Để thực hiện được MV này, chị đã mang cả dàn nhạc giao hưởng 40 người ra quay ở Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9. MV do đạo diễn trẻ Lam Hạ thực hiện, kể về tình cảm của người con gái đối với người cha đã anh dũng ngã xuống vì hòa bình của tổ quốc.
Theo ước nguyện của người cha rằng sau này lớn lên con gái sẽ được hát giữa một dàn nhạc giao hưởng lớn, trong buổi thi tốt nghiệp tại trường nhạc đang theo học, cô gái đã xin phép hội đồng chấm thi cho phép mình được thể hiện phần thi tại nghĩa trang Đường 9 (Quảng Trị). Điều này vốn không có trong tiền lệ, nhưng vì lời khẩn cầu tha thiết của cô sinh viên nên hội đồng đã đồng ý.
Hình ảnh người vợ và đứa con trong MV.
NSƯT Tố Nga nói, việc thực hiện MV Gửi vào thương nhớ như một định mệnh đã đặt sẵn lên vai chị, cứ như có ai đó xui khiến khi chị bắt gặp ca khúc này.
Thành công của Cúc ơi! đã khiến chị dự tính sẽ không thực hiện một MV tương tự vì ngại sự trùng lặp đề tài, cũng ngại sẽ khó vượt qua được Cúc ơi!. Thêm vào đó, sau những vất vả quay Cúc ơi! năm ngoái, Tố Nga đã tự nhủ rằng sẽ không làm sản phẩm hoành tráng, kỳ công đến như vậy nữa. Nhưng, nếu Cúc ơi! mất 12 năm ấp ủ để hoàn thành thì với Gửi vào thương nhớ, NSƯT Tố Nga thực hiện trong vòng một năm với những xúc cảm mãnh liệt…
Cùng với NSƯT Tố Nga, diễn xuất của các diễn viên trong MV là nghệ sĩ Xuân Trường (vai người bố), diễn viên Vân Anh (vai người mẹ) và đặc biệt là bé Thỏ (vai Nga thời nhỏ) đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người xem. MV cũng phải sử dụng đến 400 diễn viên quần chúng vào vai bộ đội.
Diễn viên Xuân Trường (trong vai người cha) với cô con gái nhỏ.
Diễn viên Xuân Trường (trong vai người cha) nói, anh vốn không đóng MV bao giờ và cũng không có ý định đóng MV. Nhưng khi nhận được kịch bản, anh đã nhận lời vì nội dung MV hoàn toàn không cho anh cảm giác về một MV ca nhạc mà là một câu chuyện mang tính điện ảnh vô cùng xúc động được kể bằng lời hát.
Gọi là MV, nhưng Gửi vào thương nhớ có dáng dấp của một phim ngắn hơn, với độ dài hơn 8 phút. Đặc biệt, ca khúc Gửi vào thương nhớ được nhạc sĩ Lê Trọng Lập phổ nhạc từ bài thơ Viếng mộ ba của nữ tác giả Minh Ngọc viết tâm sự dành cho ba mình đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Huế. Nhạc sĩ Lê Trọng Lập đã phổ nhạc cho bài thơ mà giữ gần như nguyên vẹn lời thơ, bởi mỗi lời thơ là những tâm sự chất chứa yêu thương, mong nhớ của tác giả dành cho cha đang yên nghỉ cùng đồng đội nơi nghĩa trang Đường 9.