Nóng: Bộ Tài chính đề nghị giảm 50% thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt cho xăng dầu

(PLO)-  Việc này, theo Bộ Tài chính, để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội cho năm 2022 và kiểm soát lạm phát
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 23-9, thông tin phát đi từ Bộ Tài chính cho hay: Bộ này vừa gửi công văn cho các bộ, ngành để xin ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm mức thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu.

Theo Bộ Tài chính, việc giảm mức thuế TTĐB và GTGT đối với xăng, dầu để nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Đảng và Nhà nước đã đề ra cho năm 2022 và kiểm soát lạm phát các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

Mức giảm thuế mà Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn theo thẩm quyền Quốc hội đã giao, lên tới 50% mỗi sắc thuế.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị giảm tối đa 50% mức thuế TTĐB đối với xăng (bao gồm cả xăng E5, E10) và giảm tối đa 50% mức thuế GTGT đối với xăng các loại, nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu hỏa, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn.

Bộ này cũng đề nghị Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định mức giảm cụ thể thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu cũng như thời gian áp dụng giảm thuế cụ thể trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cao hoặc vẫn ở mức cao, tác động đến chỉ số lạm phát, kinh tế vĩ mô, sinh kế, đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế.

Tuy vậy, Bộ Tài chính cũng đưa ra hai phương án.

Phương án giảm 50% thuế TTĐB cho xăng và 20% thuế GTGT cho dầu trong thời gian 6 tháng với giả định giá dầu thô dự kiến 100 USD/thùng thì NSNN giảm thu khoảng 1.239 tỉ/tháng. Nếu cộng cả số thu giảm do giảm thuế BVMT thì NSNN giảm khoảng 5.432 tỉ/tháng. Tổng 6 tháng NSNN sẽ giảm khoảng 7.434 tỉ. Nếu tính cả số thu NSNN giảm do giảm thuế BVMT trước đó thì NSNN giảm thu khoảng 40.890 tỉ.

Theo phương án này, tỷ trọng thuế trong giá cơ sở đối với xăng E5RON92 còn khoảng 15,93% và khoảng 17,95% đối với xăng RON95, khoảng 9,75% đối với dầu diesel.

Nếu việc giảm thuế này được áp dụng từ 1-11 thì CPI bình quân 2022 giảm khoảng 0,1%. “Tuy nhiên tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành”, Bộ Tài chính nhận định.

Bộ này đánh giá: việc giảm thuế TTĐB, thuế GTGT sẽ làm giảm giá bán xăng dầu, góp phần bình ổn giá xăng dầu trong nước, thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2022 và năm 2023. Đồng thời, người dân và doanh nghiệp sẽ được lợi khi chi phí trực tiếp và gián tiếp liên quan đến xăng, dầu sẽ giảm.

Phương án thứ 2 Bộ Tài chính đưa ra là giảm 50% thuế TTĐB, 50% thuế GTGT, thời gian áp dụng 6 tháng với giả định giá dầu thô dự kiến 100 USD/thùng thì mỗi tháng NSNN giảm thu khoảng 2.031 tỉ. Trong 6 tháng, nếu tính cả mức giảm thuế BVMT đã được quyết định trước đó, thì NSNN giảm thu khoảng 45.642 tỉ.

Tác động của phương án này đối với giá bán lẻ xăng, dầu, đến CPI, tăng trưởng kinh tế và người dân, doanh nghiệp còn lớn hơn so với phương án trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm