Nửa đêm cầu cứu bác sĩ tư vấn mùa dịch

Dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, các bác sĩ (BS), chuyên gia y tế đã lập nhóm hỗ trợ tư vấn cho nhiều người dân.

Những cuộc gọi, tin nhắn của bệnh nhân đến với các nhóm “Giúp nhau mùa dịch”, “Chiến dịch tư vấn sức khỏe miễn phí mùa dịch”… đều được các BS hỗ trợ kịp thời.

ThS-BS Đỗ Xuân Hưng nhận tư vấn sức khỏe cho bệnh nhi qua điện thoại,
tin nhắn. Ảnh: NVCC

“Tôi hoang mang quá, cần được tư vấn…”

Nửa đêm, chị VTA vào nhóm “Giúp nhau mùa dịch” cầu cứu: “Cả nhà giúp tôi với! Hiện tại nhà có ba mẹ con, chồng đi làm xa ở Đồng Nai. Hai đứa con của tôi đều dương tính. Bây giờ cháu nhỏ đang sốt, cháu lớn cũng đang lo cho em nhỏ lớp 4. Liệu tôi có thể mặc áo mưa, đeo bao tay và kính để vào phòng chăm sóc con được không?”.

Dưới bài đăng của chị VTA, nhiều BS đã vào tư vấn rất tận tình. Thậm chí, nhiều người còn sẵn sàng hỗ trợ xe cấp cứu cho bệnh nhân.

Ngoài nhóm “Giúp nhau mùa dịch”, nhóm “Chiến dịch tư vấn sức khỏe miễn phí mùa dịch” cũng đang tích cực tư vấn giúp người dân qua điện thoại. BS Đỗ Triều Hưng, Tổng thư ký Liên chi hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM, người khởi xướng chiến dịch này, chia sẻ: “Trong số rất nhiều ca tư vấn, tôi nhớ nhất một bệnh nhân bị tiểu đường lâu năm nên biến chứng bàn chân. Anh ấy là huấn luyện viên bóng đá của một quận trên địa bàn TP. Qua điện thoại, anh nói bình thường hay đến các bệnh viện để thay băng. Do dịch bệnh phức tạp nên cả tháng qua anh ở nhà, không dám đến bệnh viện. Anh mong có BS đến nhà giúp mình thay băng.

Để hỗ trợ bệnh nhân, tôi nhờ một điều dưỡng đến nhà anh. Sau đó, điều dưỡng này về báo cáo lại là vết thương bị tổn thương rất lớn, có dòi trong vết thương. Sau khi điều dưỡng rửa vết thương và băng bó xong, tôi tư vấn anh nên đến bệnh viện để được theo dõi, chữa trị kịp thời”.

Bác sĩ tham gia nhóm tăng liên tục

Trong thời gian TP.HCM giãn cách theo Chỉ thị 16, việc có một hệ thống số điện thoại của các BS thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau để người dân gọi điện thoại đến nhờ giải đáp thắc mắc về sức khỏe là hết sức cần thiết và quan trọng.

Sự hỗ trợ tư vấn này không lớn lao gì so với các đồng nghiệp đang phải chiến đấu ở tuyến đầu chống dịch, chúng tôi chỉ mong đóng góp bằng cách chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn TP.

Hiện nay BS tham gia nhóm tăng không ngừng, vượt khỏi sự mong đợi ban đầu của cá nhân tôi. Ngày 15-7, nhóm chỉ có khoảng 48 BS tham gia nhưng đến hiện tại, số BS đã lên đến 250 người. Nhiều BS đăng ký khung giờ tư vấn vào buổi sáng nhưng bất kể khi nào người dân gọi điện thoại đến đều được tư vấn.

BS ĐỖ TRIỀU HƯNGTổng thư ký Liên chi hội Hành nghề y tư nhân TP.HCM 

Chỗ dựa của bệnh nhân mùa dịch

BS Phan Xuân Trung, Trung tâm Y khoa Medic TP.HCM, người khởi xướng nhóm “Giúp nhau mùa dịch”, cho biết: “Với vai trò admin (quản lý - PV), chúng tôi điều phối, kết nối BS với bệnh nhân. Hiện tại, cả hai bên đang tương tác với nhau rất nhiều và hiệu quả. Một yêu cầu đưa ra của bệnh nhân thì có hàng chục, hàng trăm người đáp ứng. Một ngày có hàng trăm bài đăng gửi lên nhờ BS tư vấn, hỗ trợ”.

Theo BS Trung, người dân thường gửi các câu hỏi liên quan về sức khỏe, đề nghị hỗ trợ các ca F0 điều trị tại nhà… Thậm chí họ thiếu nhu yếu phẩm, thuốc men, nhóm cũng sẵn sàng hỗ trợ.

Không thăm khám trực tiếp, nhiều bác sĩ chọn cách tư vấn từ xa để hỗ trợ bệnh nhân. Ảnh: BVCC

“Mỗi ngày, một BS có thể nhận được khoảng 20 câu hỏi. Khuya, rạng sáng, chúng tôi vẫn nhận được nhiều yêu cầu hỗ trợ. Một số trường hợp hoảng loạn khi gia đình có người sốt mê man, xe cấp cứu chưa đến kịp nên gửi lời cầu cứu lên nhóm. Ngay lập tức, chúng tôi tìm xe cấp cứu, kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ. Trong đó, nhóm BS Dương đang hỗ trợ các trường hợp này rất tốt, không chỉ giúp bằng lời mà còn bằng vật chất, xe cộ, con người” - BS Trung chia sẻ.

Cũng theo BS Trung, các BS không chỉ tư vấn sức khỏe mà còn đóng vai trò người lắng nghe. Mới đây, một bệnh nhân muốn tự tử đã gọi điện thoại cho một BS trong nhóm để chia sẻ. BS đó đã gác lại các công việc khác để lắng nghe và tư vấn thành công cho bệnh nhân.

Qua hôm sau, bệnh nhân liên lạc lại và báo “em vui lại rồi”. Việc lắng nghe kịp lúc cũng cứu một mạng người, chứ không chỉ có thuốc men.

Còn với BS Đỗ Triều Hưng, cuộc gọi đầu tiên mà ông nhận được đến từ một người đàn ông lớn tuổi. “Tôi hỏi bác có vấn đề gì về sức khỏe thì bác nói bản thân khỏe, chỉ là thấy việc chúng tôi làm quá ý nghĩa nên muốn gọi điện thoại cám ơn…” - BS Trung chia sẻ.

Bạn đọc có nhu cầu tư vấn sức khỏe miễn phí trong mùa dịch COVID-19 này, mời quét mã QR dưới đây để xem danh sách số điện thoại của các BS, chuyên gia tư vấn.


 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới