Liên tục trong tám ngày, từ ngày 19 đến 27-8, khán phòng Nhà hát TP.HCM sẽ tràn ngập với 12 chương trình nhạc kịch, hòa nhạc thính phòng của Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu 2017.
Lần đầu công diễn Con dơi 140 tuổi
Đã 10 mùa Giai điệu mùa thu đi qua nhưng bước vào năm thứ 11, Giai điệu mùa thu vẫn không hề kém rộn ràng mà còn nhiều chương trình hơn, thu hút nhiều nghệ sĩ trong nước lẫn quốc tế hơn. Đây là năm Giai điệu mùa thu thu hút hơn 200 nghệ sĩ tham gia chương trình, trong đó nghệ sĩ múa gần 30 người, 40 nghệ sĩ solo và hợp xướng cùng hơn 100 nghệ sĩ của dàn nhạc giao hưởng.
Trong tất cả 12 suất diễn của Giai điệu mùa thu năm nay, vở diễn lớn và thu hút nhiều nghệ sĩ nhất chính là vở Operetta kinh điển 140 năm tuổi của thành Vienna - Con dơi (Die Fledermaus) của nhà soạn nhạc Johann Strauss (tối 19 và 20-8). Sau Kẹp hạt dẻ, Cây sáo thần…, Con dơi sẽ đánh dấu một bước tiến của Nhà hát nhạc giao hưởng vũ kịch TP.HCM (HBSO) ở phần dàn dựng, biểu diễn. Bởi ngoài hàng trăm nghệ sĩ của TP.HCM, Con dơi còn được đạo diễn David Hermann, nhạc trưởng Askan Siegfried Geisler từ Đức sang hỗ trợ dàn dựng, biểu diễn. Hai nghệ sĩ Đức đã sang TP.HCM từ ba tháng nay để cùng một số huấn luyện viên thanh nhạc, ngôn ngữ đến từ Đức và chỉ huy hợp xướng Trần Nhật Minh tập dợt.
Nhà thiết kế Quỳnh Paris, người tài trợ thực hiện toàn bộ trang phục vở diễn, chia sẻ: “Dù một tác phẩm cổ điển châu Âu nhưng tôi chọn thiết kế trang phục vẫn có những dung hòa với Á Đông và Việt Nam thông qua màu sắc cùng những đường cắt cúp trên trang phục. Việc dung hòa này còn giúp khán giả dễ dàng tìm thấy một chút Việt Nam trong đó”.
Không chỉ ở trang phục, nhạc trưởng Askan Siegfried Geisler cũng cho biết: “Tôi sang tập từ ba tháng nay và vở sẽ hoàn toàn sử dụng diễn viên Việt bởi chúng tôi và nhạc trưởng Trần Nhật Minh đều muốn vở diễn này được tái diễn nhiều lần nữa”.
Soprano Phạm Khánh Ngọc biểu diễn trong vở nhạc kịchCây sáo thần. Ảnh: HBSO
Những cái bắt tay đa dạng
Bên cạnh Con dơi, hàng loạt tác phẩm cổ điển lẫn đương đại mới được dàn dựng và công diễn trong kỳ Giai điệu mùa thu này. Đây là mùa đầu tiên HBSO mở rộng kết hợp cùng Nhạc viện TP.HCM. “Từ khoảng một năm nay, HBSO mở rộng hợp tác với khoa Guitar của Nhạc viện TP.HCM. Điều này giúp chúng tôi có những chương trình biểu diễn guitar cho giới trẻ và miễn phí cho công chúng định kỳ trước sảnh Nhà hát TP.HCM. Điều này cũng giúp chúng tôi giới thiệu được bộ mặt mới của guitar, đó là không chỉ dừng ở trình diễn theo kiểu cổ điển mà guitar lần này còn kết hợp với soprano, với flute…” - nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy, Trưởng khoa Guitar Nhạc viện TP.HCM, thành viên tứ tấu guitar Sài Gòn, chia sẻ.
Hay một điểm nhấn lớn đánh dấu lần đầu tiên bốn nghệ sĩ vĩ cầm thượng thặng của Việt Nam: Bùi Công Duy, Chương Vũ, Trần Hữu Quốc và Gregory Lee cùng biểu diễn trong đêm hòa nhạc thính phòng Tám mùa. Ở đây, bốn nghệ sĩ sẽ kết hợp cùng những nhạc công của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và quốc tế trong International Chamber Players.
Lâu nay khán giả thường biết đến với giao hưởng Bốn mùa của nhà soạn nhạc Antonio Vivaldi thì hòa nhạc Tám mùa lần này là sự kết hợp Bốn mùa của Vivaldi cùng bản giao hưởng Bốn mùa Buenos Aires của Astor Piazzolla. Sự kết hợp này sẽ giúp khán giả thấy thú vị, mới mẻ hơn bởi âm nhạc của Piazzolla rất nhiều màu sắc trên giai điệu tango cổ điển.
Đến gần hơn với khán giả trẻ
Mỗi mùa Giai điệu mùa thu là mỗi mùa những người làm chương trình lẫn khán giả mong chờ. Ngoài mong chờ những tác phẩm công diễn đầu tiên, ở đó còn là sự mong chờ để mỗi lần trở lại, Giai điệu mùa thu lại thêm rộn ràng. Ngay bản thân chính đơn vị tổ chức là HBSO đã có những trở mình ngoạn mục trong tổ chức để Giai điệu mùa thu đến gần hơn khán giả trẻ. Đơn cử như việc Giai điệu mùa thu năm nay đã xuất hiện trên nhiều mạng xã hội, có những clip ngắn giới thiệu hài hước về vở Con dơi hay các tác phẩm biểu diễn. “Clip giới thiệu tác phẩm Con dơi mới đăng tải đã có hơn 10.000 lượt tương tác thông qua Facebook, điều đó càng giúp chúng tôi thấy cần đẩy mạnh thêm thông tin trên các trang mạng xã hội để bạn trẻ đến gần hơn với âm nhạc cổ điển” - ông Nguyễn Minh Tân, điều phối truyền thông của Giai điệu mùa thu, chia sẻ.
Nhiều người vẫn nhớ Giai điệu mùa thu từ mùa đầu tiên 2005 đã từng mong ước sẽ trở thành một liên hoan nghệ thuật tầm cỡ quốc tế. Nhưng đã hơn 10 mùa qua HBSO vẫn gặp vô vàn điều khó, mà lớn nhất là một nhà hát đủ tiêu chuẩn mãi trên giấy. Dẫu vậy, tự thân nhà hát vẫn âm thầm đặt những mối quan hệ để khi chương trình mỗi ngày một lớn hơn, đến khi có nhà hát thì cả điều kiện vật chất, tài năng... đủ đáp ứng và ngẩng mặt đón bạn bè quốc tế đến diễn.
NSƯT TRẦN VƯƠNG THẠCH, Giám đốc HBSO: Sẽ có hẳn những dàn nhạc quốc tế đến biểu diễn Nếu có một dàn nhạc quốc tế đến diễn sẽ là cột mốc của Giai điệu mùa thu bởi từ trước đến nay chương trình chỉ mới tiếp đón những nhóm biểu diễn thính phòng quốc tế tầm 6-7 nghệ sĩ chứ chưa có được những dàn nhạc vài chục đến hơn trăm người biểu diễn. Chúng tôi đã có những kết nối với những dàn nhạc từ Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand… với ước mong đưa Giai điệu mùa thu trở thành một liên hoan nghệ thuật châu Á-Thái Bình Dương. |