Tình hình chiến sự
Theo báo cáo của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, lực lượng vũ trang Ukraine đã đẩy lùi cuộc tấn công của đối phương ở hai TP Sloviansk và Bakhmut (tỉnh Donetsk, miền đông Ukraine), hãng Ukrinform đưa tin.
Theo báo cáo, với sự yểm trợ của súng cối, pháo binh và nhiều bệ phóng tên lửa, quân Nga sẽ đang cố gắng giành được chỗ đứng ở làng Bohorodychne (Donetsk). Giao tranh vẫn tiếp diễn. Phía Moscow đang tích cực áp dụng tác chiến điện tử.
Ở đông bắc Ukraine, lực lượng Mocsow tiếp tục nã pháo vào các vị trí của quân đội Ukraine. Theo Bộ này, phía Nga đang pháo kích vào cơ sở hạ tầng dân sự ở làng Myropilske (tỉnh Sumi).
Bộ cho biết tình hình ở TP Kharkiv không có gì thay đổi đáng kể. Moscow tập trung toàn lực để giữ quyền kiểm soát khu vực mà họ đã giành được. Để kiềm chế các hành động của lực lượng phòng vệ Ukraine, các lực lượng Nga khai hỏa vào các vị trí của quân Kiev.
|
Khói đen bao trùm nhà máy hóa chất Azot ở TP Severodonetsk, tỉnh Luhansk, miền đông Ukraine. Ảnh: HANDOUT |
Tại tỉnh Luhansk (miền đông Ukraine), các lực lượng Ukraine đã chống trả hiệu quả cuộc tấn công của quân Nga ở TP Severodonetsk. Một số đơn vị đối phương đang tiến vào khu vực khu định cư Toshkivka, pháo kích các cơ sở hạ tầng dân sự ở TP Lysychansk và giao tranh vẫn tiếp tục.
Bộ Tổng tham mưu thông tin thêm rằng Kiev đã đẩy lui thành công quân Nga ra khỏi khu vực Metiolkino (TP Severodonetsk) và các khu vực gần TP Popasna (tỉnh Luhansk).
Tỉnh trưởng tỉnh Luhansk - ông Serhiy Gaidai cho biết Ukraine vẫn nắm quyền kiểm soát nhà máy hóa chất Azot ở Severodonetsk, nơi hàng trăm dân thường đang trú ẩn, theo hãng tin Reuters.
"Thông tin về việc phong tỏa nhà máy Azot là dối trá. Lực lượng của chúng tôi đang kiểm soát khu công nghiệp của Severodonetsk và đang tiêu diệt quân đội Nga trong thị trấn” - ông viết trên Telegram.
Ông cho biết thêm rằng trong ngày 11-6, quân Nga đã pháo kích vào nhà máy, làm rò rỉ hàng tấn dầu và gây ra một đám cháy lớn.
Trong một thông báo khác của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, kể từ ngày 24-2, lực lượng vũ trang Ukraine đã tiêu diệt khoảng 32.050 lính Nga, trong đó có 150 người trong 24 giờ qua, theo Ukrinform.
Phía Ukraine cũng phá hủy 1.419 xe tăng, 3.466 xe chiến đấu bọc thép, 712 khẩu pháo, 222 hệ thống tên lửa bắn loạt, 97 hệ thống tác chiến phòng không, 212 tiêm kích, 178 máy bay trực thăng, 579 máy bay không người lái, 125 tên lửa hành trình, và 2.448 xe tải.
Theo hãng thông tấn TASS, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga - ông Igor Konashenkov ngày 11-6 cho biết rằng lực lượng phòng không của Nga đã bắn rơi một máy bay MiG-29 và một chiếc Su-25 của Ukraine.
"Lực lượng phòng không của Nga đã bắn rơi một máy bay MiG-29 và một máy bay Su-25 của không quân Ukraine lần lượt ở TP Mikolayiv và TP Kharkiv trong 24 giờ qua" - ông nêu rõ.
Ông nói thêm rằng các tên lửa chính xác cao của Nga đã phá hủy một căn cứ của lính đánh thuê nước ngoài tại Kharkiv.
Theo ông Konashenkov, Nga cũng đã nhắm mục tiêu vào 14 khu vực nơi quân đội và thiết bị quân sự Ukraine được triển khai tại Luhansk. Ngoài ra, một hệ thống tên lửa Buk-M1 của Kiev gần khu định cư Minkovka ở Donetsk cũng đã bị phá hủy.
Lực lượng tên lửa và pháo binh của Nga đã phá hủy hai bệ phóng tên lửa Grad cùng 9 kho chứa nhiên liệu và vũ khí dã chiến của Kiev trong ngày qua, tiêu diệt hơn 300 người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine, ông nói thêm.
Theo TASS, lực lượng vũ trang Nga đã phá hủy 198 máy bay, 1.180 máy bay không người lái, 3.503 xe bọc thép và 506 bệ phóng tên lửa của quân đội Kiev kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
"Tổng cộng 198 máy bay, 130 máy bay trực thăng, 1.180 máy bay không người lái, 337 hệ thống tên lửa, 3.503 xe tăng và các phương tiện bọc thép khác, 506 bệ phóng tên lửa, 1.859 khẩu pháo dã chiến và súng cối, cũng như 3.545 phương tiện cơ giới quân sự đặc biệt đã bị phá hủy kể từ đó” - TASS dẫn lời ông Konashenkov.
Cũng trong ngày 11-6, ông Rodion Miroshnik - Đại sứ Cộng hòa Nhân dân Luhansk tự xưng tại Nga - cho biết người dân đã bắt đầu rời nhà máy hóa chất Azot.
"Thường dân đã bắt đầu ra khỏi Azot. Họ thoát ra bằng Cổng số 2 của nhà máy hóa chất Azot. Cánh cổng đó không được kiểm soát bởi quân đội (Ukraine). Người dân đang được các binh sĩ của lực lượng đồng minh (Nga) đưa đến nơi an toàn" - ông viết trên Telegram.
Nga có thể đã sử dụng tên lửa gây thương vong hàng loạt vào Ukraine
Theo tờ Insider, các quan chức Ukraine và Anh cảnh báo Nga rất có thể đã phóng tên lửa chống hạm hạng nặng từ những năm 1960 vào Ukraine. Loại tên lửa này có thể gây thương vong hàng loạt.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết tên lửa Kh-22 nặng 5,5 tấn được thiết kế để tiêu diệt tàu sân bay sử dụng đầu đạn hạt nhân. Cơ quan này cảnh báo rằng việc sử dụng tên lửa trong các cuộc tấn công mặt đất "có thể gây ra thiệt hại và thương vong nghiêm trọng" vì độ chính xác rất thấp. Tuy nhiên, cơ quan này không nói rõ những tên lửa này đang được sử dụng ở đâu.
Bộ Quốc phòng Anh cho biết họ nghĩ rằng Nga đang sử dụng những tên lửa này do đang thiếu các tên lửa hiện đại chính xác hơn.
Nga: Chính sách Mỹ dẫn đến sự hình thành khối “G8 mới”
Phát ngôn viên Hạ viện Nga - ông Vyacheslav Volodin ngày 11-6 nói rằng Mỹ “bằng chính bàn tay của mình” đã thúc đẩy các quốc gia không tham gia vào “cuộc chiến trừng phạt” thành lập một khối “G8 mới” với Nga, theo đài RT.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào cuối tháng 2, Mỹ,Liên minh châu Âu (EU), Anh và nhiều quốc gia khác đã áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn đối với Moscow, khiến Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nặng nề nhất trên thế giới.
Trong một bài đăng trên Telegram, ông Volodin đã dẫn số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về Tổng thu nhập quốc nội (GDP) dựa trên sức mua tương đương (PPP) của các quốc gia mà ông gọi là “G8 mới” và các quốc gia G7 (nhóm 7 nền kinh tế lớn trên thế giới) hiện tại.
“Nhóm tám quốc gia không tham gia vào các cuộc chiến trừng phạt - Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Indonesia, Brazil, Mexico, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ - có GDP theo PPP cao hơn 24,4% so với nhóm cũ (G7)” - ông viết.
Theo quan điểm của ông, các nền kinh tế G7 - Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Pháp, Ý và Canada - tiếp tục " rạn nứt dưới tác động của các lệnh trừng phạt mà họ áp đặt lên Nga".
“Sự phá vỡ các quan hệ kinh tế hiện có của Washington và các đồng minh đã dẫn đến sự hình thành các điểm tăng trưởng mới trên thế giới. Mỹ đã tự tay tạo điều kiện cho các nước mong muốn xây dựng đối thoại bình đẳng và quan hệ đôi bên cùng có lợi hướng tới hình thành một khối G8 mới cùng với Nga” - Volodin tuyên bố.
Lãnh đạo Đức, Pháp, Ý sắp đến Kiev
Tờ báo Đức Bild am Sonntag ngày 11-6 đưa tin rằng Thủ tướng Đức Olaf Scholz sẽ công du Kiev cùng với những người đồng cấp từ Pháp và Ý trước hội nghị thượng đỉnh G7 vào cuối tháng 6.
Tuy nhiên, theo Reuters, các bên đều từ chối bình luận về thông tin trên.
Trước đó, vào hôm 10-6, Đại sứ Ukraine tại Đức - ông Andrey Melnyk nói với tờ Novoye Vremya rằng Kiev Kiev sẽ nhận được vũ khí hạng nặng từ Đức vào khoảng ngày 22-6 - đây là ngày Đức Quốc xã tấn công Liên Xô hồi năm 1941. Theo RT, Liên Xô bao gồm cả Ukraine và Nga vào thời điểm đó, và Ukraine là một trong những lãnh thổ Liên Xô đầu tiên bị Đức Quốc xã tấn công.
Theo RT, ông Melnyk không bình luận gì về việc chọn ngày. Thay vào đó, ông tiếp tục nói rằng Ukraine sẽ nhận thêm 15 hệ thống phòng không tự hành Gepard vào cuối tháng 7 và một đợt giao hàng khác sẽ rơi vào khoảng một tháng sau đó.
Ukraine đang làm mọi thứ có thể để cứu 3 lính đánh thuê
Theo Reuters, nghị sĩ Ukraine - ông Fedir Venislavskyi đang làm mọi thứ có thể để cứu ba công dân nước ngoài đã bị chính quyền ở Donbas kết án tử hình vì chiến đấu cho Ukraine.
"Cả Bộ Quốc phòng và Tổng cục Tình báo, nơi giải quyết việc trao đổi tù nhân, đang thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo những công dân nước ngoài này được cứu" - ông nói, song không cho biết thêm chi tiết.
Phó Thủ tướng Ukraine - bà Iryna Vereshchuk cho biết bà tin rằng các nhà chức trách khu vực ly khai cuối cùng sẽ hành động hợp lý "vì họ nhận thức rõ những tác động không thể khắc phục đối với họ và Nga nếu họ có bất kỳ bước đi sai trái nào đối với ba binh sĩ của chúng tôi".