Nỗi lo COC!

Các nước ASEAN mong mỏi Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC). Trong khi đó, trong quá trình đàm phán về COC, Bắc Kinh vẫn tiếp tục quân sự hóa các đảo nhân tạo trên biển Đông. Vì lẽ đó, các nước đã tỏ thái độ hoài nghi khi Trung Quốc (TQ) tuyên bố sẽ cùng ASEAN hoàn thành bộ khung COC trong năm nay.

COC chỉ mang ý nghĩa tượng trưng?

Các nước hoài nghi cũng có cơ sở. Năm nay, hai vòng đàm phán về bộ khung COC đã được tổ chức ở Bali và Siem Reap vào tháng 2 và tháng 3. Thế nhưng TQ vẫn tiếp tục xây dựng bảy đảo nhân tạo và bây giờ đã đủ khả năng triển khai máy bay chiến đấu trên ba đảo.

Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao hàng đầu của ASEAN ghi nhận một số nước ASEAN nghĩ rằng COC chỉ là mánh khóe câu giờ của TQ cho đến khi TQ đạt được các mục tiêu chiến lược. Ông tiết lộ đến giờ này các chi tiết soạn thảo của COC chủ yếu tương tự như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC).

Một nhà ngoại giao khác thuộc các nước ASEAN cho biết bộ khung COC tiếp tục khẳng định phần lớn các điểm quan trọng của DOC, tuy nhiên thách thức lớn nhất là “làm sao để TQ chấp thuận một bộ ứng xử ràng buộc về pháp lý”.

Một nhà ngoại giao trong Ban Thư ký ASEAN cho biết các bên vẫn đang khẩn trương để đạt được bộ khung COC trong năm nay nhưng ASEAN vẫn lo ngại kết quả chung cuộc.

Chuyên gia Richard Heydarian ở ĐH De La Salle tại Manila (Philippines) nhận xét chiến lược của TQ là trưng ra hình ảnh một bên liên quan có trách nhiệm, đồng thời tránh né các nguyên tắc có thể làm suy yếu vị thế địa-chính trị của TQ.

Ông cho rằng TQ muốn hoàn thành một bộ khung COC tượng trưng để nói với Mỹ rằng TQ đã quan tâm đến ASEAN, dù vậy khuôn khổ COC sẽ không đủ quan trọng để hạn chế TQ đáp trả nếu Mỹ cứng rắn hơn.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN tại Manila (Philippines) ngày 29-4. Ảnh: AP

Giảm nhiệt biển Đông trước đã

Báo The Straits Times đưa tin ngày 28-4, phát biểu từ Manila nhân dịp tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 30, Bộ trưởng Ngoại giao Singapore Vivian Balakrishnan khẳng định ông khá tự tin bộ khung COC sẽ hoàn thành giữa năm nay.

Ông nhận xét ý chí chung của ASEAN và TQ là đạt được thỏa thuận về các định hướng cơ bản cho COC vì điều quan trọng là củng cố lòng tin và giảm nhiệt ở biển Đông. Ông lạc quan nhận định mọi việc đang tiến triển theo chiều hướng tích cực.

Ông nhận xét bộ khung COC sẽ mở đường đàm phán về một bộ quy tắc ứng xử ràng buộc về pháp lý và là chặng đường quan trọng để củng cố lòng tin, ý thức hợp tác giữa TQ và ASEAN.

Trả lời hãng tin Bernama (Malaysia) sau cuộc gặp song phương với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Manila ngày 28-4, Thủ tướng Malaysia Najib Abdul Razak tuyên bố: “COC phải ràng buộc về pháp lý đối với các bên nhằm bảo đảm hòa bình và ổn định liên tục ở biển Đông”.

Ông tuyên bố Việt Nam cũng có quan điểm tương tự rằng biển Đông phải là khu vực hòa bình và ổn định. Ông cho biết Malaysia và Việt Nam cùng nhận thức khu vực không thể bị quân sự hóa và tình hình căng thẳng ở biển Đông chưa bao giờ cao như mức độ quan sát hiện nay.

Trước thông tin quan ngại COC sẽ kém giá trị bởi Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa ở biển Đông, ông chỉ nói: “Chúng tôi hiểu đây là vấn đề nhạy cảm và yêu cầu các bên phải tuân thủ luật pháp quốc tế”.

COC sẽ ngăn chặn hành động đơn phương

Trong ngày 28-4, Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh phát biểu với Reuters một COC giữa ASEAN và TQ phải ràng buộc về pháp lý để chấm dứt các hành động đơn phương trên biển Đông.

Ông cho biết trong quá trình đàm phán về bộ khung COC trong năm nay, ASEAN không nhận được bất kỳ bảo đảm nào từ TQ, dù vậy ASEAN vẫn hy vọng hàng loạt quy tắc sẽ được nhất trí, sẽ tránh tranh chấp và quân sự hóa.

Ông giải thích đối với ASEAN, bộ khung COC phải bao gồm các yếu tố quan trọng và ràng buộc về pháp lý. Ông nói: “Đây là việc hệ trọng… vì diễn biến phức tạp trên biển Đông, đặc biệt là hoạt động tôn tạo, quân sự hóa và mọi hành động đơn phương. Trong bối cảnh đó, có một công cụ ràng buộc về pháp lý đủ sức cảnh báo và quản lý các sự cố như thế là điều rất quan trọng”.

Song song theo đó, trả lời báo South China Morning Post, Tổng thống Indonesia Joko Widodo nhận xét để đạt đến COC cần phải có thời gian. Bởi thế ông đề nghị trong giai đoạn quá độ trước khi có COC, các nước tranh chấp cần hợp tác cụ thể bằng việc thực hiện các dự án chung về nghiên cứu tài nguyên biển, cải thiện cơ sở hạ tầng biển và phát triển ngành công nghiệp đánh cá để củng cố lòng tin.

Tình hình phức tạp ở châu Á-Thái Bình Dương buộc Mỹ phải xem xét TQ như đối tác trong việc xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, để cảnh báo TQ, Mỹ vẫn cam kết sẽ thúc đẩy các chiến dịch tự do hàng hải sắp tới ở biển Đông và đề nghị các nước khác cũng làm như thế.

Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương (Mỹ), đã tuyên bố như trên trong buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ hôm 26-4. Ông khẳng định TQ quân sự hóa ở biển Đông là một thực tế và TQ vẫn tiếp tục chiến lược có phương pháp nhằm kiểm soát biển Đông.

Hôm 27-4, phát biểu tại Viện Brookings, Đô đốc John Richardson, Tư lệnh Hải quân Mỹ, tuyên bố ông mong muốn hợp tác quốc tế rộng rãi hơn trong các chiến dịch tự do hàng hải ở biển Đông. Ông mô tả tự do hàng hải là hành động thể hiện thái độ ủng hộ luật pháp quốc tế.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm