Tình hình thực địa Bakhmut ngày càng căng
. Theo hãng tin Ukrinform, Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết trong ngày 28-2 Không quân Ukraine đã 3 lần tấn công vào các cụm quân Nga. Các đơn vị tên lửa và pháo binh Ukraine cũng nhắm mục tiêu 1 cụm nhân lực, 1 kho đạn dược và thiết bị quân sự, cùng hai vị trí lắp các hệ thống tên lửa phòng không của Nga.
Theo Bộ này, quân Nga tiếp tục tập trung nỗ lực tấn công ở các hướng Kupiansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Shakhtarsk (đều thuộc tỉnh Donetsk, vùng Donbass, miền đông Ukraine). Theo đó, trong ngày qua, quân Moscow đã 1 lần dội tên lửa, 2 lần không kích, đồng thời hơn 20 lần khai hỏa các hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) hơn 20 lần về phía quân Kiev. Mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vẫn hiện hữu trên khắp Ukraine.
Theo đài CNN, các binh sĩ Ukraine ở Bakhmut mô tả tình hình trên thực địa ngày càng tồi tệ khi các lực lượng Nga tiếp tục gây áp lực để chiếm TP. Tối 28-2, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết thách thức lớn nhất của Ukraine là bảo vệ thành phố Bakhmut. “Tình hình khó khăn nhất vẫn là ở Bakhmut. Cường độ giao tranh ngày càng gia tăng" - ông nói.
Khu chung cư bốc cháy giữa lúc quân Nga và Ukraine giao tranh quyết liệt tại TP Bakhmut (tỉnh Donetsk). Ảnh: REUTERS |
Cũng trong 28-2, ông Alexander Rodnyansky - cố vấn kinh tế của Tổng thống Zelensky - nói rằng các lực lượng Ukraine có thể "rút lui một cách chiến lược" khỏi Bakhmut nếu cần. Ông nói thêm rằng khu vực phía tây Bakhmut đã được củng cố, do đó việc Ukraine rút quân không đồng nghĩa Nga có thể tiến quân nhanh vào TP này.
"Đừng nhầm lẫn, chúng tôi sẽ phản công sớm thôi" - ông nhấn mạnh.
. Theo hãng thông tấn TASS, chính quyền thân Nga ở tỉnh Kherson cho biết cơ sở hạ tầng dân sự ở TP Golaya Pristan trên tả ngạn Dnieper (Kherson) thường xuyên bị quân đội Ukraine pháo kích. "Các cuộc pháo kích không bao giờ dừng lại, nhiều cuộc tấn công nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự, nhà ở” - phía chính quyền cho biết, thêm rằng quân Kiev đã sử dụng nhiều bệ phóng tên lửa, lựu pháo và súng cối để thực hiện các hoạt động trên.
Trong khi đó, ngày 28-2, cơ quan phòng thủ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng cho biết rằng quân đội Ukraine đã thả mìn sát thương Lepestok ở quận Kirovsky của TP Donetsk. Trước đó, 27-2, loại mìn này cũng được phát hiện ở quận Petrovsky của TP.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - Trung tướng Igor Konashenkov nói rằng trong ngày qua, lực lượng không quân tác chiến/chiến thuật và lục quân, tên lửa và pháo binh của quân đội Nga đã tấn công 93 đơn vị pháo binh, cụm nhân lực và thiết bị quân sự của Ukraine ở 162 khu vực.
Trong bài phát biểu ngày 28-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thừa nhận quân đội Nga chịu tổn thất. “Thật không may, có những tổn thất trong hàng ngũ của chúng ta. Lãnh đạo của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) phải làm mọi cách để hỗ trợ thêm cho gia đình của những đồng đội đã ngã xuống" - ông nói trong cuộc họp hội đồng của FSB, theo CNN.
Theo TASS, chủ nhân Điện Kremlin cũng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên trong công việc của FSB. "Trước hết, cần tiếp tục hỗ trợ các lực lượng vũ trang và Vệ binh Quốc gia trong quá trình thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt, bao gồm hỗ trợ chống trinh sát và nhanh chóng trao đổi thông tin chiến thuật quan trọng" - ông nói.
Ông Putin cáo buộc phương Tây sử dụng “phần tử cực đoan” chống Nga
Tổng thống Putin tuyên bố phương Tây không bao giờ tránh dùng các phần tử cực đoan chống lại Nga và đang làm như vậy một lần nữa trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông tuyên bố rằng các cơ quan tình báo phương Tây đang nhắm đến việc khôi phục các phần tử khủng bố bên trong nước Nga, đài RT đưa tin.
Chống lại mối đe dọa khủng bố này vẫn là một nhiệm vụ “cấp bách” đối với đất nước, ông Putin cho biết khi chủ trì cuộc họp hội đồng của FSB. Theo ông, số vụ khủng bố trong nước Nga đã tăng lên trong năm qua, đồng thời cáo buộc phương Tây “luôn sử dụng bất cứ thứ gì có trong tay để chống lại chúng tôi, luôn luôn như vậy và sẽ vẫn như vậy”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS |
Ông cảnh báo rằng các đơn vị đặc nhiệm của phương Tây đang cố gắng khôi phục các nhóm khủng bố len lỏi trong lòng nước Nga. Theo đó, điều cần thiết là tăng cường công tác phản gián và giữ cho biên giới Nga-Ukraine dưới sự giám sát chặt chẽ hơn để ngăn chặn việc buôn lậu vũ khí và đạn dược vào lãnh thổ đất nước, ông nói với giới lãnh đạo FSB.
Moscow: Trừng phạt Nga là “liều thuốc độc” cho EU
Ngày 28-2, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói rằng các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga đang thiếu hiệu quả và thay vào đó làm sứt mẻ sự độc lập về kinh tế của khối, theo RT.
Bà Zakharova cho biết bà đồng ý với ông Josep Borrell - nhà ngoại giao hàng đầu của EU - người hồi đầu tháng này đã mô tả các biện pháp trừng phạt chắc chắn là liều thuốc độc dù tác dụng chậm, nhưng bên chịu tác động là châu Âu.
“Trước hết chúng sẽ giết chết chủ quyền kinh tế của EU. Khối có thể tự tát mình bằng bất kỳ hạn chế nào liên quan đến thương mại với Nga. Điều này sẽ chỉ làm tăng sự phụ thuộc của Moscow vào các đối thủ cạnh tranh trực tiếp với EU” - cô giải thích.
Bà Zakharova cũng chỉ trích các hành động của khối này đối với truyền thông Nga, lên án rằng Brussels đang “cố tình phá hủy nền tảng của xã hội dân chủ, phá hoại các nguyên tắc và giá trị mà EU đã xây dựng ngay từ đầu”.
Kể từ khi xung đột bắt đầu, EU đã áp đặt các hạn chế đối với tổng cộng 1.473 cá nhân và 205 tổ chức Nga. Tổng thống Putin đã mô tả chiến dịch này là “một cuộc chiến trừng phạt toàn diện”, đồng thời tuyên bố rằng chúng đã không thể khiến thất bại kinh tế Moscow sụp đổ.