Nơi tuyệt nhất để học làm ông già Noel

Tại Trường Charles W. Howard Santa Claus ở Midland, Michigan (Mỹ), khoảng 200 ông già, bà già Noel đến từ Mỹ, Canada, Đan Mạch và Na Uy học cách làm đồ chơi bằng gỗ, luyện tập kỹ năng kể chuyện, lái xe trượt tuyết, nuôi tuần lộc và quan trọng nhất là học cách lan truyền tinh thần Giáng sinh.

Trường dạy làm ông già Noel xịn nhất thế giới

Trường Charles W. Howard Santa Claus không phải là cơ sở duy nhất có chương trình đào tạo ra các ông già và bà già Noel. Vẫn còn nhiều ngôi trường đào tạo ra các ông bà già Noel “chuyên nghiệp” trên thế giới như Trường Santa tại Calgary, bang Alberta (Canada); ĐH quốc tế Santa Claus tại California (Mỹ) hay Trường Santa Claus chuyên nghiệp tại Denver (Mỹ). Tuy nhiên, Trường Charles W. Howard Santa Claus vẫn nổi bật nhất với lịch sử đào tạo lâu đời nhất và chương trình đào tạo được đánh giá cao nhất trên toàn thế giới. Nơi đây được mệnh danh là “Harvard” của các ông già và bà già Noel, kênh truyền hình CNN cho biết.

Ngôi trường được đặt tên theo cố diễn viên người Mỹ Charles W. Howard (1896-1966), người đã dành trọn đời hóa thân làm ông già Noel. Ông đã bắt đầu đóng vai Santa Claus từ năm học lớp 4, tiếp tục gắn bó với nhân vật huyền thoại này khi trưởng thành và trở thành diễn viên đóng vai ông già Noel nổi tiếng nhất trên toàn nước Mỹ giữa thế kỷ 20. Từ năm 1948 đến 1965, ông già Noel Howard luôn là ngôi sao của các buổi diễu hành lễ Giáng sinh tại New York. Ngôi trường được chính Howard thành lập vào năm 1937 tại Albion, New York. Sau khi ông qua đời, hai học trò của ông là Mary Ida Doan và chồng bà là Nate Doan đã tiếp tục duy trì hoạt động của ngôi trường và chuyển nó đến bang Michigan.

Những học viên sẽ được học mọi điều giúp hóa thân thành ông già, bà già Noel một cách hoàn hảo. Ảnh: REUTERS

Học cả cách… nuôi râu giống hệt ông già Noel

Những người điều hành ngôi trường hiện nay, vợ chồng Tom và Holly Valent, đã gắn bó với nó từ thập niên 1970. Vào năm 1987, Tom Valent đã cho xây dựng “Căn nhà Ông già Noel” - ngôi nhà tinh thần của toàn ngôi trường. Nơi đây luôn tràn ngập không khí Giáng sinh, như thể căn nhà thật sự là xưởng đồ chơi ma thuật tít tận Bắc Cực của ông già Noel.

Mỗi năm ngôi trường đón nhận trung bình 125 đơn đăng ký học mới cùng với các học viên cũ quay về trường. “Bạn luôn được học thêm nhiều điều mới mỗi khi quay về đây” - một ông già Noel đã tham gia khóa học bảy lần chia sẻ.

Trong vòng ba ngày, học viên được tham gia các lớp dạy cách giao tiếp bằng ký hiệu tay, cách lái xe tuần lộc, cách hóa trang và nuôi râu, tóc sao cho giống ông già, bà già Noel nhất có thể. Thậm chí các học viên còn được huấn luyện cách thức trả lời phỏng vấn truyền hình, trau dồi giọng kể chuyện hấp dẫn, cách nhảy nhót và giọng cười sảng khoái như những ông già, bà già Noel chính hiệu.

Không chỉ dạy các kỹ thuật để học viên có được màn diễn xuất hoàn hảo trong mùa Giáng sinh, vợ chồng Valent còn xây dựng những hoạt động mang lại cho các học viên những trải nghiệm như thể họ thật sự là ông già, bà già Noel. Họ thiết kế cho các học viên của mỗi khóa học được tham gia một chuyến tàu hỏa chạy bằng hơi nước kiểu cổ, đi tham quan vòng quanh vùng đồng quê tại Michigan để mô phỏng cảm giác như thể các học viên đang thật sự lái một cỗ xe tuần lộc.

Trong một khuôn viên khác của ngôi trường, các ông bà già Noel còn được thử leo lên một cỗ xe tuần lộc giả với mô hình đầy đủ chín chú tuần lộc của ông già Noel như trong những câu chuyện cổ tích. Trường cũng tổ chức lớp dạy về những câu chuyện Giáng sinh, những chi tiết kỳ ảo về ông già Noel… Tất cả là để các ông già và bà già Noel sau khi tốt nghiệp tại trường có thể lan truyền tinh thần Giáng sinh một cách chân thật và ấn tượng nhất có thể.

Làm ông già Noel… không rẻ!

Cuộc sống của một ông già Noel “chuyên nghiệp” không hề dễ dàng và chi phí bỏ ra để làm việc một cách nghiêm túc cũng không hề rẻ. Tại Mỹ, một bộ đồ ông già Noel cơ bản và có chất lượng tốt có mức giá trung bình tầm 600 USD (hơn 13,6 triệu đồng). Đó chỉ là mức giá cho những bộ đồ ông già Noel bình dân nhất. Còn tại Trường Charles W. Howard Santa Claus, nhiều học viên “chuyên nghiệp” đã chi mạnh tay cho những bộ đồ đến 3.000 USD, râu giả giá 1.000 USD và giày da đúng hiệu ông già Noel lên đến gần 700 USD. Đó là chưa kể đến các chi phí tốn kém khác để giặt ủi và chỉnh sửa trang phục mỗi dịp Giáng sinh hay nâng cấp các thiết bị công nghệ cao cấp để ông bà già Noel có thể nghe được các “thông tin mật” từ những phụ huynh khi trò chuyện với các bé.

Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình National Geography, ông già Noel Mike Pulattie chia sẻ: “Đa số người mua đồ làm ông già Noel sẽ không bao giờ kiếm đủ tiền để bù cho chi phí họ bỏ ra đâu”. Ông Pulattie là một giáo viên thể dục đã về hưu của một trường trung học tại Texas. Ông chỉ đóng vai ông già Noel trong các sự kiện từ thiện. Pulattie thừa nhận rằng ông chẳng bao giờ hy vọng kiếm lời vào mùa Giáng sinh mà chỉ muốn mang lại niềm vui cho lũ trẻ.

Chia sẻ với kênh CNN, vợ chồng ông Valent nói rằng ngôi trường luôn cố gắng lọc những thí sinh nào chỉ quan tâm đến kiếm tiền ra khỏi danh sách trúng tuyển nhập học mỗi năm. Làm ông già Noel là một trách nhiệm to lớn và đã hóa thân làm ông già Noel thì bạn phải làm điều đó một cách hoàn hảo nhất, ông Tom Valent chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới