Sau khi đám cháy tại nhà máy Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (quận Thanh Xuân, Hà Nội) được dập tắt, chính quyền địa phương đã phát đi khuyến cáo không sử dụng thực phẩm rau, hoa quả, gia cầm, cá, lợn được nuôi trong vòng bán kính 1 km kể từ tâm đám cháy trong thời gian 21 ngày. Khuyến cáo này cũng lưu ý người dân không sử dụng nước tại các bể chứa nước hở trong bán kính 1km kể từ tâm đám cháy và sơ tán trẻ nhỏ, người già, ốm bệnh ra khỏi khu vực chịu ảnh hưởng của cháy, thời gian sơ tán từ 1-10 ngày.
Tuy nhiên sau đó không lâu, chủ tịch UBND phường Hạ Đình đã ký quyết định thu hồi văn bản khuyến cáo này với lý do không đúng thẩm quyền và nội dung chưa đủ cơ sở.
Song trước vụ việc này, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) lại tán thành và cho rằng cảnh báo này là phù hợp với thực tế.
Ông cho hay trong chiếc đèn compact và đèn huỳnh quang sẽ có thủy ngân và ion có khả năng phát xạ, khi bóng đèn bị cháy các hợp chất thủy ngân và kim loại thủy ngân bị nung trong nhiệt độ cao sẽ thành thể hơi, hòa vào không khí, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng tới sức khỏe.
“Thủy ngân là kim loại nặng độc hại, tích lũy dần trong cơ thể và khó đào thải. Nồng độ thủy ngân trong cơ thể tăng cao có thể gây thiếu máu cùng hàng loạt biến chứng nguy hiểm khác. Ngoài ra, các hạt bụi thủy ngân này có thể rơi xuống đất, vườn rau, làm phơi nhiễm thủy ngân cho thực phẩm”, vị chuyên gia cho biết.
Sau vụ cháy Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông người dân lo lắng trước ảnh hưởng của hóa chất đối với sức khỏe, môi trường sống. Ảnh: PLO
Điều này cũng được Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) khẳng định, thủy ngân là kim loại lỏng khó phân hủy trong môi trường và tích lũy sinh học trong chuỗi thức ăn.
Thủy ngân ít độc, nhưng hơi, các hợp chất và muối của nó rất độc, có thể gây tổn thương hệ thần kinh, tiêu hóa, hô hấp, hệ thống miễn dịch và thận. Hơi thủy ngân ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh trung ương và ngoại biên, phổi, thận, da, và mắt. Nó cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và gây đột biến.
Cho dù ít độc hơn so với các hợp chất của nó nhưng thủy ngân vẫn tạo ra sự ô nhiễm đáng kể đối với môi trường vì nó tạo ra các hợp chất hữu cơ trong cơ thể sinh vật. Thủy ngân tích tụ vào cơ thể con người qua việc tiêu thụ cá, hải sản hoặc hơi thủy ngân trực tiếp hoặc được hấp thụ trên tóc của con người.
PGS.TS Thịnh cũng đưa ra lưu ý, trong vụ cháy này có nhiều loại hoá chất chứ không riêng gì thuỷ ngân. Khi xảy ra cháy lớn, hoá chất sẽ bốc hơi, bay ra gây ô nhiễm không khí cùng với khói bụi. Mặc dù chưa biết chính xác đây là hoá chất gì, và m,ức độ ô nhiễm ra sao, nhưng để đảm bảo an toàn cần phải đưa ra các biện pháp phòng tránh cho người dân nơi đây.
“Để tránh gây hoang mang cho người dân, cơ quan chức năng cần vào cuộc để khảo sát nguy cơ phơi nhiễm cũng như đánh giá mức độ tồn dư hóa chất trong nguồn nước, thực phẩm, từ đó đưa ra hướng giải quyết đảm bảo an toàn sức khỏe và môi trường chung”, vị chuyên gia này bày tỏ quan điểm