Nới cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây: Cần đồng bộ nút giao

Mới đây, Tổng Công ty ĐTPT & QLDA hạ tầng giao thông Cửu Long (Tổng Công ty Cửu Long) có tờ trình gửi Bộ GTVT về phương án mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây với số vốn gần 10.000 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nhiều người băn khoăn rằng việc mở rộng cao tốc mà chưa hoàn thiện các nút giao với cao tốc thì có giải quyết được tình trạng kẹt xe như hiện nay?
Ngán ngẩm cảnh kẹt xe 
Nút giao An Phú (quận 2) nằm ngay khu vực đường dẫn lên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Trong đó đường Mai Chí Thọ và Lương Định Của là hai tuyến dẫn vào cao tốc.
Nút giao này thường xuyên xảy ra tình trạng kẹt xe nghiêm trọng do xung đột giữa nhiều hướng và nhiều loại xe như xe container, xe máy, xe tải...
Cụ thể, lượng xe từ hướng đường Mai Chí Thọ và xa lộ Hà Nội đổ về nút giao này là rất lớn. Trong đó, nhiều xe máy tràn ra hết phần đường dành cho ô tô, một số thì leo vỉa hè. Bên cạnh đó, lượng xe trên đường Lương Định Của để vào cao tốc cũng luôn bị ùn ứ khiến tình hình giao thông trở nên phức tạp hơn.

Kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: HOÀNG GIANG

Anh Đinh Văn Tài, tài xế xe tải, cho biết: “Nếu nút giao An Phú mà chưa hoàn thiện thì có mở rộng cao tốc vẫn chẳng tránh được kẹt xe. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nên tính đến việc dời trạm thu phí quốc lộ 51 xa đường dẫn cao tốc hơn một chút để có thể giải phóng được lượng xe khi vào cao tốc”.

Còn tài xế Nguyễn Đình Trung (chạy tuyến TP.HCM - Đà Lạt) cũng cho rằng toàn tuyến cao tốc có hai nút thắt cổ chai thường xuyên gây tắc nghẽn là lối ra đường Mai Chí Thọ (khu nút giao An Phú) và trạm thu phí quốc lộ 51.
 “Mặt đường cao tốc có rộng ra tám làn hay 16 làn thì cũng chỉ làm cho thân chai to ra mà đầu chai và đuôi chai vẫn nhỏ thì cũng không có cách nào giải quyết được tình trạng kẹt xe” - anh Trung nói.

Sơ đồ cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và các nút giao liên quan.
Đồ họa: HỒ TRANG

 Đồng bộ cao tốc với các nút giao
KTS Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch đô thị, đánh giá trong tình hình hiện nay phương án mở rộng tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là rất cần thiết.
“Tuy nhiên, nếu chỉ tính đến việc mở rộng làn xe trên tuyến cao tốc mà không tính đến bài toán chuyển tiếp giữa cao tốc và đường nội đô thì cũng không giải quyết được ùn ứ” - ông Sơn nói.
Ông Sơn cũng cho rằng nếu mở rộng cao tốc lên tám làn xe thì những tuyến xung quanh nút giao An Phú phải tăng lên thành 12-16 làn. Điều này chúng ta có thể học tập theo các nước khác. Cụ thể, khi phương tiện giảm tốc độ từ cao tốc vào đô thị thì họ quy hoạch giao thông tăng số làn đường lên. Hệ quả của việc không tăng số làn là tình trạng kẹt xe không chỉ ở nút giao An Phú mà xe cộ sẽ xếp hàng dài trước khi đến nút này.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông TP.HCM (Ban giao thông), cho biết việc mở rộng cao tốc cần sự đồng bộ với nút giao. 
Thời gian qua, Ban giao thông được giao nhiều dự án với mục tiêu giải tỏa ùn tắc khu vực cao tốc và khu đông TP như các tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, Lương Định Của, Đỗ Xuân Hợp, đặc biệt là nút giao An Phú.
“Nút giao An Phú là dự án trọng điểm trong chủ trương đầu tư công của TP. Hiện nay khu vực này đã quá tải, ùn tắc giao thông kéo dài nên việc xây dựng nút giao hoàn chỉnh sẽ giúp khơi thông giữa trục cao tốc khi tiếp cận vào TP.HCM” - ông Phúc đánh giá.
Theo ông Phúc, dự án nút giao An Phú đã xin được nguồn vốn từ phía trung ương bổ sung cho TP, hiện đang trình chủ trương đầu tư công lên HĐND TP. 
“Giai đoạn 1, trước mắt ưu tiên xây dựng hai hầm chui kết nối với trục cao tốc về đường Mai Chí Thọ. Giai đoạn tiếp theo là xây dựng cầu vượt đường Lương Định Của và đường Mai Chí Thọ” - ông Phúc thông tin.•
Ba lý do mở rộng cao tốc
Theo Tổng Công ty Cửu Long, việc mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây có nhiều lý do khác. 
Thứ nhất: Cao tốc đã quá tải. Số liệu năm 2019 cho thấy lưu lượng trung bình đoạn đầu tuyến này là 52.414 PCU/ngày đêm (PCU là đơn vị xe con quy đổi), ngày lễ, tết, cuối tuần lưu lượng đạt gần 57.000 PCU/ngày đêm. Trong đó, với quy mô hiện tại, đường cao tốc này chỉ đáp ứng được khoảng 44.000 PCU/ngày đêm.
Thứ hai: Cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây được xem là tuyến giao thông quan trọng bậc nhất khu vực. Đường cao tốc này là một phần của đường trục cao tốc Bắc - Nam phía đông, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. 
Thứ ba là thuận lợi về nguồn vốn. Ngày 3-6, ông Akira Shimizu, Trưởng đại diện JICA, đã có buổi làm việc và thị sát hiện trường tuyến đường cao tốc này. Qua đó, JICA rất quan tâm tài trợ vốn cho dự án. Ngay sau đó, Tổng Công ty Cửu Long đã có văn bản gửi JICA đề nghị xem xét tài trợ vốn đầu tư dự án.
“Từ những cơ sở phân tích như trên, có thể nhận thấy việc nghiên cứu đầu tư mở rộng cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp bách…” - ông Trần Văn Thi, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long, nêu trong văn bản gửi Bộ GTVT.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới