Trao đổi với PLO, một lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cho biết hiện giá cau tăng cao và xảy ra tình trạng nhiều người tìm mua cau giống.
Người thu tiền tỉ, người “đỏ mắt” tìm cau giống
Vừa lựa được vài cây cau giống còn sót lại trong một vườn ươm tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) vừa mặc cả với chủ vườn giảm giá từ 25 ngàn đồng xuống 20 ngàn đồng/cây.
Theo ông Hòa, sáng nay ông vượt hơn 50 km từ huyện Krông Bông đến TP Buôn Ma Thuột để tìm mua giống cau về trồng xen trong rẫy cà phê của gia đình, hy vọng vài năm nữa sẽ có nguồn thu, cải thiện cuộc sống.
“Tôi tính mua khoảng 200 cây cau giống. Từ sáng tới trưa, tôi đi nhiều vựa, lựa nhiều vườn mới được 20 cây mà giá quá cao, cây giống xấu. Các vườn ươm đều hết sạch cau giống” - ông Hòa nói.
Cũng tìm đến mua cau giống tại xã Hòa Thắng, người đàn ông tên Vương (ngụ huyện Cư Kuin), cho biết ông có khoảng 15.000 cây cau đã cho thu hoạch trồng trên diện tích 8 ha đất.
Theo ông Vương, vừa qua ông đã xuất bán cau và thu về lợi nhuận khoảng 5 tỉ đồng. Vì vậy, ông tiếp tục tìm mua giống để trồng dặm vào những khoảnh đất trống còn lại.
“Trồng cau ít công chăm sóc, ít vốn đầu tư. Hiện tôi tìm mua thêm giống nhưng chưa tìm ra” - ông Vương nói.
Dạo quanh các vườn ươm cây giống tại xã Hòa Thắng (nơi được xem là vựa cây giống của tỉnh Đắk Lắk), PLO ghi nhận đa số các vườn ươm đều không còn cau giống.
Ông Nguyễn Bá Phương, chủ vườn ươm Bá Phương, xã Hòa Thắng, cho biết vừa qua ông đã bán sạch 20.000 cây cau giống trong vườn ươm của mình với giá từ 10.000 đồng đến 12.000 đồng/cây. Trong khi đó, cùng thời điểm này năm ngoái, cau giống giá thấp, khoảng 2.000 đồng/cây và bán rất chậm.
“Năm nay giá cau đạt gần 100.000 đồng/kg. Vì thế, người dân đổ xô đi mua cây giống, giá cau giống cũng tăng theo và trở nên khan hiếm. Hiện, tôi cũng như nhiều vườm ươm khác không còn hàng để cung ứng cho bà con” - ông Phương nói.
Cũng theo ông Phương, thời gian qua có nhiều người lạ đem cau giống tới chào hàng, bảo ông nhập về để bán. Tuy nhiên, vì không rõ về giống cau được chào mời nên ông từ chối.
“Hiện có rất nhiều loại cau. Có loại quả tròn, ruột rỗng, thường được trồng làm cảnh, có loại hình bầu dục, ruột đặc… Thương lái chỉ mua loại cau ruột đặc, trái hình bầu dục. Vì vậy, bà con cũng phải cận trọng khi chọn mua giống để tránh tiền mất tật mang” - ông Phương chia sẻ thêm.
Theo ông Phương, để đảm bảo uy tín, chất lượng của vườn ươm, ông tự đi đặt mua trái cau chín rồi về ươm giống. Tuy nhiên, năm nay giá cau quá cao, việc đặt mua trái cau giống để ươm rất khó khăn.
“Tôi đặt nhiều vườn nhưng người dân không chịu để cau chín vì sợ mùa sau cây mất sức. Vừa qua, tôi liên hệ được một vườn trên xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột, chủ vườn đồng ý để lại cho tôi khoảng 20.000 trái cau giống với giá 7.000 đồng/trái” - ông Phương nói.
