Giai điệu mùa thu 2017 vừa khép lại vào tối Chủ nhật (27-8) sau hơn một tuần sáng đèn với 12 chương trình nhạc kịch, hòa nhạc thính phòng, giao hưởng và múa đương đại. Có thể nói đây là một mùa giai điệu quyến rũ rộn ràng nhất trong 11 mùa Giai điệu mùa thu.
Chen chúc với Con dơi
Liên tục 12 suất diễn âm nhạc cổ điển kín khán giả, có suất diễn cháy vé… là một điều không phải địa phương nào cũng làm được. Và với khán giả lẫn nghệ sĩ yêu mến dòng nhạc này, họ đã được trải qua một mùa âm nhạc gần trọn vẹn. Sở dĩ chỉ gần trọn vẹn bởi từ khán giả đến nghệ sĩ đều nhận ra rằng nếu trong một không gian khác, nhiều chương trình, tiết mục của Giai điệu mùa thu sẽ đặc sắc hơn.
Điểm nhấn của Giai điệu mùa thu năm nay chính là việc lần đầu tiên công diễn vở operetta kinh điển 140 năm tuổi của âm nhạc thành Vienna - Con dơi (Die Fledermau - nhà soạn nhạc Johann Strauss).
Và để có lần đầu tiên này, nghệ sĩ Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) đã vất vả suốt gần cả năm. Bởi chỉ một tháng ngay trước khi Giai điệu mùa thu mở màn, rạp Thanh Vân (quận 3) mới được HBSO kêu gọi đầu tư sửa chữa xong đủ để cho 200 nghệ sĩ tập cùng lúc. Trước đó, tất cả vở nhạc kịch, vũ kịch... trên 100 nghệ sĩ muốn diễn đều phải xé lẻ ra tập từng nơi, chỉ tập trung lại tổng duyệt khi mượn được Nhà hát TP.HCM. Cho đến hiện tại, mỗi buổi diễn tại Nhà hát TP.HCM là mỗi bận HBSO phải chở nhạc cụ từ rạp Thanh Vân sang Nhà hát TP.HCM, diễn xong lại khệ nệ chở về.
Các nghệ sĩ chen chúc trong operetta Con dơi lần đầu công diễn tại Giai điệu mùa thu 2017. (Ảnh do HBSO cung cấp)
Ngay trong tối công diễn Con dơi, khán giả vui mừng vì sự tiến bộ của dàn giao hưởng lẫn thanh nhạc chừng nào thì buồn cho việc thiếu một không gian biểu diễn chừng đó. Dàn nhạc để biểu diễn vở Con dơi tại nhiều nước ít nhất cũng phải 70 nghệ sĩ thì buổi diễn của HBSO căng hết sức chỉ đủ chỗ chứa 50 nghệ sĩ, trong đó nhiều nhạc cụ lớn đã phải dời sang hai cánh gà. Khi dàn nhạc bị “ép” ngồi dưới sân khấu thì khán giả hàng đầu rất khó để tập trung thưởng thức vở diễn bởi dàn nhạc sát rạt ngay chân họ, hoàn toàn thiếu một khoảng không để “thở” giữa khán giả và nghệ sĩ.
Mặt ngang sân khấu cho một vở operetta, ballet… ít nhất cũng phải 18-20 m, trong khi đó mặt thật sân khấu của Nhà hát TP.HCM chỉ 9 m, vì thế Con dơi rơi vào cảnh hàng chục nghệ sĩ chen chúc trên sân khấu, đến vai ai solo thì “nhào ra” cách nhau chừng 2 m. Những khán giả có mặt xem vở diễn Con dơi hài lòng bởi “tay nghề” của nghệ sĩ HBSO đã lên nhưng buồn hơn với sự thiếu đầu tư cho một nhà hát.
Đoàn múa đang tìm kiếm nơi để thuê
NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, chia sẻ: “Vở Con dơi đã là một đánh dấu khi chúng tôi có không gian tập chung cho gần 200 nghệ sĩ nhờ sửa được rạp Thanh Vân. Thế nhưng đến giờ cảnh mỗi đoàn mỗi nơi tập vẫn diễn ra. Hiện chúng tôi đang chạy đôn chạy đáo tìm điểm tập cho đoàn vũ kịch với khoảng 30 nghệ sĩ. Trước đây, đoàn vũ kịch tập ở Trường Múa TP.HCM nhưng rồi bên đó cũng có lịch dày đặc của sinh viên nên chúng tôi không thuê được. Một thời gian rồi chúng tôi thuê tại 81 Trần Quốc Thảo nhưng ở đây cũng vừa chấm dứt hợp đồng với đoàn múa. Muốn diễn đầy đủ, sống một vở nhạc kịch, vũ kịch… từ dàn nhạc, hát, cảnh trí… thì đòi hỏi một không gian biểu diễn phải lớn hơn gấp đôi Nhà hát TP.HCM hiện tại. Thế nên giờ mình chỉ có không gian nhiêu đó, mình đành phải thu gọn phân nửa mà thôi”.
Thực tế việc thiếu một nhà hát để biểu diễn giao hưởng, nhạc, vũ kịch là câu chuyện của hơn 40 năm qua. Với các quốc gia, đô thị lớn thì nhà hát giao hưởng chính là bộ mặt, là niềm tự hào. HBSO từng được đầu tư 40 tỉ đồng nhạc cụ, hàng trăm nghệ sĩ được đào tạo bài bản… thế nhưng đến nay tập thể đó vẫn chưa có một nhà hát. Và HBSO cũng từng nhận được lời hứa từ 18 năm trước với đề án xây dựng một nhà hát.
Biết bao giờ TP.HCM có một nhà hát thật, không phải trên giấy như 18 năm qua, để ở đó nghệ sĩ âm nhạc cổ điển được thỏa lòng, khán giả bỏ tiền mua vé mà thấy mình được tưởng thưởng?
Sắp tới, Ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP.HCM sẽ có những buổi làm việc với các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn TP.HCM. Với lĩnh vực âm nhạc, đáng chú ý là buổi làm việc với HBSO vào sáng 1-9. Thực tế dự án xây dựng nhà hát đã được lên phương án và ký từ năm 1999 nhưng đến nay đã rất nhiều sự im lặng, bỏ qua. “Phương án nhà hát gần nhất vẫn là xây dựng tại Thủ Thiêm còn khu vực Công viên 23-9 chúng tôi nghe tin hành lang là đã bán rồi, không còn cho nhà hát nữa. Trong quyết định được phó chủ tịch UBND TP.HCM là ông Nguyễn Thành Tài từng ký thông báo với Sở Văn hóa TP.HCM và nhà hát về đề án xây dựng nhà hát tại khu đất 23 Lê Duẩn (quận 1) vẫn còn. Thế nhưng đến giờ mảnh đất đó cũng đã bán hơn 1.400 tỉ đồng mà chúng tôi không hề nhận được một thông báo nào. Mặc dù để có mảnh đất đó Sở Văn hóa đã phải giao hai mảnh đất khác để thay thế cho Công ty Xổ số TP.HCM” - NSƯT Trần Vương Thạch cho biết. ___________________________ “Cho đến giờ TP.HCM vẫn không thể là điểm đến trong các chuyến lưu diễn hằng năm của các dàn nhạc lớn trên thế giới và chúng tôi không đủ can đảm mời một dàn nhạc đầy đủ trên 100 người đến diễn bởi chúng tôi không có một không gian để họ diễn. Mình không cần xấu hổ khi nói về điều này bởi đó là thực tế. Chúng ta chỉ có đoàn trong nước, vài nghệ sĩ nước ngoài; như đoàn múa London mấy năm trước sang họ chỉ sang ba cặp vì không đủ chỗ để họ nhảy; dàn nhạc Petronas sang diễn ngoại giao cũng phải tinh giản dàn nhạc và trong quá trình diễn chia dàn nhạc nhỏ ra cho từng tác phẩm bởi chẳng có chỗ ngồi diễn…” - NSƯT Trần Vương Thạch. |