MIỀN TRUNG TRONG CƠN ĐẠI HẠN - BÀI 3:

Nỗi lo dân đói

Báo cáo về tình hình nước cung cấp cho thủy điện A Vương, ông Nguyễn Văn Lê - Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thủy điện A Vương cho biết chỉ tính từ đầu năm đến nay, lưu lượng nước từ sông A Vương chảy về hồ chứa rất thấp. Trong tháng 1 là 22,6 m3/giây; tháng 2 là 15,5 m3/giây; tháng 3 là 14,4 m3/giây và đến những ngày đầu tháng 7 này thì lưu lượng nước về hồ đạt mức thấp kỷ lục. Hệ thống máy phát chỉ hoạt động hơn 60% công suất.

Sông biến thành khe

Các sông như Vu Gia, Thu Bồn, Trường, Tranh, A Vương, Lăng, Bung (Quảng Nam)… cạn kiệt và rớt xuống mực nước chết mà từ trước tới nay chưa từng có tiền lệ. Men theo các tuyến đường chính từ Phú Ninh - Tiên Phước - Bắc Trà My lên tới Nam Trà My, chạy từ Đà Nẵng - Đông Giang lên Tây Giang, những con sông oằn mình chịu đại hạn. Sông Lăng, A Vương vào mùa lũ hung dữ và mạnh mẽ là thế, vậy mà giờ như một lạch nước nhỏ giữa rừng núi. Sông Vu Gia, Thu Bồn vốn tự hào là nước be bờ quanh năm, vậy mà bây giờ đò ngang nằm phơi bãi cả mấy tháng trời. Những người chèo đò thuê chở khách qua sông cũng hết đường làm ăn vì người dân có thể lội bộ từ bên này qua bên kia sông.

Lòng sông trơ đáy, nham nhở những hố đất bị đào sâu như những cái giếng để tìm vàng, đãi vàng. Máy móc, sức người ồ ạt kéo nhau về vùng rừng núi Quảng Nam để khai thác vàng vì chưa năm nào thuận lợi như năm nay. Các dòng sông tại địa phương này đã chết, nhường chỗ cho máy móc cày xới tìm kiếm vàng với sức tàn phá kinh hoàng.

Có thể nói rằng một trong những nguyên nhân làm cho các dòng sông ở Quảng Nam chết là do việc đồi núi bị cạo trọc, rừng bị tàn phá và việc ồ ạt xây dựng hàng loạt thủy điện lớn nhỏ tích nước vào mùa hạn hán và xả nước không đúng quy trình. Cạnh đó, việc chặt phá một diện tích rộng lớn rừng đầu nguồn để làm hồ, vành đai hồ chứa cộng với nạn khai thác gỗ tràn lan đã dẫn đến chất lượng rừng giảm sút đến mức đáng quan ngại.

Nỗi lo dân đói ảnh 1

Sông đầu nguồn tỉnh Quảng Nam cạn nước, người dân thi nhau đào, đãi vàng. Ảnh: LÊ PHI

Hiện tại, nhiều người dân Quảng Nam và Đà Nẵng đã phải đi xa hàng chục cây số để lấy nước. Thậm chí mới đây vì thiếu nước trầm trọng mà một cái giếng nằm bên nghĩa địa ở xã Tam Hòa (huyện Núi Thành, Quảng Nam) có hàng ngàn người dân chen nhau múc dù nước đục ngòm và ô nhiễm.

Một cán bộ làm việc ở thủy điện sông Bung cho biết: “Diện tích rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ đầu nguồn giảm sút làm mất đi khả năng điều tiết nước, giữ nước của các lưu vực sông. Khi có mưa nước sông lên nhanh, khi không có mưa sông cạn kiệt nước và khô hạn trầm trọng xảy ra đó là điều tất yếu”.

Đồng khô, dân có nguy cơ đói

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, mùa khô năm nay gần 10.000 ha lúa bắc Quảng Nam, Đà Nẵng không đủ nước tưới và đứng trước nguy cơ mất mùa. Ông Phạm Hữu Kinh - Phó Phòng NN&PTNT huyện Điện Bàn cho biết: “Trạm bơm Tứ Câu không thể hoạt động vì nước sông đã kiệt, tình trạng xâm nhập mặn đã xuất hiện ở các kênh rạch. Năm nay, diện tích lúa mất trắng sẽ rất lớn”.

Cũng ở tình trạng trên, tại trạm bơm Cầu Đỏ (Đà Nẵng) đã không thể lấy nước từ sông Vu Gia để phục vụ nông nghiệp cũng như dân sinh vì sông đã chết. Trên dòng sông này chỉ còn là những cái vũng.

Nỗi lo dân đói ảnh 2

Sông A Vương (Tây Giang, Quảng Nam) chỉ còn là một lạch nước nhỏ. Ảnh: LÊ PHI

Theo ghi nhận, tại các cánh đồng thuộc huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, ruộng lúa chết rạt héo hắt trong nắng. Mặt ruộng nứt toác bằng hai, ba ngón tay người lớn. Những mảnh ruộng đã được cày ải nằm lay lắt không có nước để gieo cấy nên đành bỏ hoang. Dẫn chúng tôi xuống ruộng lúa nhà mình, anh Nguyễn Văn Đang (thôn 2, xã Điện Ngọc, Điện Bàn) than thở: “Cả nhà sáu miệng ăn đều nhìn vào tám sào lúa. Giờ lúa đang chết cháy vì không có nước, nhà tui phải cõng nợ mấy triệu đồng tiền giống má, phân bón... Giờ thì chỉ biết ngửa mặt than trời thôi, chú ạ!”.

Cố cứu từng cây lúa

Ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đi thực tế tình hình hạn hán cho biết: “Các dòng sông vốn cấp nước cho địa phương nay đã cạn kiệt. Đà Nẵng đã phải huy động một lượng lớn gồm 60 máy bơm để bơm nước về các hồ dự trữ cứu lúa nhưng vẫn khó xoay chuyển được tình hình”.

Được biết, để cứu diện tích lúa, hoa màu, ao hồ… chính quyền Đà Nẵng trước mắt phải chi hơn 2 tỉ đồng để chống chọi với đại hạn. Ngày 28-6, Sở NN&PTNT TP Đà Nẵng đã phải có kiến nghị “cầu cứu” Chính phủ xin hỗ trợ khẩn cấp 1 tỉ đồng. Đây là năm đầu tiên Đà Nẵng xin tiền cứu trợ vì nắng nóng và hạn hán.

Nỗi lo dân đói ảnh 3

Mặt đất nứt toác, lúa chết héo trên các cánh đồng ở huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng). Ảnh: LÊ PHI

Ông Trương Văn Lân - Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi Đà Nẵng cho biết: “Tại hồ Đồng Nghệ, mực nước giảm nhanh chưa từng thấy. Hồ Hòa Trung cũng rơi vào thảm cảnh trên vì nắng hạn kéo dài”.

Theo đó, tại hồ Đồng Nghệ, mực nước giảm nhanh từ 26,50 m rớt xuống mức báo động. Nếu lấy cao trình mực nước hiện tại (25,4 m) trừ đi cao trình đáy cống 19,10 m (mực nước chết) thì hồ chỉ còn chứa một lượng nước có chiều cao đúng 3,2 m. Hồ Hòa Trung cũng chỉ còn 7,6 m. Với cấu trúc hồ hình lòng chảo, càng xuống thấp nước càng ít và áp lực càng thấp thì trong vài ngày tới nếu tiếp tục nắng nóng thì hồ sẽ trơ đáy, tình trạng thiếu nước trầm trọng không cứu vãn được sẽ xảy ra.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM,ông Huỳnh Vạn Thắng cho biết: “Nắng nóng kéo dài cùng với việc sông ngòi khô cạn đã làm cho việc thiếu nước nguy cấp hơn bao giờ hết. Hiện tại hơn 1.000 ha lúa đang chết cháy, diện tích lúa còn lại cũng lay lắt trong nắng nóng. Cứ tình hình này, năm nay nông dân sẽ đói. Chúng tôi đang cố cứu từng hecta lúa, ưu tiên bơm những nơi còn có thể cứu vãn được”.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm