Nội bộ EU chia rẽ vì lệnh cấm nhập ngũ cốc Ukraine

(PLO)- Ngày càng nhiều thành viên EU cấm nhập ngũ cốc từ Ukraine và việc này đang đe dọa sự đoàn kết của khối trong việc ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến trước Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Nội bộ Liên minh châu Âu (EU) đang đứng trước một thách thức lớn trong việc đoàn kết ủng hộ Ukraine. Thách thức này liên quan đến việc nhập ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác từ Ukraine.

Ba nước EU cấm nhập ngũ cốc từ Ukraine

Ngày 17-4, Slovakia là thành viên EU mới nhất thông báo sẽ cấm nhập ngũ cốc và các sản phẩm nông nghiệp khác từ Ukraine để bảo vệ nông nghiệp trong nước, theo hãng tin AP. Như vậy đã có ba nước cấm nhập ngũ cốc từ Ukraine. Ba Lan và Hungrary ngày 15-4 đã thông báo áp lệnh cấm. Bulgaria ngày 17-4 cũng cho biết nước này đang xem xét lệnh cấm. Khả năng Romaia cũng sẽ áp lệnh cấm, theo hãng tin Reuters.

“Chúng tôi có khoảng 4 triệu tấn ngũ cốc Ukraine trong các kho chứa của mình và chúng tôi cần một thời gian để ổn định tình hình” - Đại sứ Ba Lan tại EU Andrzej Sadoś giải thích với POLITICO về lý do Ba Lan phải áp lệnh cấm.

Lý do các nước đưa ra là nhằm để bảo vệ ngành nông nghiệp trong nước trong bối cảnh nguồn cung dư thừa khiến giá thành nông sản giảm trên toàn khu vực. Theo Reuters, kể từ khi xung đột Nga - Ukrane nổ ra, một lượng lớn ngũ cốc Ukraine - vốn có giá rẻ hơn so với ngũ cốc sản xuất tại EU đã bị kẹt lại các quốc gia Trung Âu do tắc nghẽn hậu cần.

Phần đông thành viên EU và Ukraine chỉ trích động thái cấm “đơn phương” này từ các nước là “không thể chấp nhận được”. Trong ngày 17-4, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu ông Eric Mamer kêu gọi cùng đối thoại tìm giải pháp tôn trọng khuôn khổ pháp lý của EU. Ông Manner cảnh báo “cuộc chiến này rõ ràng gây ra hậu quả đối với nông dân, người dân Ukraine và cả EU cùng các nước thành viên”.

Cùng ngày 17-4, một phái đoàn các quan chức Ukraine đã đến thủ đô Warsaw (Ba Lan) để tham vấn với chính phủ Ba Lan về vấn đề này. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ukraine - ông Mykola Solsky hy vọng điều tối thiểu Ukraine có thể đạt được là ngũ cốc của Ukraine phải được phép quá cảnh qua Ba Lan. Theo ông Solsky,10% tổng lương thực xuất khẩu của Ukraine được vận chuyển đến và đi qua Ba Lan và 6% đi qua Hungary.

Tàu chở ngũ cốc đang chờ được kiểm tra theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen ký giữa Nga và Ukraine, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, tại khu neo đậu phía nam của Bosphorus ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 11-12-2022. Ảnh: REUTERS

Tàu chở ngũ cốc đang chờ được kiểm tra theo Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen ký giữa Nga và Ukraine, do Liên Hợp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian, tại khu neo đậu phía nam của Bosphorus ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 11-12-2022. Ảnh: REUTERS

Chia rẽ sâu thêm

Các động thái cấm này được cho sẽ làm trầm trọng thêm thách thức đối với EU trong việc hỗ trợ Ukraine vận chuyển ngũ cốc ra thị trường thế giới. Theo ghi nhận từ Reuters, sau khi Ba Lan và Hungary áp đặt lệnh cấm hôm 15-4, nhiều xe tải chở lương thực từ Ukraine đã bị kẹt ở biên giới, gây tình trạng tắc đường kéo dài.

Diễn biến chia rẽ mới này đặt ra thách thức lớn cho khối, đe dọa sự đoàn kết mong manh của EU trong việc ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến trước Nga, theo trang tin Politico. Động thái cũng cho thấy rạn nứt trong liên minh hỗ trợ Ukraine ở châu Âu, với khả năng xoáy thêm mâu thuẫn giữa các nước Đông và Tây Âu.

Trước diễn biến chia rẽ này, các thành viên EU đã nhanh chóng lên lịch họp trong tuần này thảo luận về các lệnh cấm trên. Chưa biết triển vọng đối thoại thế nào nhưng trước mắt các bên cho thấy quyết tâm phải vừa giải quyết vướng mắc, băn khoăn các bên và đảm bảo được sự đoàn kết trong khối trong ứng xử với Ukraine.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp CH Czech Zdeněk Nekula khẳng định: “Chúng ta phải tìm được sự đồng thuận trong toàn EU về các quy tắc theo đó các mặt hàng nông sản sẽ được vận chuyển từ Ukraine đến các cảng châu Âu và sản xuất từ các cảng đó sẽ đi xa hơn đến các quốc gia bên ngoài EU phụ thuộc vào sản xuất của Ukraine”.

Trong khi đó ông Jaroslaw Kaczynski, lãnh đạo đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền tại Ba Lan, khẳng định: “Việc chúng tôi là bạn bè và đồng minh của Ukraine vẫn không thay đổi, chúng tôi sẽ ủng hộ và hỗ trợ Ukraine”.•

Các ngoại trưởng G7 cảnh báo rắn các nước ủng hộ Nga

Sau hai ngày hội nghị tại thị trấn nghỉ mát miền núi Karuizawa của Nhật Bản, các ngoại trưởng của nhóm bảy cường quốc kinh tế hàng đầu (G7) đã ra tuyên bố chung cảnh báo rằng những nước giúp Nga gây chiến ở Ukraine sẽ phải đối mặt với “cái giá đắt”, theo hãng tin AFP. Các ngoại trưởng G7 tiết lộ không có biện pháp trừng phạt mới nào đối với Nga, tuy nhiên tuyên bố sẽ trấn áp các bên giúp Nga trốn tránh các biện pháp trừng phạt và mua vũ khí.

Theo AFP, đây là một mặt trận thống nhất của G7 đối với một thách thức chính sách quan trọng: Là Trung Quốc. Tuyên bố chung của các ngoại trưởng G7 đã gây ra phản ứng dữ dội từ Trung Quốc, cho rằng mình đã bị “vu khống và bôi nhọ một cách ác ý”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm