ở TP New York (Mỹ) vào cuối tháng này, theo hãng thông tấn TASS.
Nhóm P5 gồm Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh và Pháp. Hiện Nga đang giữ chức chủ tịch luân phiên của nhóm P5, và sẽ sớm được chuyển cho Trung Quốc.
"Chúng tôi chúc Trung Quốc thành công trong thời điểm khó khăn này. Nước này có thể tin tưởng vào sự hỗ trợ của chúng tôi và chúng tôi hy vọng rằng bộ ba nước phương Tây còn lại sẽ hành xử ít nhất mang tính xây dựng hơn một chút” - ông Ryabkov nói.
Ông Ryabkov cho biết các cuộc thảo luận của nhóm P5 sẽ được tổ chức trong phiên họp của Ủy ban thứ nhất Đại hội đồng Liên Hợp Quốc - cơ quan được giao nhiệm vụ giải trừ quân bị quốc tế và các vấn đề an ninh.