1/3 sản xuất kinh tế của thế giới sẽ khu trú trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo tổ chức này, có 67 quốc gia với tổng khối lượng sản xuất kinh tế là 44.000 tỉ USD, tức 32.000 tỉ euro sẽ phải chịu tác hại từ những hiện tượng khí hậu nghiêm trọng nhất xảy ra ngày càng nhiều trên hành tinh như bão lũ, hạn hán và nước biển dâng.
Maplecroft đã đánh giá tác động của biến đổi khí hậu lên 193 nước với các hệ lụy có liên quan về sức khỏe, giáo dục, khai thác nông nghiệp và cơ sở hạ tầng, đồng thời dự đoán về khả năng ứng phó với hiện tượng này từ các cấp chính quyền địa phương.
Kết quả nghiên cứu cho thấy có 10 nước chịu rủi ro nhiều nhất cũng là những nước nằm trong danh sách các nước nghèo nhất, đó là Bangladesh, Guinea-Bissau, Sierra Leone, Haiti, Sudan, Nigeria, Cộng hòa Dân chủ Congo, Campuchia, Philippines và Ethiopia. Song, một vài nước có mức tăng trưởng kinh tế nhanh có thể cũng phải chịu ảnh hưởng lớn từ biến đổi khí hậu.
Các nước như Ấn Độ đứng thứ 20, Pakistan đứng thứ 24. Việt Nam đứng thứ 26, được xếp trong danh sách các nước “có khả năng chịu rủi ro cao nhất”, trong khi Indonesia đứng thứ 38, Thái Lan đứng thứ 45 và Trung Quốc đứng thứ 61, được xếp vào danh sách các nước “có nguy cơ cao”.
Ví dụ cụ thể nhất là cơn bão Phailin vừa qua đã tàn phá vùng bờ biển miền Đông Ấn Độ vào ngày 12-10 khiến 14 người chết và gây thiệt hại 4,15 tỉ USD trong lĩnh vực sản xuất thực phẩm, nông nghiệp và khai thác mỏ, chỉ riêng đối với bang Orissa.
Ngược lại, những nước khu vực Bắc Âu sẽ ít chịu ảnh hưởng nhất, đó là các nước Iceland, Na Uy, Ireland, Phần Lan, Luxembourg và Đan Mạch. Tại Bắc Mỹ, Hoa Kỳ (đứng thứ 158) được đánh giá là quốc gia “ít có nguy cơ chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu” mặc dù nước này có nhiều khu vực ven biển luôn phải hứng chịu bão lớn và đối mặt với hiện tượng nước biển dâng.
Ngoài việc nghiên cứu tình hình các quốc gia, Maplecroft cũng liệt kê ra 50 thành phố lớn phải chịu rủi ro nhiều nhất, trong đó năm đô thị bị đe dọa nhiều nhất là Dacca (Bangladesh), Bombay (Ấn Độ), Manille (Philippines), Calcutta (Ấn Độ) và Bangkok (Thái Lan).
TƯỜNG NGUYỄN (Theo Le Monde)