Nỗi lo ‘quân ta bắn quân mình’ từ vụ F-16 rơi ở Ukraine

(PLO)- Dù chưa có kết luận chính thức về nguyên nhân khiến chiến đấu cơ F-16 rơi ở Ukraine nhưng giới quan sát cho rằng có thể do bị chính tên lửa của Ukraine bắn trúng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một trong những chiếc máy bay chiến đấu F-16 hiếm hoi của Ukraine đã bị rơi trong khi làm nhiệm vụ đánh chặn hơn 200 tên lửa và UAV của Nga hôm 26-8.

Đây là đòn giáng mạnh vào Kiev khi những chiếc F-16 đầu tiên chỉ mới đến nước này vào đầu tháng 8 và người điều khiển chiếc F-16 này - bí danh là Moonfish, là một trong số ít phi công xuất sắc trải qua khóa đào tạo của phương Tây để lái chúng.

Ngày 30-8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã cách chức Tư lệnh Không quân Mykola Oleschuk chỉ một ngày sau khi lực lượng nước này xác nhận chiến đấu cơ F-16 rơi ở Ukraine, dù không nói rõ lý do sa thải.

F-16 bị tên lửa Patriot của chính Ukraine bắn trúng?

Trong một thông báo hôm 29-8 về vụ chiến đấu cơ F-16 rơi ở Ukraine, lực lượng Không quân Ukraine chỉ nói rằng máy bay chiến đấu này bị "mất liên lạc" mà không nói rõ liệu nó có phải bị bắn hạ, do hỏa lực của đối phương hay hỏa lực của quân mình, hay là gặp trục trặc kỹ thuật hoặc do lỗi phi công,...Lực lượng này nói thêm rằng chiếc F-16 rơi ở Ukraine đã bắn hạ 4 tên lửa hành trình của Nga trước khi gặp nạn, theo đài CNN.

Các chuyên gia quân sự cho rằng nguy cơ xảy ra sự cố bắn nhầm - quân ta bắn quân mình, ngày càng trở nên nghiêm trọng trong các cuộc tấn công hàng loạt bằng tên lửa và UAV.

Nỗi lo bắn nhầm từ vụ chiến đấu cơ F-16 rơi ở Ukraine
Tang lễ của phi công Oleksiy Mes - bí danh là Moonfish điều khiển chiếc chiến đấu cơ F-16 rơi ở Ukraine hôm 26-8. Ảnh: GETTY IMAGES

Ngày 29-8, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của quốc hội Ukraine - nghị sĩ Mariana Bezugla cho rằng chiếc F-16 rơi ở Ukraine do bị trúng tên lửa từ hệ thống phòng không Patriot của chính Ukraine và đề nghị trừng phạt những người có liên quan, theo tờ Ukrainian National News.

"Theo thông tin của tôi, chiếc F-16 này đã bị hệ thống tên lửa phòng không Patriot bắn hạ do sự phối hợp không ăn ý giữa các đơn vị phòng không. Các báo cáo nói rằng phi công này sau đó đã mất kiểm soát máy bay”- bà Bezugla viết trên mạng xã hội Telegram.

Sau đó, hôm 30-8, ông Oleshchuk, lúc đó chưa bị miễn nhiệm Tư lệnh Không quân Ukraine, đã chỉ trích phát biểu của bà Bezugla và cáo buộc bà tiếp tay cho những hoạt động tuyên truyền của đối phương.

Mỹ đã cung cấp cho Ukraine các hệ thống phòng không Patriot, bao gồm một hệ thống radar mạnh và bệ phóng di động bắn tên lửa vào các đầu đạn đang bay tới. Trong cuộc chiến với Nga, lực lượng Ukraine đã thường xuyên sử dụng những hệ thống này như một phần của mạng lưới phòng không chống lại các cuộc tấn công của Nga.