Nườm nượp thu mua
Rời các vườn ươm, phóng viên đi dọc theo tuyến quốc lộ 27 theo hướng từ TP Buôn Ma Thuột về huyện Cư Kuin để ghi nhận thêm về cơn sốt giá cau ở Đắk Lắk.
Dọc hai bên tuyến quốc lộ này, có hàng chục điểm được cắm bảng hiệu “thu mua cau giá cao”, điểm nào cũng tấp nập người mua kẻ bán.
Ông Nguyễn Văn Hào (chủ một vựa thu mua cau tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột), cho biết hiện ông đang thu mua cau với giá cao nhất là 95.000 đồng/kg. Ngoài ra, một số loại cau chưa đạt size, cau nhỏ được mua với giá từ 20.000 đồng đến khoảng 80.000 đồng/kg.
“Mỗi ngày, tôi thu mua 5-9 tấn cau để nhập lại cho các lò sấy rồi xuất sang Trung Quốc. Từng loại cau, từng kích cỡ sẽ có những mức giá khác nhau. Tuy nhiên, cau chuẩn, đạt size có giá 95.000 đồng/kg” - ông Hào nói.
Còn ông Hoàng Văn Phước (chủ vựa thu mua cau ở xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin), cho biết những năm trước giá cau chỉ đạt khoảng 30.000 đồng/kg. Có thời điểm giá cau rớt thảm, chỉ khoảng 2.000 đồng đến 3.000 đồng/kg.
Cũng theo ông Phước, năm nay giá cau bất ngờ tăng cao và giữ ở mức ổn định trong thời gian dài giúp nhiều nông dân hưởng lợi. Tuy nhiên, cũng có nhiều nông dân trồng cau ở rẫy xa, sợ mất trộm nên phải cắt cau nhỏ, chưa đạt size đi bán với giá rẻ hơn.
“Nhiều người dân cắt cau nhỏ bán với giá 40.000 đồng/kg. Thấy vậy, tôi khuyên bà con nên để dành, chờ cau đạt size hãy cắt để bán được giá. Tuy nhiên, giá cau tăng cao, bà con lo mất trộm nên chấp nhận câu chuyện "xanh nhà hơn già đồng", cắt cau nhỏ đi bán” - ông Phương nói.
Theo tìm hiểu của PLO, một số địa phương có diện tích cau, có nhiều vựa thu mua cau đều xây dựng các phương án để bảo vệ mùa màng cho bà con.
Ông Đỗ Xuân Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hòa Thắng, cho biết hiện giá cau đang sốt, khó tránh khỏi việc bị trộm cắp. Vì vậy, địa phương đã khuyến cáo bà con nâng cao cảnh giác, có biện pháp tự bảo vệ tài sản của mình.
“Chúng tôi cũng yêu cầu lực lượng công an xã xây dựng kế hoạch tuần tra, bảo vệ mùa màng, các loại nông sản trong đó có cây cau cho bà con” - ông Hiếu trao đổi.
Không nên trồng đại trà
Theo số liệu thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, toàn tỉnh có 1.358 ha trồng cau với năng suất hơn 139 tạ/ha.
Một lãnh đạo của chi cục này cho biết cau không phải loại cây trồng chính, không nằm trong quy hoạch phát triển của ngành nông nghiệp tại Đắk Lắk.
Hiện, giá cau tăng cao, nhiều người dân tìm mua giống về trồng. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ cau chưa rõ ràng, không ổn định, giá cau cũng biến động thất thường. Vì vậy, người dân cần cẩn trọng, không nên trồng đại trà, ồ ạt.
“Nhiều thương lái nói mua cau xuất sang Trung quốc làm kẹo cau. Tuy nhiên, đa số cau xuất sang Trung Quốc đều đi theo đường tiểu ngạch. Bà con chỉ nên trồng cau xen bờ ranh của nương rẫy hoặc các diện tích đất xấu, không nên trồng đông đặc, đại trà” - vị lãnh đạo này nói.