Các chuyên gia quân sự cho rằng mặc dù việc mất máy bay là một thất bại, nhưng việc máy bay chiến đấu gặp nạn không phải là điều bất thường, ngay cả trong các nhiệm vụ huấn luyện thời bình và do đó dường như ít tác động đến nỗ lực chiến tranh của Ukraine, theo tờ The New York Times.

Nỗi lo "quân ta bắn quân mình"

Theo tạp chí The National Interest, bắn nhầm có thể xảy ra vì nhiều lý do, từ công nghệ quân sự không hoàn hảo như sự sai sót của hệ thống nhận dạng trên chiến trường phức tạp, lỗi liên lạc, đến lỗi do con người hay huấn luyện binh lính kém.

Trong các cuộc xung đột quân sự hiện đại - nơi các hệ thống vũ khí phức tạp được sử dụng và phản ứng nhanh là điều cần thiết, thì nguy cơ xảy ra lỗi của con người sẽ tăng lên. Việc xác định đối phương trong các tình huống động và hỗn loạn có thể đầy thách thức và vô cùng khó khăn, cũng như việc ra quyết định khai hỏa và thao tác nhanh chóng sẽ có nguy cơ dẫn đến bắn nhầm.

Bình luận về trường hợp F-16 rơi ở Ukraine, ông Mark Cancian, cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ) cho rằng việc theo dõi xem đâu là địch, đâu là ta, đặc biệt là khi có nhiều tên lửa bay xung quanh cùng lúc là rất khó khăn. Do đó, điều này dễ dẫn đến việc bắn nhầm đồng đội.

chien-dau-co-f-16-ukraine-roi.png
Phương tiện bị phá hủy sau đợt không kích của Nga vào TP Kharkiv hôm 30-8. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Cạnh đó, việc giao tiếp chính xác giữa các đơn vị quân đội khác nhau là cũng là điều cần thiết để tránh bị bắn nhầm. Lỗi trong quá trình truyền thông tin, hiểu lầm hoặc sự cố trong hệ thống liên lạc có thể dẫn đến nhận dạng sai và tấn công vào phe ta.

Một nguyên nhân nữa mà The National Interest chỉ ra là việc huấn luyện binh lính chưa đến nơi đến chốn về cách nhận biết quân mình cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ bắn nhầm. Ngoài ra, các hiện tượng tâm lý như căng thẳng, mệt mỏi và thiếu tập trung có thể đóng vai trò quan trọng dẫn đến bắn nhầm.

Cũng cần phải kể đến sự cố và trục trặc kỹ thuật với vũ khí, radar hoặc các thiết bị khác có thể dẫn tới việc bắn nhầm. Nếu các đơn vị quân đội không có thông tin cập nhật và chính xác về vị trí hiện tại của quân ta và quân địch, nguy cơ nhận dạng nhầm và bắn nhầm đồng đội sẽ cao hơn.

Phi công Ukraine học lái F-16 cấp tốc

Theo chia sẻ của phi công Moonfish - người đã tử nạn trên chiếc F-16 rơi ở Ukraine hôm 26-8, đã từng được đăng tải trên đài CNN, quá trình đào tạo đầy đủ cho một phi công F-16 có thể mất nhiều năm nhưng các phi công quân sự Ukraine chỉ trải qua một khóa học cấp tốc 6 tháng. Đây là khoảng thời gian ngắn nhưng đủ để thuần thục những điều cơ bản về hoạt động bay, tránh hỏa lực của đối phương và giao tranh với máy bay địch.

Các phi công Ukraine được đào tạo bằng tiếng Anh và phải điều chỉnh lại thói quen lái máy bay chiến đấu do Liên Xô sản xuất vốn được thiết kế để chống lại F-16 và các máy bay cùng loại F-15.

Hồi tháng 5, một số phi công Ukraine - những người “nhập học” lái F-16 tại Mỹ vào tháng 10-2023, đã tốt nghiệp chương trình đào tạo lái F-16 tại Mỹ và đã được gửi đến một số nước châu Âu để thực hành bay, sau đó mới chính thức trở về Ukraine để nhận nhiệm vụ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm